Đường bộ

Đề xuất 3 giai đoạn rà soát, điều chỉnh đơn giá, định mức giao thông

06/12/2023, 17:55

Nhiều ý kiến cho rằng, việc rà soát, khắc phục các bất cập trong xây dựng, điều chỉnh đơn giá, định mức giao thông cần thực hiện theo lộ trình, tập trung trước vào định mức các hạng mục có tính ảnh hưởng lớn, kỹ thuật phức tạp.

Định mức không bao giờ đi trước

Đưa ra nhận định về lý do định mức việc xây dựng công trình giao thông luôn có độ trễ so với thực tế, ông Nguyễn Tấn Vinh, Phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân do định mức là kết tinh tổng hợp từ thực tế.

Đề xuất 3 giai đoạn rà soát, điều chỉnh đơn giá, định mức giao thông - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Ảnh: Tạ Hải).

"Định mức không bao giờ đi trước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiết giảm chi phí là việc của nhà thầu, hay bản thân chủ đầu tư khi lập dự án đã có chủ trương, đường lối áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

Ngay cả trong quá trình thi công, khuyến khích đổi mới công nghệ, để giảm chi phí, tăng năng suất thì đó là yếu tố thị trường. Còn bản chất khoa học, định mức là có độ trễ", ông Vinh nói.

Trong khi đó, theo ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức - Đơn giá (Cục Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng), về đơn giá thị trường, vật liệu, nhân công, máy thi công, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn phương pháp khảo sát, kể cả giá thuê máy.

Ngoài các công cụ đã được hướng dẫn, ngay cả chủ đầu tư thấy có điều gì bất cập cũng có cơ chế để điều chỉnh.

Kết quả rà soát đề án 2038 cho thấy, số lượng định mức các cơ quan quản lý nhà nước ban hành là 34.000 định mức phổ biến cho tất cả các loại công trình từ dân dụng, công nghiệp, giao thông…

"Đương nhiên, cũng chưa đầy đủ khi máy móc thiết bị mới, công nghệ mới, vật liệu mới… do tốc độ hiện đại hóa trong công nghệ, là nguyên nhân khách quan.

Nguyên nhân chủ quan là việc thực hiện, cung cấp dữ liệu từ dự án của các chủ đầu tư để quản lý nhà nước chưa đầy đủ, để không phải mất công tổ chức xác định cho từng công trình. Việc này cũng cần cả quá trình", ông Nam nói.

Gắn chức năng xây dựng định mức cho viện nghiên cứu 

Làm cách nào để đơn giá, định mức bắt kịp xu thế phát triển của dự án giao thông? Trả lời câu hỏi này, theo ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7, ở giai đoạn trước mắt, (giai đoạn 1), các nhà thầu tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư cùng chung tay với Bộ GTVT cung cấp thêm các cơ sở dữ liệu chính xác, có định lượng để xác định, lập các định mức đề nghị Bộ Xây dựng thỏa thuận thống nhất để Bộ GTVT ban hành định mức chuyên ngành, tập trung vào các định mức lớn như: đào đá cấp 4 bằng máy, xay nghiền vật liệu dạng hạt, xay nghiền đá tận dụng, định mức đào hầm, lu lèn K98...

Ở giai đoạn 2, Bộ GTVT cần nghiên cứu việc tái cơ cấu Viện Chiến lược và Phát triển GTVT hoặc Viện Khoa học - Công nghệ để các đơn vị này có chức năng xây dựng định mức, tư vấn lập định mức như Viện Kinh tế xây dựng của Bộ Xây dựng.

Trong đó, nghiên cứu bố trí vốn sự nghiệp hàng năm cho các đơn vị thực hiện thống kê các dữ liệu đang có trên các dự án, tổng hợp để xác định. Có cơ quan thường trực như thế mới đảm bảo tính kịp thời. Cơ sở dữ liệu nào còn thiếu, Bộ GTVT sẽ yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bổ sung dữ liệu.

Tư vấn, nhà thầu thấy định mức bất cập cũng chủ động xây dựng và gửi về cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT.

Định mức nào đủ điều kiện ban hành thì đề xuất ban hành. Cái nào chưa đủ thì đưa vào kế hoạch, đưa vào gói thầu tư vấn xây dựng định mức, thuê cơ quan phù hợp nghiên cứu xây dựng trong quá trình thi công.

"Giai đoạn 3, cơ quan quản lý nhà nước như Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xem xét, tham mưu việc quản lý chi phí xem chúng ta nên theo hướng quản lý chi phí bằng định mức hay theo đơn giá thị trường", ông Tuyên nói và cho rằng, với khối lượng 40.000 định mức hiện nay để bắt kịp với sự thay đổi công nghệ, đơn giá vật liệu, nhân công là điều rất khó.

"Nên chăng, chúng ta học hỏi các nước tiên tiến, có một hệ thống thông tin chung để chủ đầu tư, nhà thầu cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin về đơn giá tại từng vùng, từng miền.

Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ đưa ra khuyến cáo việc xây dựng đơn giá với từng vùng, từng miền. Quyền quyết định là ở chủ đầu tư", ông Tuyên ý kiến.

Đề xuất 3 giai đoạn rà soát, điều chỉnh đơn giá, định mức giao thông - Ảnh 2.

Công tác xây dựng đơn giá, định mức giao thông được cho rằng cần đi từng bước (Ảnh minh họa: Tạ Hải).

Tập trung xây dựng định mức có tính ảnh hưởng lớn

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI) thừa nhận, vừa qua, TEDI cũng có gửi mấy trăm định mức, song, để làm mất quá nhiều thời gian.

"Mặc dù vậy, trong bối cảnh các đơn vị đang đối diện áp lực thời gian thi công lớn, việc điều chỉnh, xây dựng định mức nên tập trung ở những định mức có tính ảnh hưởng lớn, có tính quyết định như: bê tông mác cao, hệ thống định mức hiện chưa có; định mức chế tạo vật liệu…", ông Hoàng Anh nói.

Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Phùng Tiến Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho rằng, giữa một loạt vấn đề về đơn giá, định mức hiện nay, chúng ta cần đi theo ba nhóm.

Thứ nhất là định mức của từng dự án. Thứ hai là định mức chuyên ngành bộ ban hành; Thứ ba định mức chuyên ngành do Bộ ban hành chung.

"Nghị định 10 đã quy định rõ định mức nào chưa có thì tư vấn thiết kế lập. Nếu hiện chưa làm được tức là do tư vấn không làm.

Nếu tư vấn lập định mức thì cơ quan chuyên môn là Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ thẩm định sau đó chủ đầu tư phê duyệt.

Thủ tục hành chính đã quy định rõ quy trình, phải đi theo đúng mạch. Với một số định mức mới thì sẽ khảo sát, bổ sung theo dự án đó. Chủ đầu tư sẽ tổ chức thực hiện khảo sát này", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.