Đường bộ

Đẩy mạnh kết nối giao thông, tạo đà phát triển vùng dân tộc thiểu số

14/12/2022, 19:35

Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc được dồn lực triển khai, tạo động lực cho các địa phương và vùng dân tộc thiểu số phát triển.

Rốt ráo khởi công các gói thầu cuối

Cập nhật tình hình triển khai dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, đại diện Ban QLDA 2 cho biết, tính đến nay, sản lượng thi công dự án đạt khoảng hơn 13% giá trị các hợp đồng.

img

Công tác thi công nền đường đối với gói thầu đã thực hiện, khảo sát bản vẽ thi công đối với gói thầu mới khởi công dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc đang được Ban QLDA 2 chỉ đạo các nhà thầu rốt ráo thực hiện - Ảnh minh họa.

Trong đó, 7/11 gói thầu đang triển khai, gói thầu XL2 (Km18+500 - Km40+000) dự kiến khởi công vào ngày 23/12/2022. Ba gói thầu còn lại (CW03, CW07, CW11) đang trong quá trình rà soát kết quả đấu thầu, dự kiến khởi công trong quý 1/2022.

“Đối với các gói thầu đã thực hiện, 4 gói thầu đang thi công đào đắp nền đường và đúc cấu kiện (CW5, CW6, CW8, CW9), 3 gói thầu đang tổ chức khảo sát bản vẽ thi công (CW01, CW04, CW10).

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội.

Quy mô của dự án gồm 2 tuyến, gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.300 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.

Ban QLDA 2 đang tích cực phối hợp với địa phương đẩy nhanh công tác GPMB để bàn giao cho nhà thầu thi công bứt tốc tiến độ ngay sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị”, đại diện Ban QLDA 2 thông tin.

Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, tại văn bản chỉ đạo tiến độ dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vừa phát đi, Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA 2 tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp, giải trình làm việc với nhà tài trợ ADB để được chấp thuận các kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu các gói: CW07, CW11 và các thủ tục khác liên quan đến điều kiện trao thầu như chấp thuận kế hoạch tái định cư, kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số cập nhật đối với hai gói thầu này.

Đồng thời, đẩy nhanh các thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu XL-03 để sớm tổ chức triển khai thi công đáp ứng tiến độ của dự án

Đối với công tác triển khai thi công các gói thầu xây lắp, Ban QLDA 2 được giao nhiệm vụ trên cơ sở tiến độ tổng thể các gói thầu còn lại (CW02, CW03, CW04, CW07, CW10, CW11) đã thống nhất, chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu lập tiến độ thi công chi tiết các hạng mục công trình.

Cùng đó, thường xuyên theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, từng gói thầu so với tiến độ đã cam kết.

“Ban QLDA 2 cũng phải rà soát, xác định các hạng mục công việc quyết định đến tiến độ dự án, các khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân chậm để có giải pháp khắc phục ngay; chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, kịp thời báo cáo Bộ GTVT xem xét, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền để đảm bảo chất lượng thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu và tiến độ giải ngân của gói thầu”, Bộ GTVT yêu cầu.

img

Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc khi đi vào khai thác sẽ giúp các tỉnh miền núi khai thác được tiềm năng du lịch sẵn có, góp phần nâng cao đời sống người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh minh họa.

Khắc phục yếu kém hạ tầng, nâng cao đời sống cho vùng dân tộc thiểu số

Đánh giá tầm quan trọng của dự án, Ban QLDA 2 cho biết, GTVT vùng Tây Bắc hiện có 4 phương thức, trong đó vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất. Thời gian qua, phương thức này đã được quan tâm, đầu tư, cải tạo nâng cấp, xây dựng mới, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng chiều dài của quốc lộ trong khu vực Tây Bắc là 2.592 km. Chiều dài của các tuyến tỉnh lộ là 3.455 km. Chiều dài của đường huyện và đô thị là 15.193km. Mật độ trung bình của mạng lưới đường bộ là 0,051 km/km2.

Tuy nhiên, theo đánh giá, các tuyến đường trong khu vực miền núi phía Bắc, ngoài đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có quy mô, tiêu chuẩn của đường cấp cao, QL2 đạt tiêu chuần đường cấp III, còn lại các tuyến đường khác cấp đường đều thấp (kể cả quốc lộ). Thông thường các tuyến đường chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V-IV miền núi, tại các vị trí địa hình khó khăn chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi.

Việc lưu thông giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với khu vực đồng bằng, cảng biển và ngược lại gặp nhiều khó khăn. Dẫn đến, làm giảm khả năng phát triển KT-XH, du lịch của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Mặt khác, vùng Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất của đất nước, nơi có nhiều nhóm dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ dân tộc thiểu số ở các tỉnh thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án ở khu vực Tây Bắc chiếm 79,2% tổng dân số. Các dân tộc thiểu số bao gồm 20 nhóm như Kinh, Tày, H'Mông, Thái... Các dân tộc Thái chủ yếu sống ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và Yên Bái.

Sản xuất công nghiệp của khu vực Tây Bắc cũng ít phát triển hơn các vùng khác, với nhiều công ty công nghiệp quy mô nhỏ. Các ngành công nghiệp chủ yếu là khai thác và chế biến quặng đá, quặng kim loại, sản xuất gạch vôi và bia ... Không có nhà máy chế biến lớn.

“Trước thực trạng đó, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc được triển khai nhằm mở rộng những lợi ích của hành lang GMS đến các tỉnh liền kề có tỷ lệ đói nghèo cao, vừa đạt được hiệu quả cả về KT-XH, vừa nâng cao đời sống cho các vùng dân tộc đồng bào thiểu số và khu vực lân cận”, Ban QLDA 2 cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.