Thông tin doanh nghiệp

Dấu ấn thợ cầu 473 trên các công trình xây dựng

14/02/2016, 17:02

Công ty CP 473 đã vinh dự được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì.

Cầu An đông
Cầu An Đông (tỉnh Ninh Thuận) được thợ cầu 473 thi công theo công nghệ dầm hộp đúc hẫng, cấp hỗn hợp EXTRADOS.

Trải qua 42 năm xây dựng và trưởng thành (13/7/1973 - 13/7/2015), vượt qua khó khăn bằng những bước đi đúng đắn, phát huy sức mạnh tập thể, đến nay Công ty Cổ phần 473 đã có sự phát triển ngoạn mục. Không chỉ làm chủ được nhiều công nghệ thi công tiên tiến, hiện đại trên thế giới, thương hiệu thợ cầu 473 hiện đã thực sự trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông của đất nước.

Bứt phá ngoạn mục sau 5 năm cổ phần hóa

Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần 473 nhớ lại: Thời điểm trước cổ phần, Công ty công trình giao thông 473 được biết đến là một trong những đơn vị mạnh và có bề dày về thi công cầu đường bộ và cầu cảng thuộc TCT Xây dựng CTGT 4 (Cienco4).

Tuy vậy, khi đó, 473 cũng có những thời điểm gặp khó khăn, bị tụt hậu so với các đơn vị xây dựng giao thông khác, nguyên nhân căn bản là do cơ chế quản lý chưa đổi mới, bao cấp và thiếu nguồn vốn sản xuất kinh doanh vì phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Cũng vì thiếu vốn nên công ty vẫn phải sử dụng hệ thống máy móc, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trong khi đó, hệ thống quản trị doanh nghiệp (DN) còn thiếu linh hoạt, năng suất lao động thấp dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, thu nhập bình quân của người lao động vì thế chỉ đạt 4 triệu đồng/tháng.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu các DN nhà nước của Đảng, Nhà nước và Bộ GTVT, Công ty CTGT 473 đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty Cổ phần 473 từ tháng 1/2011. Trong thời gian đầu hoạt động theo cơ chế cổ phần, công ty đã gặp vô vàn khó khăn về nguồn vốn, nhân sự, thiết bị… Từ một DN nhà nước được bao cấp chuyển sang công ty cổ phần, CBCNV, người lao động công ty đã có những lo lắng, hoang mang và ít nhiều có tư tưởng tiêu cực. Thậm chí, có một số cán bộ quản lý còn xin chuyển công tác sang đơn vị khác vì không thể thích nghi với cách thức hoạt động mới.

Trước thực tế đó, tập thể cán bộ lãnh đạo, Đảng ủy Công ty CP 473 đã đoàn kết, nhất trí thực hiện hàng loạt biện pháp như: Đổi mới cơ chế quản lý, kiện toàn lại bộ máy sản xuất, dùng cơ chế giữ người tài, đồng thời mạnh dạn đầu tư mua sắm các thiết bị, đổi mới công nghệ thi công.

“Nhờ sự đồng lòng, tinh thần “đồng cam, cộng khổ” của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân, người lao động mà trong thời gian khó khăn ấy, công ty vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, khẳng định vai trò và thương hiệu của Công ty CP 473. Từ chỗ chỉ có hơn 6 tỷ đồng (vốn điều lệ trước cổ phần), sau 2 năm cổ phần hóa, vốn công ty đã tăng 4 lần, lợi nhuận tăng 4,5 lần, thu nhập người lao động tăng 1,5 lần, giá trị sản lượng đạt 360 tỷ đồng”, ông Hải chia sẻ.

“Đi tắt đón đầu”công nghệ mới

Năm 2015 có thể nói là một năm ghi dấu ấn rõ nét nhất trong chặng đường 5 năm cổ phần hóa nói riêng và 42 năm xây dựng và phát triển của những người thợ cầu 473 nói chung. Bởi lẽ, lần đầu tiên họ đã ứng dụng thành công và làm chủ được hàng loạt các công nghệ thi công tiên tiến hiện đại trên thế giới vào các công trình dự án trọng điểm về cầu, hầm, cảng biển, sân bay trong nước.

