Xã hội

Cần chính sách để cán bộ không phải "trình bày nhỏ to" mong được "giơ cao đánh khẽ"

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu cho rằng, phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa xé rào, đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách.

"Không thể khuyến khích cán bộ vượt rào thực thi nhiệm vụ"

Chiều nay (1/11), phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) bày tỏ đồng tình với một số đại biểu là cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Hậu, với đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ và doanh nghiệp dám nghĩ dám làm thì cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác.

Clip: Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) phát biểu.

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, Chính phủ mới ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. 

Theo đó, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những người trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã đề xuất và thực hiện những việc nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. 

Nghị định đã bỏ đi vế thứ hai trong dự thảo là "... đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn".

Cần chính sách để cán bộ không phải "trình bày nhỏ to" để được "giơ cao đánh khẽ" - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh).

Ông Trần Hữu Hậu cho rằng, bỏ như vậy là đúng vì chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật, không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để khuyến khích, bảo vệ những người thực thi pháp luật mà vi phạm pháp luật.

"Tôi đã từng phát biểu rằng chúng ta phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là xé rào, là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật. Không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách, nhiệm vụ mà phải tìm cách lách từ cái tên của công việc cho đỡ bị chú ý đến phải "trình bày nhỏ to" để cơ quan chức năng thông cảm, bỏ qua hoặc "giơ cao, đánh khẽ", đại biểu Hậu nói.

Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101 là cơ sở để sửa đổi bổ sung các quy định; xử lý những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ của chúng ta an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ; giảm bớt căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành.

Thảo luận nội dung này, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khắc phục những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập, thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện; gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

"Chúng ta cần nghiên cứu và đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế", ông Lộc nói.

Bên cạnh đó, ông kiến nghị cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; xây dựng biện pháp thiết thực bảo vệ cán bộ và cả doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, luật hóa các quy định về vấn đề này.

Tuy nhiên, thực tiễn luôn biến động; chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao… Những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh, chúng ta cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp. Chúng ta có cách làm hay như, thông qua luật trong một kỳ họp, hay một luật sửa nhiều luật.

"Tôi kính đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với chỉ một hoặc một vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp", ông Hậu đề xuất.

Giải trình về một số ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, tổ công tác của Chính phủ thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101 của Quốc hội đã cố gắng, nỗ lực rất lớn, chủ động tiếp cận các nguồn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như: Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Thủ tướng...

Cần chính sách để cán bộ không phải "trình bày nhỏ to" để được "giơ cao đánh khẽ" - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Tổ công tác của Chính phủ cũng tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

"Qua rà soát thấy hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội", ông Long nói, số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có và đã được nêu trong báo cáo.

Thay mặt tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường vai trò, nhất là vai trò hiến định là "giải thích các vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền".

Với kiến nghị khác của đại biểu Quốc hội, ông Long khẳng định, sẽ tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của quyền hạn của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.