Đường sắt

Đi tàu, gửi hàng chưa khi nào dễ dàng đến thế

16/08/2023, 06:27

Ngành đường sắt bắt tay với nhiều đối tác trung gian, mạng xã hội nhằm đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, khách đi tàu hay gửi hàng hưởng lợi lớn.

Mất vài phút mua vé tàu trên điện thoại

Trên chuyến tàu Hải Phòng trở về Thủ đô, chị Bích Hằng (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị quyết định đưa con đi trải nghiệm food tour bằng tàu hỏa ngay khi được thông báo hôm sau con nghỉ học phụ đạo. Tuy nhiên, vì lúc đó đã khoảng 21h, nhà lại xa ga, chị lên mạng tìm hiểu chuyến tàu và cách thức mua vé.

Đã lâu không đi tàu, chị rất ngạc nhiên là bây giờ có thể mua vé qua mạng, thanh toán trực tuyến. Không chỉ mua qua website bán vé của ngành đường sắt mà còn có thể mua qua các (app) ứng dụng khác trên điện thoại. Nhưng để yên tâm, chị quyết định mua qua trang bán vé điện tử chính thức của đường sắt.

img

Đường sắt áp dụng mua vé tàu điện tử, thanh toán trực tuyến qua nhiều cổng thanh toán trực tuyến, bằng nhiều hình thức như: Thẻ ATM, thẻ tín dụng, quét mã QR, ví điện tử... Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Sau vài thao tác nhập thông tin tìm kiếm, chị đã có thể chọn được chuyến tàu. Trên giao diện thể hiện rõ thứ tự các toa tàu, sơ đồ chỗ trong toa, giá vé...

Đến khâu thanh toán, trên trang này ngành đường sắt đưa ra nhiều lựa chọn: Thanh toán trực tuyến bằng thẻ, tài khoản, ví điện tử hoặc giữ chỗ rồi thanh toán sau bằng tiền mặt tại các quầy vé, các điểm giao dịch của VNPost, Ngân hàng VIB...

“Tôi chọn thanh toán qua VNPay-QR cho nhanh. Chỉ cần đăng nhập app mobile banking của ngân hàng và quét mã QR là xong. Mã vé, vé điện tử được gửi về mail, tôi chỉ việc tải về điện thoại và sáng hôm sau yên chí ra ga, đi tàu. Tại ga, nhân viên chỉ cần kiểm tra vé qua điện thoại”, chị Hằng kể.

Cũng như chị Hằng, chị Quỳnh Loan (Lê Văn Lương, Hà Nội) cho biết, chị đi công tác Hải Phòng bằng ô tô khách, nhưng bị say xe. Khi về, chị quyết định đi tàu và thử mua vé qua app ví điện tử MoMo trên điện thoại vì đang sẵn tiền trong ví.

“Trên app chỉ thể hiện sơ đồ chỗ toa còn vé và hiện luôn giá vé, chỉ cần bấm vào là lựa chọn được luôn. Thanh toán cũng rất nhanh chóng, thuận tiện”, chị Loan kể.

80% khách mua vé trực tuyến

img

Hành khách mua vé, thanh toán trực tuyến, chỉ cần trình vé điện tử trên điện thoại khi kiểm soát vé.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để tạo thuận lợi cho khách mua vé mọi lúc, mọi nơi, từ cuối năm 2014, đường sắt là một trong các đơn vị tiên phong tham gia thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến.

Thời điểm đó, hành khách vẫn chưa có thói quen mua bán trực tuyến, tại Việt Nam cũng chỉ mới manh nha phát triển ứng dụng mobile banking trên điện thoại.

Tuy nhiên, khách đi tàu đã có thể mua vé, thanh toán trực tuyến bằng thẻ ATM, thẻ tín dụng nội địa ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, đường sắt tiếp tục mở rộng dịch vụ, bắt tay với nhiều đối tác trung gian theo hình thức “mua chéo, bán chéo” nhằm tận dụng tập khách hàng của nhau.

