Xã hội

ĐBQH: Có cơ chế đặc thù sẽ tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông

Theo kế hoạch, sáng nay (27/10), Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Chia sẻ bên hành lang nghị trường về dự thảo nghị quyết này, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nhận định, các quy định hiện nay chưa lường hết được các thực tế diễn ra, như những vướng mắc trong mỏ đất, mỏ cát, đấu thầu... 

"Trước yêu cầu của thực tiễn, chúng ta cần cơ chế đặc thù để giải quyết những vướng mắc diễn ra trong thực tiễn, tránh bỏ lỡ cơ hội làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng đến nền kinh tế, tác động đến xã hội", ông Cừ nói.

ĐBQH: Cần thiết có cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng đường bộ - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội).

Theo ông Cừ, tuy tất cả các quy định là vấn đề cứng, ai cũng phải tuân thủ, nhưng nếu xuất hiện tình huống bất thường, chúng ta cần có biện pháp kịp thời. Điều đó cũng đúng theo phương châm của Đảng và Nhà nước, triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

"Khi có các giải pháp, cơ chế đặc thù, công tác quản lý cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc xử lý các vấn đề đặc thù này cần đảm bảo chặt chẽ", đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cũng đồng tình với việc cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

"Quốc hội có nghị quyết về cơ chế đặc thù để thúc đẩy kết nối giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông là cần thiết. Điều này cũng thể hiện sự năng động, linh hoạt, đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay", ông Ngân nói.

Phân tích về ba động lực tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn của tình hình thế giới và trong nước hiện nay, ông Ngân cho rằng, xuất khẩu và kích thích tiêu dùng là hai động lực đang gặp hạn chế nhất định.

Động lực thứ ba là đầu tư, trong đó, đầu tư công có tính chất quyết định và dẫn dắt đầu tư tư nhân và vốn nước ngoài hiện còn dư địa. Do đó, cần cơ chế đặc thù, nhất là cho hạ tầng giao thông, giúp thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

"Cơ chế đặc thù góp phần giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội về môi trường, văn hoá, giáo dục, hạ tầng số cũng được giải quyết. Thêm nữa, các dự án này sẽ thu hút nguồn lao động đang thất nghiệp, từ đó lan tỏa đến vốn đầu tư xã hội, kích thích tăng trưởng kinh tế", đại biểu Ngân phân tích.

Để không phải xem xét từng dự án 

Còn theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, hiện nay, chúng ta đã ban hành rất nhiều cơ chế đặc thù cho công trình giao thông đường bộ như được phép khai thác mỏ vật liệu không cần xin cấp phép lên đến bộ, ngay địa phương đã được cấp phép.

Hoặc có rất nhiều công trình được tách rời giữa giải phóng mặt bằng và dự án đầu tư hay những dự án không cần đấu thầu mà cho phép chỉ định thầu.

"Điều đó cho thấy những dự án đầu tư lớn hiện nay, đặc biệt là các dự án giao thông đang bị vướng về quy định chung, không phù hợp với các lĩnh vực đầu tư giao thông. Do đó, chúng ta cần cơ chế đặc thù để không phải đi xem xét từng dự án. Khi có một công trình giao thông lớn, ta có thể áp dụng chung", ông Cường nói.

ĐBQH: Cần thiết có cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng đường bộ - Ảnh 2.

PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Đi vào cụ thể, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng phải giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc ngay từ khâu phê duyệt, thiết kế dự án cho đến thực hiện giải phóng mặt bằng, cơ chế bồi thường đến đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và trong quá trình triển khai.

"Tất cả quá trình này cần có đổi mới về cơ chế quản lý, không nên dập khuôn theo quy định chung cho mọi lĩnh vực", đại biểu Cường nhấn mạnh. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ gồm 10 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh (kèm theo danh mục dự án áp dụng); Đối tượng áp dụng; Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (dự án PPP); Thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương.

Các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; Cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022; Tổ chức thực hiện; Điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết sẽ được áp dụng cho danh mục các dự án giao thông đường bộ trình kèm theo Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng gồm 5 nhóm chính sách. Trong đó, nhóm chính sách đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian 5 năm gồm: Về tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP, về việc giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương.

Về giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác; Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.