Quản lý

Đề xuất quy định niên hạn xe tập lái

04/10/2023, 05:58

Việc sử dụng ô tô cũ nát để đào tạo lái xe tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho học viên và người tham gia giao thông. Quy định niên hạn cho xe tập lái được kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng này.

Nguy cơ mất an toàn

Vừa được cấp bằng lái xe hạng B2, song anh Nguyễn Quốc Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa quên những ngày tháng "vật lộn" học thực hành trên chiếc xe Camry sản xuất từ năm 1995.

"Tôi đăng ký học lái xe tại một cơ sở đào tạo ở Bắc Ninh, khi vào giai đoạn học thực hành trên đường tôi được bố trí học trên chiếc xe có niên hạn lên tới gần 30 năm. Mặc dù có thầy giáo bên cạnh nhưng do xe có tuổi đời cao, côn, phanh, ga đã kém đi rất nhiều nên tôi luôn cảm thấy bất an với nguy cơ mất phanh", anh Huy cho hay.

photo-1696256325817

Việc quy định niên hạn cho xe tập lái sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình học, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tương tự, phải học tập lái trên chiếc xe Daewoo Cielo đời 1994, anh Lê Thành Văn (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, quá trình học nghe thầy giáo kể đây là chiếc xe do một gia đình sử dụng vừa hết đăng kiểm, do không còn nhu cầu sử dụng nữa nên bán.

Việc áp niên hạn cho các loại xe tập lái, xe sử dụng thi sát hạch là cần thiết vì loại xe này thực chất cũng là phương tiện đang lưu hành. Ngay cả khi không áp dụng niên hạn như hiện nay, một phương tiện ô tô cũng chỉ chạy được trong một khoảng thời gian nhất định.

PGS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT

"Giáo viên này mua lại rồi đi đăng kiểm, góp vào trung tâm đào tạo để luyện tay lái", anh Văn cho hay.

Gần 20 năm nay, Trường Cao đẳng GTVT (Cục Đường bộ VN) chưa mua được một chiếc xe ô tô tập lái nào để phục vụ cho công tác đào tạo. Trong suốt hàng chục năm, giáo viên, học viên phải sử dụng những chiếc xe cũ. Nguyên nhân do chưa có quy định niên hạn nên không có căn cứ để đổi mới phương tiện.

Ông Nguyễn Đức Phú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT cho hay, hiện trường có khoảng gần 60 xe tập lái, đa số đều là xe cũ có tuổi thọ từ 20-30 năm, tiền sửa chữa bằng mua xe mới. Những chiếc xe cũ này nếu bán cũng chỉ được vài chục triệu đồng.

Theo ông Phú, do bị bó buộc bởi các quy định của đơn vị công lập được tự chủ một phần, cùng với việc không có quy định niên hạn xe tập lái nên nhà trường không có cơ sở để thanh lý xe cũ và đầu tư xe mới. Thêm nữa, muốn mua xe phải căn cứ quy định về đơn giá, định mức, tiêu chuẩn, làm dự toán và đấu thầu. Điều này cũng làm tính cạnh tranh của các cơ sở công lập giảm sút so với cơ sở đào tạo tư nhân.

"Trải qua hai đời hiệu trưởng nhưng chưa mua được chiếc xe nào, trong khi tiền trong quỹ đầu tư phát triển lại không được sử dụng. Cần khống chế số năm xe ô tô tập lái được phép lưu hành để các cơ sở công lập được đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ", ông Phú cho hay.

Theo tìm hiểu, hiện có nhiều trung tâm đào tạo lái xe sử dụng xe ô tô cũ nát, có niên hạn lâu năm cho học viên tập lái. Đây là sự lựa chọn hàng đầu của những người dạy lái xe, bởi chi phí đầu tư ban đầu thấp, dễ dàng thay đổi kết cấu để phù hợp cho việc dạy lái.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, Nghị 65/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, quy định dạy lái xe là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, những phương tiện tập lái thì không có quy định cụ thể nào về niên hạn sử dụng, trong khi đây cũng là loại phương tiện kinh doanh vận tải.

Có lộ trình loại bỏ dần xe tập lái niên hạn cao

Để quản lý tốt xe tập lái, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016, Bộ GTVT đề xuất quy định niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch. Theo đó, xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất). Xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn tối đa từ 17-25 năm.

Đồng tình với đề xuất này, ông Lại Thế Chất, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Thành Đạt (Hà Nội) cho hay, việc áp niên hạn với xe tập lái, xe sát hạch là bước tiến mới, cần sớm triển khai.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu ra, xe sát hạch chỉ nên có niên hạn tối đa là 10 năm. Nhiều trung tâm sử dụng xe sát hạch cũ nát, tuổi đời trên 20 năm, trong khi học viên phải thuê với giá rất đắt, lên đến 350.000 đồng/giờ, chất lượng dịch vụ không tương xứng.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc quy định niên hạn đối với xe ô tô dùng để sát hạch là cần thiết. Lý do là việc sử dụng ô tô cũ để học viên sát hạch gây mất an toàn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện bài thi sát hạch của học viên.

Là trung tâm được thành lập theo chủ trương xã hội hóa, ông Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) nhẩm tính, nếu xe tập lái áp dụng niên hạn, trung tâm của ông sẽ phải thay mới khoảng 20% số lượng phương tiện, tương ứng với số tiền đầu tư lên đến cả chục tỷ đồng. Đây là số chi phí rất lớn, bởi theo ông Toản, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, liên tiếp nhiều quy định mới về đào tạo sát hạch lái xe được ban hành đã khiến các trung tâm lái xe phải bỏ thêm rất nhiều tiền đầu tư.

Trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất trên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, xe cũ vừa mất an toàn, tốn nhiều xăng dầu, học viên cũng không muốn học trên xe quá cũ. Nhiều sở GTVT cũng phản ánh, xe tập lái quá cũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng không có căn cứ để thay xe mới.

Ông Thống cho rằng, đào tạo lái xe cũng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tần suất hoạt động lớn nên việc quy định niên hạn là phù hợp, giải quyết nguy cơ mất an toàn trong đào tạo, sát hạch lái xe.

"Qua thống kê, số lượng xe tập lái trên 20 năm có khoảng 6.000 chiếc, chiếm 14% trong tổng số xe hạng B. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch. Quy định đưa ra không phải cấm ngay mà sẽ có lộ trình thực hiện phù hợp", ông Thống cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.