Đời sống

Đây là thứ tàn phá "kho gạo" Ấn Độ đẩy giá gạo Việt Nam, Thái Lan tăng vọt

29/08/2023, 14:15

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) kêu gọi các chính phủ ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan tốt hơn.

Tháng 7/2023, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhằm "xoa dịu" giá gạo trong nước đang tăng cao và đảm bảo an ninh lương thực.

Ấn Độ sau đó áp dụng nhiều hạn chế hơn đối với xuất khẩu gạo, bao gồm thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ (loại gạo thu được từ thóc đã ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô).

Động thái này làm dấy lên lo ngại về lạm phát lương thực toàn cầu, ảnh hưởng đến sinh kế của một số nông dân và khiến một số quốc gia phụ thuộc vào lúa gạo phải tìm kiếm sự miễn trừ khẩn cấp khỏi lệnh cấm, CNN cho hay.

Hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới dựa vào gạo như một loại lương thực chính và Ấn Độ đóng góp vào khoảng 40% xuất khẩu gạo toàn cầu.

Giá gạo tăng nhiều nơi

Các nhà kinh tế cho rằng lệnh cấm này chỉ là động thái mới nhất làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu, vốn đang phải hứng chịu hậu quả từ các hiện tượng thời tiết như El Niño. Sự kiện khí hậu El Niño, do nước bề mặt ấm hơn ở Thái Bình Dương gây ra, dẫn đến nguy cơ /mưa lớn và hạn hán ở một số nơi trên thế giới tăng lên.

Biến đổi khí hậu đã tàn phá kho gạo của Ấn Độ, giá gạo Việt Nam tăng vọt - Ảnh 1.

Cây lúa bị tàn phá ở bang Haryana của Ấn Độ. Ảnh: Vijay Bedi/CNN

Các nhà kinh tế cũng cảnh báo quyết định của chính phủ Ấn Độ có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể trên thị trường, đặc biệt là người nghèo ở các quốc gia nam bán cầu phải gánh chịu gánh nặng.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thông báo đột ngột về lệnh cấm xuất khẩu đã gây ra làn sóng mua sắm hoảng loạn ở Mỹ, sau đó giá gạo tăng vọt lên mức cao nhất gần 12 năm.

Quy định này không áp dụng cho gạo basmati, loại gạo có chất lượng cao nhất và nổi tiếng nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, gạo trắng non-basmati chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ấn Độ không phải là quốc gia đầu tiên cấm xuất khẩu thực phẩm để đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu dùng trong nước. Nhưng động thái của họ, diễn ra chỉ một tuần sau khi Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen - một hiệp ước quan trọng cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine - đã góp phần gây ra mối lo ngại toàn cầu về sự sẵn có của các mặt hàng ngũ cốc và làm dấy lên câu hỏi liệu hàng triệu người có bị đói hay không.

Arif Husain, nhà kinh tế trưởng tại Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) nói với CNN: "Điều quan trọng ở đây không chỉ là một chuyện. Lúa, lúa mì và ngô chiếm phần lớn lương thực mà người nghèo trên thế giới tiêu thụ."

Biến đổi khí hậu đã tàn phá kho gạo của Ấn Độ, giá gạo Việt Nam tăng vọt - Ảnh 2.

Công nhân ở Ấn Độ sàng lọc hạt gạo ở thủ đô New Delhi. Ảnh: Vijay Bedi/CNN

Theo các phương tiện truyền thông địa phương (tờ Kathmandupost), Nepal đã chứng kiến giá gạo tăng vọt kể từ khi Ấn Độ công bố lệnh cấm và giá gạo ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ - cụ thể, giá gạo 5% tấm là 638 USD/tấn và giá gạo 25% tấm là 623 USD/tấn, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.

Theo Cục Hải quan Nepal, nhập khẩu ngũ cốc từ Ấn Độ đạt giá trị 56,62 tỷ Rupee trong năm tài chính vừa qua. Nepal đã nhập khẩu 174.120 tấn gạo non-Basmati trị giá 10,78 tỷ Rupee chỉ riêng từ Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua. Nhập khẩu gạo Basmati đạt tổng cộng 48.569 tấn trị giá 4,63 tỷ Rupee.

