Khám phá

Đi tìm dấu tích tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam

04/09/2017, 06:11

Tuyến hỏa xa Sài Gòn - Mỹ Tho một thời đã in dấu bao kỷ niệm của người dân vùng đất phương Nam

80

Ga Chợ Lớn năm 1905 (Ảnh tư liệu)

Lần theo những dấu tích còn lại của tuyến đường sắt này, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều thú vị.

Có một ấp mang tên ấp Ga

Tại TP HCM, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên dấu tích về tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho hầu như không còn. Ga Sài Gòn xưa giờ là công viên 23/9, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân. Những nơi tuyến đường sắt đi qua ở quận 5, 6, Bình Tân giờ là những khu đô thị sầm uất. Dấu tích của những nhà ga như: An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền gần như đã mờ phai. Người dân sống nơi đây cũng là dân tứ xứ, gần như không hề hay biết nơi đây từng có tuyến đường sắt đầu tiên chạy qua. Dấu tích còn lại ở khu vực TP HCM hiện nay là cuối con đường đi ngang Công ty Phân bón Bình Điền, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Nơi đây bắt gặp trụ cầu nằm ngay sát mép sông Chợ Đệm được xây bằng đá hộc phía dưới và gạch thẻ phía trên. Phía bên kia sông, cuối đường Rạch Cát thuộc phường 7, Q.8 cũng có một trụ cầu tương tự. Đây chính là hai trụ cầu đường sắt Bình Điền, vượt sông Chợ Đệm, nằm cách cầu đường bộ hiện hữu về phía hạ lưu khoảng 300m.

Ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có một ấp với cái tên khá lạ “ấp Ga”. Bà Trương Thị Ngộ năm nay đã 74 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in thời kỳ tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho chạy qua khu vực nhà bà. “Mỗi lần thấy tàu đi qua là đám trẻ con reo lên vui sướng. Nói thiệt hồi đó, cứ ước được một lần đi tàu là vui biết mấy nhưng chưa bao giờ được đi”, bà Ngộ nói.

Cái tên ấp Ga theo bà Ngộ là được người Pháp đặt sau khi xây dựng tuyến đường sắt và lập ga ở khu vực này. Dẫn chúng tôi ra khu vườn sau nhà, bà Ngộ chỉ vào dấu tích còn lại của nhà ga là một giếng nước được xây dựng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân viên hỏa xa. “Hiện, giếng nước này không còn sử dụng vì đã có nước máy, nhưng gia đình tôi vẫn lưu giữ như một kỷ niệm về tuyến đường sắt đã gắn bó với tên ấp, tên làng ở đây”, bà Ngộ chia sẻ.

Theo lời người dân địa phương, dọc tuyến đường sắt này có 15 nhà ga, được xây dựng theo một kiểu giống nhau là nhà hai mái, tường được xây bằng gạch đinh dày 20cm. Hai đầu mái nhà được xây một mái vòm ra phía đường ray để hành khách lên xuống thuận tiện, khỏi bị mưa nắng.

Khu vực Gò Đen thuộc ấp Phước Toàn, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, Long An trước đây cũng được xây dựng một nhà ga. Hiện tại, dấu tích của nhà ga cũng không còn. Ông Nguyễn Văn Thời (70 tuổi) nhà gần ga cho biết, năm 1970 nhà ga ở khu vực Gò Đen vẫn còn, sau vài năm thì bị tháo dỡ để xây dựng khu dân cư nên dấu tích còn lại cũng chỉ là cái giếng nước không còn sử dụng.