Nói về việc hiện thực hóa chiến lược đưa công nghệ mới vào thi công, lãnh đạo Công ty CP 473 cho biết: Từ thành công của việc cổ phần hóa DN, ban lãnh đạo công ty đã đề cao tinh thần tự chủ “dám nghĩ, dám làm, tự chịu trách nhiệm” sẵn sàng đầu tư gần 100 tỷ đồng vào mua sắm thiết bị, đào tạo nhân lực, học hỏi, chuyển giao các công nghệ thi công tiên tiến hiện đại nhất trên thế giới. Đây chính là những tiền đề quan trọng để tạo bứt phá cho DN trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Trong năm 2015, bằng việc đưa vào ứng dụng hàng loạt những công nghệ thi công mới như: Công nghệ đúc đẩy, đúc hẫng, công nghệ MSS, EXTRADOS, cầu vòm bê tông cốt thép kết hợp dây văng song song, công nghệ thi công cầu đường sắt, thi công hầm..., những người thợ cầu 473 đã minh chứng khả năng lao động sáng tạo, tìm tòi học hỏi và sự nhạy bén trong quá trình chuyển giao ứng dụng công nghệ mới.

Sau thành công của 2 dự án xây dựng cầu Cổ Cò tại TP Đà Nẵng, cây cầu có vòm bê tông cốt thép khẩu độ lớn nhất ở Việt Nam, rồi cầu An Đông tại tỉnh Ninh Thuận theo công nghệ cầu dầm hộp đúc hẫng, cáp hỗn hợp EXTRADOS. Năm 2015, những người thợ cầu 473 lại tiếp tục đưa công nghệ EXTRADOS về hoàn thành các cầu lớn, hiện đại nơi “quê lúa” Thái Bình. Đó là công trình cầu vượt sông Trà Lý hay còn gọi là cầu Quảng Trường nằm giữa trung tâm TP Thái Bình sẽ có một liên nhịp dầm EXTRADOS ba nhịp (68+120+68 m).

Ngoài ra, công nghệ EXTRADOS còn đang ứng dụng trong thi công cầu Điện Biên Phủ, thuộc dự án đường sắt trên cao Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh); cầu Chợ Gạo (Tiền Giang) ứng dụng công nghệ EXTRADOS trên trụ tháp cao 30 m dầm thép liên hợp bê tông cốt thép khẩu độ nhịp 120 m.

Vào tháng cuối cùng của năm 2015, Công ty CP 473 lại tiếp tục đón nhận những tin vui mới khi cầu Đồng Quang nối Phú Thọ với Hà Nội được khánh thành…, rồi liên tiếp trúng thầu các dự án lớn đòi hỏi công nghệ thi công hiện đại như: Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh)...

Nâng thương hiệu thợ cầu 473

Để tạo đà cho bước phát triển lâu dài, năm 2015, Công ty CP 473 tiếp tục mạnh dạn áp dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư thêm lĩnh vực ngoài ngành như: Xây dựng nhà máy thủy điện, trong đó đã mạnh dạn đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng Thủy điện Khe Thơi, công suất 12 MW ở huyện Con Cuông, Nghệ An. Trong dự án này, những người thợ cầu 473 tiếp tục thử sức với công nghệ mới - công nghệ thi công hầm thủy điện.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, để chuẩn bị cho dự án này, cách đây hai năm, Công ty CP 473 đã chủ động đầu tư thiết bị, đào tạo phát triển nguồn nhân lực bằng việc ký hợp tác đào tạo với bộ môn Cầu Hầm - Trường Đại học GTVT. Đồng thời, tổ chức nhiều khóa học tập, chuyển giao công nghệ từ các đơn vị chuyên xây dựng hầm giao thông, hầm thủy điện trong và ngoài nước.

Có thể nói, thành công của 473 còn ở chỗ DN đã biết nắm bắt và phát huy được lợi thế từ cổ phần hóa, bước đi đúng hướng của đội ngũ lãnh đạo và khẳng định thương hiệu bằng những công trình hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, có tính mỹ thuật cao. Từ một đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, sau 5 năm chuyển đổi, DN luôn đạt mức tăng trưởng từ 10 - 15%/năm và trong năm 2014, công ty đạt giá trị sản lượng gần 600 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng, gấp 2 lần tại thời điểm cổ phần hóa. Năm 2015, tổng giá trị sản lượng công ty đạt 650 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 10,7 triệu đồng/tháng, nâng mức trả cổ tức lên trên 15%.

“Mục tiêu trong giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo 2015-2020, Công ty CP 473 vẫn kiên định với việc đổi mới tư duy, đầu tư vào 2 yếu tố cốt lõi “con người và công nghệ”, tiếp tục đưa thương hiệu 473 phát triển vững mạnh, có vị trí trong thương trường. Đồng thời, tham gia đấu thầu và thắng thầu những dự án lớn, có công nghệ thi công phức tạp, hiện đại mà trước đây chỉ có những nhà thầu quốc tế mới thực hiện được”, Giám đốc Nguyễn Xuân Hải chia sẻ.

Với những thành tích trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Cổ phần 473 đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2012, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2012. Công ty CP 473 đã vinh dự được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì, cá nhân Giám đốc công ty, ông Nguyễn Xuân Hải được tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.