Nepal cần 4 triệu tấn gạo hàng năm để nuôi sống người dân và phần thâm hụt được bù đắp bằng nhập khẩu từ Ấn Độ.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, thì Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, cũng chứng kiến giá gạo trong nước tăng vọt trong những tuần gần đây.

Theo truyền thông địa phương Ấn Độ, các quốc gia bao gồm Singapore, Indonesia và Philippines đã kêu gọi New Delhi tiếp tục xuất khẩu gạo sang quốc gia của họ. CNN đã liên hệ với Bộ Nông nghiệp Ấn Độ nhưng chưa nhận được phản hồi.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến khích Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế và nhà kinh tế trưởng của tổ chức, Pierre-Olivier Gourinchas nói với các phóng viên vào tháng 7/2023 rằng điều đó "có khả năng làm trầm trọng thêm" tình trạng không chắc chắn về lạm phát lương thực.

Nông dân bị ảnh hưởng nặng nề

Nông dân Ấn Độ chiếm gần một nửa lực lượng lao động của đất nước, theo dữ liệu của chính phủ, "vựa lúa gạo" chủ yếu được trồng ở miền Trung, miền Nam và một số bang miền Bắc nước này.

Việc trồng trọt vụ hè thường bắt đầu vào tháng 6 hàng năm, khi dự kiến sẽ bắt đầu có mưa gió mùa vì việc tưới tiêu là rất quan trọng để tăng năng suất. Theo Reuters, vụ hè chiếm hơn 80% tổng sản lượng gạo của Ấn Độ.

Tuy nhiên, năm nay gió mùa đến muộn đã dẫn đến tình trạng thiếu nước lớn cho đến giữa tháng 6. Và khi những cơn mưa cuối cùng cũng đến, nó làm ướt sũng nhiều vùng đất nước, gây ra lũ lụt gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.

Biến đổi khí hậu đã tàn phá kho gạo của Ấn Độ, giá gạo Việt Nam tăng vọt - Ảnh 3.

Mưa lũ/hạn hán đều ảnh hưởng đến năng suất gạo của người nông dân Ấn Độ. Ảnh: Vijay Bedi/CNN

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hồi tháng 7/2023 đã cảnh báo rằng các chính phủ phải chuẩn bị cho các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn; cũng như ứng phó kịp thời với nhiệt độ kỷ lục do nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu gây ra, tại thời điểm khi WMO tuyên bố Trái đất bắt đầu xuất hiện hiện tượng El Niño.

El Niño là một kiểu khí hậu tự nhiên ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, khiến nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn mức trung bình và có ảnh hưởng lớn đến thời tiết trên toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng tỷ người.

Hàng nghìn nông dân ở Ấn Độ đã cảm nhận được tác động này, một số người trong số họ cho biết giờ đây họ sẽ trồng các loại cây trồng khác ngoài lúa gạo. Và điều này không chỉ dừng lại ở đó.

Tại một trong những trung tâm giao dịch gạo lớn nhất New Delhi, các thương nhân lo ngại rằng lệnh cấm xuất khẩu sẽ gây ra hậu quả lớn.

Nhà kinh doanh gạo Roopkaran Singh cho biết: "Lệnh cấm xuất khẩu đã khiến các thương nhân phải tồn kho một lượng lớn. Bây giờ chúng tôi phải tìm người mua mới ở thị trường nội địa".

Nhưng các chuyên gia cảnh báo những tác động sẽ được cảm nhận vượt xa biên giới Ấn Độ.

Husain từ WFP cho biết: "Các nước nghèo, các nước nhập khẩu thực phẩm, các nước ở Tây Phi, họ có nguy cơ cao nhất. Lệnh cấm được đưa ra sau đại dịch toàn cầu. Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận khi nói đến các mặt hàng chủ lực của mình để không khiến giá cả tăng lên một cách không cần thiết. Bởi vì những sự gia tăng đó không phải là không có hậu quả".

Nguồn: CNN, Kathmandupost

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.