Hạ tầng

Để cao tốc Bắc - Nam thoát lụt tiến độ: Nhà thầu cần "phao cứu sinh"

Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam gồm 20 doanh nghiệp lớn lĩnh vực hạ tầng giao thông vừa gửi kiến nghị đến các cấp thẩm quyền.

Kỳ 3: Thuê tư vấn độc lập xây dựng chỉ số giá đặc thù?

Cơ chế bù giá không kịp thời khiến nhà thầu suy kiệt năng lực tài chính, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ gấp rút của các dự án đang thi công mà cả các dự án cao tốc trọng điểm sắp triển khai.

img

Đề xuất xây dựng chỉ số giá riêng cho các gói thầu được đánh giá là giải pháp tối ưu trong bối cảnh việc địa phương công bố giá đến chân công trình gặp nhiều vướng mắc (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt). Ảnh: Tạ Hải

Đề xuất xây dựng chỉ số giá riêng cho các gói thầu

Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam gồm 20 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vừa gửi kiến nghị đến các cấp thẩm quyền liên quan việc áp dụng Nghị định 10/2021.

Trong đó, Hiệp hội kiến nghị để Bộ GTVT thuê tư vấn căn cứ thực tế biến động giá vật liệu, xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số giá riêng cho các gói thầu, làm cơ sở tính toán điều chỉnh cho nhà thầu nhằm bù đắp một phần thiệt hại do biến động giá.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh giá một số vật liệu chính thi công cao tốc đã tăng đến 20 - 30%, trong khi chỉ số giá do nhiều địa phương ban hành (cơ sở điều chỉnh giá của hợp đồng thi công) thấp hơn 4 - 5 lần tỷ lệ trượt giá thực tế.

Đây cũng là giải pháp được đánh giá tối ưu trong bối cảnh việc địa phương công bố giá đến chân công trình gặp nhiều vướng mắc.

Ông Trần Đức Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, tại báo cáo mới nhất gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh cho rằng, việc địa phương công bố giá vật liệu xây dựng đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 10/2021.

Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng quy định giao chủ đầu tư thuê tư vấn thực hiện xác định giá vật liệu xây dựng đến chân công trình cho từng gói thầu, dự án thành phần cao tốc; giao chủ đầu tư tổ chức xác định chỉ số giá xây dựng để áp dụng riêng cho các gói thầu dự án.

Sau đó, gửi Bộ Xây dựng hoặc UBND tỉnh cho ý kiến về sự phù hợp của phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng.

Ông Nguyễn Hữu Lễ, Trưởng phòng Kinh tế - Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định, dự án cao tốc Bắc - Nam không có điều chỉnh công bố riêng.

“Chỉ số giá đặc thù công trình thì phải do chủ đầu tư quyết. Trường hợp sử dụng chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng với các công trình chưa có trong danh mục chỉ số giá xây dựng do Sở Xây dựng công bố thì chủ đầu tư tổ chức xác định chỉ số giá theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn, gửi Sở Xây dựng cho ý kiến”, ông Lễ nói.

Cần tính đến cả phương án bù giá trực tiếp

Theo ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, để lập được giá đầu vào phù hợp, không thể dựa vào từng địa phương vì vật tư, vật liệu tùy từng công trình, mỗi địa phương có những cấp công trình khác nhau. Có những loại vật liệu địa phương không có công trình nào sử dụng nên không thể công bố giá.

Như vật liệu thuốc nổ P113 phục vụ thi công hầm cao tốc. Nếu trong đợt công bố mới nhất, giá do tỉnh Bình Định mới công bố đạt 48.000 đồng/kg thì tỉnh Quảng Ngãi, giá loại vật liệu này vẫn được sử dụng từ năm 2002 đến nay với mức 15.000/kg đồng do đã từ rất lâu, ở địa phương không có công trình sử dụng đến.

Hiện nay, rất cần vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước. Chính phủ có thể ban hành nghị quyết/quyết định bổ sung thêm các cơ chế riêng cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì ban hành văn bản hướng dẫn chung về thay đổi định mức vật tư, vật liệu trong thời gian biến động giá để các địa phương có cơ sở điều chỉnh, ban hành chỉ số giá kịp thời, sát thực tế.
Nghị quyết/quyết định của Chính phủ cũng sẽ là cơ sở để các chủ đầu tư tránh tâm lý sợ sai.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh


Để giải quyết bài toán trên, theo ông Thắng, Bộ GTVT cần thuê tư vấn tổng thể độc lập để xác định các loại vật tư, vật liệu chủ chốt thi công dự án cao tốc.

