Xã hội

ĐBQH: Mức sống tối thiểu không chỉ là ngày 3 bữa cơm, năm 2 bộ quần áo

28/10/2022, 10:54

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị sớm tăng lương cho lao động thu nhập thấp đủ để người lao động tái sản xuất và chăm lo 1 phần cho gia đình.

Tăng lương cho lao động thu nhập thấp ngay đầu năm 2023

Trong phiên thảo luận sáng 28/10 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã thẳng thắn đề nghị cần có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc "lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình".

img

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

"Xin lưu ý, mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày 3 bữa cơm, năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp", ông Nghĩa nói.

Vị đại biểu đoàn TP.HCM đề xuất, trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất, không đủ cho mức sống tối thiểu, cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1/1/2023.

Ông cũng đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp. Các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn, để chia sẻ khó khăn chung; tiến tới ban hành luật về lương tối thiểu.

Cùng với đó là đẩy mạnh kiềm chế lạm phát cũng như nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường... Đại biểu Nghĩa cho biết, cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước cho dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này.

Cũng bàn về tiền lương, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) thống nhất với việc chi tăng lương cơ sở theo tờ trình của Chính phủ là thực hiện từ ngày 1/7/2023. Tuy nhiên, đại biểu mong muốn nếu cuối năm và đầu năm 2023 thu tăng cao, ổn định, tốt và chi thường xuyên có nguồn tiết kiệm của các ngành, địa phương đạt được hiệu quả thì có thể áp dụng việc tăng lương cơ sở từ 1/1/2023.

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng sự bùng phát của Covid-19 đã lộ ra vấn đề nhà ở cho công nhân còn thiếu trầm trọng, nguồn cung chưa thể đáp ứng cả số lượng lẫn chất lượng.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Tuấn kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân.

"Quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng quan trọng này hoặc chỉ là rải rác trong một số văn bản liên quan, còn bất cập. Cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân đầu tư nhà ở cho công nhân thuê", vị này nhận định.

Lấy dẫn chứng tại tỉnh Bắc Giang đang có 5.100 công trình nhà ở do cá nhân, gia đình xây dựng đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho 66.000 công nhân. Đến năm 2025, nếu số dự án xây dựng nhà ở đáp ứng một nửa số công nhân có nhu cầu, Bắc Giang vẫn cần khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân đầu tư để đáp ứng 180.000 lao động.

Ngoài ra, ông Tuấn đề nghị triển khai cơ chế cho các hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng nhà ở. Các cơ chế này còn giúp các hộ gia đình, cá nhân, trường hợp bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để phát triển công nghiệp đô thị có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, sinh kế.

img

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

Thiếu lao động chất lượng cao

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định nhiều giải pháp đã được ban hành để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, trong đó có những chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ.

Khái quát bức tranh chung về thị trường lao động, Bộ trưởng cho biết quy mô lao động đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ; tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường chiếm 68,7%; tỷ lệ thất nghiệp trong quý III đến nay đạt 2,28%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng đánh giá số lượng người học nghề tiếp tục tăng lên, kỹ năng nghề được cải thiện, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp tăng, ngày càng nhiều lao động tham gia công tác quản lý doanh nghiệp FDI.

Một số lĩnh vực phức tạp, thường đòi hỏi chuyên gia nước ngoài như cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí cũng đã được lao động Việt đảm nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức còn tồn đọng như cả nước còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm trên 9% số hộ gia đình. Theo tiêu chí mới, đời sống người dân còn khó khăn, lưới an sinh xã hội bao phủ còn thấp, nhất là vấn đề như nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa xã hội dành cho người lao động còn hạn chế.

"Lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu. Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt là lao động chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp", Bộ trưởng Dung chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, nhìn chung về công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững của chúng ta còn nhiều thách thức.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ sớm ban hành chỉ khi về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.