Xã hội

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Hy vọng có một kênh đào Đông Dương

Góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nhận thấy, phạm vi điều chỉnh và một số điều luật cần được bổ sung về kênh đào.

Luật Tài nguyên nước cần có quy định về kênh đào

Sáng nay (26/10), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, dự án luật cần thiết phải bổ sung "kênh đào".

"Đầm, hồ nước được gọi tên và có luật điều chỉnh, tại vì sao cũng là nhân tạo mà kênh đào tên hay thế, Luật chẳng gọi tên? Tôi đề nghị trong dự thảo Luật nên có điều luật quy định về quản lý, khai thác và sử dụng, bảo vệ kênh đào", ông Kim nói và cho biết, ở nước ta, loại công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Đó là kênh đào sông Đáy kết nối sông Ninh Cơ.

Ông Kim cho rằng, đây là công trình đem lại nhiều cái lợi cho dân sinh, cho cả nông - ngư -nghiệp lẫn giao thông vận tải, nhất là cái lợi về giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm tiền của nhân dân và doanh nghiệp vì nó sinh lời khá lớn và ổn định.

Đại biểu Quốc hội: Kênh đào tên hay thế mà Luật Tài nguyên nước chẳng gọi tên - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định).

Đại biểu Vũ Trọng Kim phân tích, kênh đào Suez, mệnh danh là kỳ quan "thép", cùng với sáu kênh đào nổi tiếng khác trên thế giới đã làm thay đổi cục diện giao thông vận tải và phát triển kinh tế khá năng động và thú vị.

"Như kênh đào Sông Đáy - Ninh Cơ, tôi vừa nêu ra cũng có tính chất hoạt động khoa học, công nghệ như kênh đào Suez. Tôi không cường điệu, bởi vì công trình này có tính chất kỹ thuật là phải dùng âu tàu đưa nước lên nước xuống cho tàu bè 2-3 nghìn tấn qua lại. Như vậy, kênh đào rất xứng đáng có chỗ đứng trong Luật Tài nguyên nước chúng ta đang bàn", đại biểu Kim phân tích.

Theo ông Kim, Chính phủ cần ban hành quy phạm pháp luật để quản lý, khai thác và sử dụng loại công trình này; Kể cả việc phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước hoặc sự cố tại công trình, chứ không thể bỏ qua loại công trình mới xuất hiện ở nước ta.

Ông Kim cho biết, nước là loại tài nguyên xếp loại nhất nhì "thiếu cơm mươi ngày chưa chết nhưng thiếu nước dăm ngày con người ta có thể chết luôn".

"Với quan điểm tầm nhìn xa, tôi đề nghị chúng ta cần có ý tưởng chủ động cho tương lai như xây dựng một kênh đào mới  - đơn cử là kênh đào Kara, xuất phát từ nam Thái Lan hướng tuyến ngang qua đảo Phú Quốc nước ta. Tương lai có thể xuất hiện một kênh đào mới mang tên Đông Dương, từ sông Mê Kông (Lào) chảy về miền Trung (Việt Nam) - đó là điểm xuất phát tại đoạn sông Sê-băng-hiêng của nước bạn Lào đi giáp tới sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị). Con kênh tương lai này chỉ có khoảng 14km, nếu đi theo đường chim bay", ông Kim đề nghị.

Phân tích thêm, đại biểu Kim nhấn mạnh, kênh đào Đông Dương trong tương lai đem đến nhiều cái lợi, không những sinh lợi từ nguồn tài nguyên nước cho phát triển nền nông nghiệp toàn diện, mà còn là phát triển giao thông vận tải, dịch vụ du lịch của cả vùng trên bán đảo Đông Dương.

Từ đó, vị đại biểu đoàn Nam Định đề nghị Quốc hội hãy coi "kênh đào" theo một thuật ngữ mới để có chế định, chế tài vào các Điều 3, Điều 39, Điều 53 và các điều khoản khác cho tương thích với một loại công trình cũ của thế giới, nhưng là mới của Việt Nam; Loại công trình có nguồn lợi đa chiều.

Đại biểu Quốc hội: Kênh đào tên hay thế mà Luật Tài nguyên nước chẳng gọi tên - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước

Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

Đồng thời, đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hòa phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Theo ông Lê Quang Huy, trên nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở ba mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hóa nội dung kinh tế nước tại chương VI về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước và quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.