Chẳng hạn, ban đầu ngành đường sắt phối hợp với VNPost để cung cấp dịch vụ bán vé qua hệ thống bưu cục tới tận vùng sâu, vùng xa. Tiếp theo kết hợp với các loại hình ví điện tử như: MoMo, Ngân lượng, Payoo, VNPay, ZaloPay.

Đường sắt cũng ủy quyền cho đối tác như VNPay làm việc với các ngân hàng để tích hợp tiện ích mua vé tàu, thanh toán trực tuyến trên các app mobile banking; hay ủy quyền cổng thanh toán Ngân lượng phát triển tiện ích bán vé trên các trang điện tử của các đối tác thứ ba như VinID; kết nối bán vé trên các trang điện tử về du lịch, khách sạn như baolau.com, vexere.com...

“Nhờ việc phát triển, mở rộng kết nối các kênh mua vé, thanh toán trực tiếp nhằm mang lại lợi ích, thuận tiện nhất cho khách hàng, chúng tôi đã tiếp cận các đối tượng khách hàng của các đối tác.

Nếu thời điểm mới vận hành hệ thống vé tàu điện tử, giao dịch mua online chỉ chiếm tỷ lệ 20-25%, đến năm 2019, tỷ lệ này đã đạt 40-45%. Đến nay, đã có đến 80% khách hàng mua vé online”, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng vé bán ra đạt hơn 3,1 triệu vé, bao gồm khoảng 2,4 triệu vé cá nhân và 700 nghìn vé tập thể. Trong số 2,4 triệu vé cá nhân, có đến hơn 1,5 triệu vé thanh toán trực tuyến qua các cổng thanh toán online, đạt tỷ lệ khoảng 80%...

Ông Nguyễn Thành Chung, quản lý cấp cao dịch vụ công Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (Ví MoMo) cho biết, từ năm 2018, MoMo phối hợp cùng đường sắt cung cấp đến khách hàng hai hình thức mua vé - thanh toán trực tuyến gồm mua vé trực tiếp trên app ví MoMo và mua vé trên website, thanh toán qua ví MoMo.

Trong vòng một năm trở lại đây, trung bình lượng giao dịch mua vé, thanh toán trực tuyến qua ví điện tử MoMo ở cả hai hình thức trên website, trên app điện thoại khoảng 20.000 lượt/tháng.

Ông Chung cho biết, đường sắt định hướng thời gian tới sẽ phát triển dịch vụ gửi hàng, thanh toán trực tuyến ở lĩnh vực vận tải hàng hóa, trong đó có chuyển phát nhanh. MoMo sẽ đồng hành để đưa ra các giải pháp mang lại lợi ích cho người dân.

Thông tin cụ thể, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tháng 12/2019, đường sắt đã cung cấp dịch vụ đặt gửi hàng online qua website Harapost.com. Trên trang này, khách hàng có thể đặt, gửi hàng online, nhập các thông tin về loại hàng, khối lượng, kích cỡ bao gói, quãng đường vận chuyển, hệ thống sẽ tự tính toán giá cước.

Nhân viên trực trang sẽ chốt đơn với khách hàng, gửi tài khoản để khách hàng chuyển khoản thanh toán, giống như hình thức bán hàng qua Facebook.

Tuy nhiên đến nay, đường sắt định hướng phát triển hình thức đặt vận chuyển hàng hóa qua mạng không chỉ với hành lý, hàng chuyển phát nhanh mà cả hàng khối lượng lớn, đồng thời tích hợp tiện ích này trên trang bán vé dsvn.vn; kết nối với các trang điện tử khác.

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt VN, hiện đang có xu hướng sử dụng mạng xã hội như một kênh thương mại điện tử mới.

Đường sắt cũng đang hướng tới kết hợp với các nền tảng đã có khách hàng như ZaloPay với 104 triệu khách hàng, trong đó 84 triệu khách hàng sử dụng thường xuyên; hay MoMo có 5,5 triệu khách hàng sử dụng thường xuyên để phát triển thêm các tiện ích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.