Xã hội

Đầu tư hạ tầng phát triển bền vững ngành tôm Bạc Liêu

21/07/2023, 21:51

Tại hội thảo Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm Bạc Liêu, có nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có việc đầu tư hạ tầng.

Ngày 21/7, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm”.

Nhiều giải pháp thiết thực

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia về nuôi trồng thủy sản và đông đảo người dân nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu.

img

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo nhằm định hướng quy hoạch thủy lợi cho vùng nuôi tôm ĐBSCL, bán đảo Cà Mau nói chung và tỉnh Bạc Liêu; trao đổi các giải pháp quản lý môi trường ứng dụng công nghệ tiên tiến, nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu và các tỉnh ĐBSCL.

Đồng thời, cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng do quá tải môi trường, nguồn nước phát triển nóng ngành tôm, những rào cản nuôi tôm siêu thâm canh theo hướng tuần hoàn.

Các đại biểu cũng trao đổi các vấn đề thực tế gặp phải, còn vướng mắc, chia sẻ các mô hình hay, tham vấn các chuyên gia kỹ thuật môi trường, đề xuất của doanh nghiệp, hộ nuôi với cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước.

TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện chuyên nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL cần được tập trung giải quyết, xử lý triệt để thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.

“Để hướng đến nuôi tôm công nghệ cao bền vững yếu tố cần có là vùng nuôi phải được quy hoạch tập trung, có lưới điện quốc gia và đủ nguồn cấp điện ổn định; có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm hay có nguy cơ bị đe dọa bởi các yếu tố độc hại, nhất là từ nguồn nước thải công nghiệp; ở gần đường giao thông thủy bộ thuận tiện.

Đồng thời, đất có chất lượng phù hợp, đủ diện tích cho thiết kế xây dựng ao ở nhiều quy mô với hệ thống ao chứa và xử lý chất thải, nước thải tương xứng, an toàn”, TS Tùng nêu vấn đề.

img

Các đại biểu tham dự hội thảo Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm tại Bạc Liêu.

Theo TS Tùng, giải pháp trước mắt, cần tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường ở các tuyến kênh trọng điểm, tuyến kênh đầu nguồn. Xây dựng cơ sở hạ tầng kênh cấp thoát và nạo vét phù hợp với hoạt động nuôi tôm; tạo kênh cấp thoát theo nguyên lý một đường dựa theo biên độ triều và tình hình khu vực.

Bên cạnh đó, quy hoạch vùng nuôi tôm theo cấp độ thâm canh phù hợp trên nguyên tắc: tách biệt về an toàn sinh học, chất lượng nước, cấp - thoát riêng biệt và cơ sở hạ tầng.

Về lâu dài, TS Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, việc bảo vệ môi trường tốt trong từng ao nuôi giúp tôm đạt năng suất cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tôm nhằm bảo vệ tốt môi trường nuôi là điều kiện quan trọng hướng đến phát triển bền vững.

Các cơ quan chuyên môn cần có tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời để giảm bớt rủi ro cho người nuôi tôm, mở chương trình đào tạo tập huấn để sử dụng công nghệ cao trong các mô hình; cán bộ kỹ thuật cũng cần có mặt kịp thời để giúp đỡ bà con.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nêu giải pháp, cần xây dựng các quy trình nuôi tối ưu giá thành thấp cho từng mô hình nuôi như: tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm sú thâm canh, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao.

Đồng thời, quy hoạch những vùng nuôi tập trung lớn có kênh cấp nước riêng, có kênh thoát nước riêng và có cơ sở hạ tầng giao thông/điện/nước hoàn chỉnh.

img

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tham quan một nhà máy chế biến tôm trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

Đầu tư hạ tầng phát triển ngành tôm

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) cho rằng, cần chủ động phòng, kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.

“Tăng cường năng lực phòng ngừa và cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường; thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nuôi trồng thuỷ sản; đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ ngành tôm.

Kiến nghị các cơ quan nghiên cứu tiếp tục phối hợp với Cục Thủy sản và các địa phương triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quan trắc môi trường; giám sát chặt chẽ việc chuyển tải bản tin thông báo kết quả quan trắc tới các vùng nuôi, việc thực hiện các khuyến cáo tại các bản tin…”, ông Hữu nêu giải pháp.

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, hội thảo sẽ tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi, thảo luận cùng các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã… Qua đó, tăng cường kết nối, trao đổi kinh nghiệm và quy trình thực hiện, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hộ nuôi - hợp tác xã - caơ quan quản lý nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, quá tải hạ tầng dẫn đến môi trường dễ bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính khiến tôm chết ở nhiều vùng nuôi.

"Đây là vấn đề nan giải không chỉ riêng của tỉnh Bạc Liêu mà còn của cả vùng bán đảo Cà Mau và các tỉnh nuôi tôm trong khu vực ĐBSCL.

Từ thực tế này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích về thực trạng nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm công nghệ cao và vấn đề môi trường tại khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề môi trường để phát triển bền vững ngành tôm", ông Thiều nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.