Xã hội

Đại biểu Quốc hội: Tòa án là "ông Bao Công", cần có quyền thu thập chứng cứ

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc việc quy định tòa không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ tại Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).

Nên quy định trách nhiệm của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 22/11, tại phiên họp toàn thể ở hội trường, khi thảo luận về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi, nhiều đại biểu cho ý kiến về nội dung nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án.

ĐBQH: Đến tòa là tìm đến “ông Bao công” để ra phán quyết công bằng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa).

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nếu chỉ yêu cầu, hướng dẫn đương sự cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, dân sự thì đây là gánh nặng cho người dân. Đồng thời, sẽ có nhiều vụ việc đương sự cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu thuộc các cơ quan quản lý, dẫn đến kết quả xét xử sẽ bị sai lệch.

Tờ trình dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Trong vụ án hình sự, tòa căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để xét xử.

Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để xét xử.

Theo cơ quan soạn thảo, tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan, không đánh giá đầy đủ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập.

Theo đại biểu Hải, nên nghiên cứu quy định có trách nhiệm của đương sự và trách nhiệm của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ vụ việc hành chính, dân sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cũng bày tỏ lo ngại việc giao cho người dân, đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ. Như vậy sẽ rất khó thực hiện, bởi hiện nay ngay cả tòa án thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đại biểu Yến Nhi, nhiều cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu hoặc cung cấp không đầy đủ, thậm chí không cung cấp mặc dù đã có văn bản yêu cầu của tòa án. Nếu giao cho người dân trách nhiệm này thì sẽ còn gặp khó khăn hơn. Từ đó, dẫn đến chậm trễ cho việc giải quyết, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 

"Trong điều kiện trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật của người dân như hiện nay thì nên giữ như quy định Luật Tổ chức TAND 2014", bà Nhi nói.

ĐBQH: Đến tòa là tìm đến “ông Bao công” để ra phán quyết công bằng - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre).

Về ý kiến quy định việc thu thập và cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự là trách nhiệm của các bên tham gia tố tụng, không phải là trách nhiệm của tòa án, bà Nhi cho rằng,  trước đây, trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ là của người tham gia vụ kiện. 

Nhưng đến Luật Tổ chức TAND 2014 lại quy định giao về cho tòa án. Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.

Có trường hợp những người có liên quan chống đối, không cho thu thập chứng cứ, gây nguy hiểm cho sự an toàn của cán bộ, trong khi cán bộ của tòa án đã phải giải quyết rất nhiều công việc tại tòa.

Hơn nữa, việc tòa án thu thập chứng cứ rồi đánh giá chứng cứ sẽ không đảm bảo tính khách quan.

Đại biểu Yến Nhi khẳng định, đây là nội dung rất quan trọng và có tác động rất lớn trong lần sửa đổi này. Vì vậy, đề nghị TAND tối cao có báo cáo đánh giá tác động, giải trình làm rõ thêm vấn đề này để đại biểu Quốc hội và người dân có thể an tâm hơn.

Không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án

Tranh luận với ý kiến đại biểu về việc tòa án có nên chủ trì thực hiện thu thập chứng cứ hay không, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, người dân không có hiểu biết sâu, do vậy, cần thiết quy định tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên.

ĐBQH: Đến tòa là tìm đến “ông Bao công” để ra phán quyết công bằng - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

Phân tích vì sao đặt vấn đề TAND thực hiện thu thập chứng cứ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, Việt Nam theo hệ dân luật, trong hệ dân luật, tòa và thẩm phán chủ trì trong việc đánh giá xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ.

Hơn nữa, tên gọi TAND có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên là TAND. Điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về dân trí, về văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó, rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu khoán cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế.

Ông Nghĩa cho rằng, tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ nhưng mỗi bên đều thu thập, những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi cho mình.

"Chính vì các bên không giải quyết được như vậy người ta mới tìm đến tòa, tại sao người ta tìm đến tòa? Tìm tòa là tìm đến "ông Bao công" để ra phán quyết công bằng cho các bên", ông Nghĩa nói.

Từ đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án.

Giao cho toà, cá nhân và tổ chức có "quên" nhiệm vụ cung cấp chứng cứ?

Đại biểu Mai Khanh (đoàn Ninh Bình) cho biết, về chủ trương, Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 và Nghị quyết 27 đều xác định trong hoạt động tư pháp lấy tòa án làm trung tâm và xét xử làm trọng tâm. 

Trong công tác xét xử đề cao việc tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho tất cả các phán quyết của tòa án chủ yếu dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Đại biểu Khánh cho rằng, việc quy định cho tòa án thu thập chứng cứ từ Pháp lệnh năm 1989 đến nay là một tồn tại chưa giải quyết được.

Thực tế hiện nay, khi các đương sự gửi đơn đến tòa án, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào tòa án. Chính vì vậy đã nảy sinh ra một số hệ lụy như tình trạng nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán.

Đồng thời, quy định này khiến cho cá nhân và tổ chức "quên" nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân. Chính vì vậy, đã dẫn tới các cơ quan, đơn vị trên lấy lý do khi tòa án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân. 

"Hiện nay là thời điểm phù hợp và cần thiết để thay đổi vấn đề này. Nếu tiếp tục quy định như hiện nay thì việc phấn đấu hướng đến nền tư pháp văn minh, phục vụ người dân sẽ dồn lên tòa án mà bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ trong việc cung cấp cho người dân", ông Khanh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.