Sau đó, đến từng địa phương có cao tốc đi qua điều tra, khảo sát, thẩm định, tính toán lại mặt bằng giá phù hợp với thực tế.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đánh giá, tư vấn sẽ quay lại thỏa thuận với địa phương công bố chỉ số giá riêng cho dự án.

“Trường hợp xây dựng chỉ số giá đặc thù quá khó khăn thì phương án bù giá trực tiếp cần phải được tính đến. Đây là giải pháp tiệm cận được tốc độ trượt giá và phù hợp với quy luật cung - cầu hiện nay.

Một số nhiên, vật liệu như: Xăng dầu, sắt thép, xi măng là những loại phổ thông đều có thể áp dụng hình thức bù giá trực tiếp. Chủ đầu tư có thể thuê đơn vị tư vấn độc lập, điều tra, thẩm định để xây dựng khung giá đủ điều kiện bù giá cho nhà thầu”, ông Thắng đề xuất.

Nhớ lại trước năm 2011, các dự án giao thông cũng gặp khó khi có thời điểm, giá thép bỏ thầu chỉ 13.000 đồng/kg đến thời điểm thi công là 18.000 - 21.000 đồng, giá nhựa đường từ 11.000 đồng tăng lên 26.000 đồng, ông Lê Đức Thọ, Phó TGĐ Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, khi ấy, chưa có quy định từng địa phương công bố giá và chỉ số giá mà những yếu tố này thường do liên Sở công bố.

Tuy nhiên, khi thấy các chỉ số liên Sở công bố không phù hợp thực tế, các Ban QLDA thường mời Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) hoặc Trung tâm Định giá tài chính (Bộ Tài chính) là những đơn vị có uy tín, chuyên môn, đi định giá, thẩm định và ra thẩm định thư.

“Trường hợp đánh giá việc định giá của các đơn vị tư vấn độc lập sát với thực tế, chủ đầu tư có thể lựa chọn và đề nghị tư vấn thiết kế cập nhật lại dự toán”, ông Thọ nói.

Đại diện Ban QLDA 7 cho biết, mới đây, các Ban QLDA đã làm việc và thống nhất trong thời gian ngắn tới đây sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT cho phép chủ trương triển khai lựa chọn tư vấn nghiên cứu, thẩm định, xây dựng giá và chỉ số giá riêng cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Kỳ 1: Lỗ nặng, nhà thầu vẫn phải xoay tiền thi công

Kỳ 2: Địa phương công bố chỉ số giá quá chậm, chênh lệch lớn

Đề xuất 4 việc cần tháo gỡ ngay

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, 4 việc cần tháo gỡ cho các nhà thầu hiện nay là: Đơn giá, định mức, chính sách và giải quyết nợ đọng.

Theo ông Hiệp, hiện nay việc phê duyệt đơn giá vật liệu xây dựng ở các tỉnh có nhiều bất cập, có nơi thì phê duyệt chậm, có nơi phê duyệt thấp. Từ đó, dẫn đến đơn giá hiện thấp hơn thực tế từ 10 - 15%.

Để giải quyết tình trạng này, không giao cho các địa phương cập nhật, công bố giá như hiện nay nữa mà chỉ thực hiện đề xuất đơn giá vật liệu xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp kiểm tra, thẩm định, theo dõi đơn giá đảm bảo sát thực tế.

Đơn giá vật liệu xây dựng chỉ cần được cập nhật thường xuyên hàng tháng, trong khoảng thời gian từ 10 - 15 ngày thì chắc chắn giá vật liệu xây dựng không bị lạc hậu so với thực tế. Nếu có xác suất chậm hơn thì vẫn kịp thời tháo gỡ.

Tiếp đến là việc tháo gỡ về định mức, chính sách và nợ đọng. Ông Hiệp kiến nghị, Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh bổ sung những định mức chưa có, những định mức bất hợp lý; rà soát còn thủ tục bất hợp lý, rườm rà trong thanh toán và giải quyết dứt điểm việc nợ đọng. Những nội dung này hiệp hội đang tổng hợp và sẽ có chi tiết gửi Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan.

Nguyễn Hùng

Điều chỉnh giá cho từng hạng mục

Theo ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, đơn vị này đã kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu cơ chế cho phép thay đổi công thức điều chỉnh giá cho cả gói thầu sang công thức cho từng hạng mục chính và trên từng đầu vật liệu.

Lý do là thực tế 1 gói thầu có 2 - 3 nhà thầu tham gia. Trong đó, có nhà thầu thi công đường, cầu hay thi công ATGT. Từng hạng mục công việc, giá biến động khác nhau, nếu tính chung cho một công thức điều chỉnh giá sẽ khó theo kịp diễn biến thực tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.