Tàu chạy trên phà

Đặc điểm của khu vực Tây Nam bộ là hệ thống sông ngòi chằng chịt, vấn đề nan giải mà tuyến đường sắt gặp phải là vượt qua những con sông lớn. Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho phải vượt qua hai sông lớn là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Nhà thầu Pháp đã đặt hãng Eiffel làm hai cầu sắt lớn là cầu Bến Lức (qua sông Vàm Cỏ Đông) và cầu Tân An (qua sông Vàm Cỏ Tây) để xe lửa chạy qua. Nhưng khi tuyến đường sắt được xây dựng vào đầu năm 1881 sau 4 năm đã hoàn thành, thì hai cây cầu này vẫn chưa xong. Nhà thầu Pháp quyết định làm hai chiếc phà lớn có thể chở 10 toa tàu, trên phà có gắn đường ray. Khi tàu đến gần bờ sông thì được tháo ra để chạy xuống phà chở qua bên kia sông rồi nối vào lại.

Hình ảnh đoàn xe lửa dài chạy xì khói kêu ầm ầm trên 2 thanh sắt và hình ảnh chiếc phà đưa xe lửa qua sông đã khiến người dân thời đó rất thích thú và ngưỡng mộ. Đến tháng 5/1886, khi hai cây cầu sắt Bến Lức, Tân An hoàn thành thì mới chấm dứt cảnh “tàu lụy phà”.

Ông Nguyễn Văn Ca (80 tuổi, ngụ phường 2, TP Tân An) kể: Cầu Tân An bằng sắt hồi đó làm rất chắc chắn. Đây là cầu đơn, đi chung giữa đường sắt và đường bộ, tĩnh không thông thuyền khoảng 10m để thuận lợi cho phương tiện thủy chạy ở dưới. Theo các tài liệu còn ghi lại, thời gian đầu, xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho sử dụng đầu kéo là máy hơi nước nên chạy tốc độ bất thường. Khi lên dốc qua cầu, nhiều lúc nồi không đủ hơi để chạy nên có khi bị tuột xuống. Năm 1896, tuyến đường được đầu tư các đầu máy loại mới 220-T-SACM có công suất kéo mạnh hơn. Thời gian đi hết toàn tuyến khoảng 2 tiếng 30 phút. Càng về sau được rút ngắn chưa tới 2 tiếng. Tốc độ trung bình khoảng 37km/h.

Tại khu vực cầu Bến Lức, phía hai đầu bờ hiện còn hơn 10 trụ của cây cầu cũ, mố và đường dẫn lên xuống cầu đường sắt xưa vẫn còn dù thời gian đã qua. Một số trụ được xây bằng đá hộc từ thời Pháp thuộc, một số trụ khác đúc bằng bê tông cốt thép theo công nghệ mới. Cầu sắt Eiffel Tân An sau một thời gian bỏ không, năm 2004 được tháo dỡ. Dấu tích còn lại về tuyến đường sắt đi qua đây là chòi canh xây bằng đá hộc và gạch đinh ở phía bờ Bắc. Trước năm 1975, kế bên chòi canh có thêm lô cốt bằng bê tông cốt thép được xây để bảo vệ cầu đường bộ. Ở bờ Nam hiện vẫn còn phần trụ sát bờ sông và mố đất tiếp giáp với đường dẫn xuống cầu chạy xuôi đến trước Bưu điện TP Tân An.

Kỳ vọng tuyến đường sắt về miền Tây

Tuyến đường sắt sau khi đi vào TP Mỹ Tho (Tiền Giang) vòng qua các tuyến đường đến đoạn cuối là khu vực nhà ga, nay là trụ sở của Sở Ngoại vụ, Trung tâm Dịch vụ đối ngoại thuộc Sở Ngoại vụ và một số hộ dân. Phía trước trụ sở là khu công viên vườn hoa Lạc Hồng, tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân nằm trên đường 30/4 và đường Trưng Trắc thuộc phường 1, TP Mỹ Tho. Theo bà Nguyễn Thị Đang (72 tuổi), năm 1966, dù tuyến đường sắt đã ngừng hoạt động nhưng quanh khu vực nhà ga vẫn có người dân gánh hàng rong tụ tập mua bán từ 2-3h đến sáng. Hiện nay đây là bến đỗ xe khách du lịch từ các nơi về tham quan du lịch ở cồn Thới Sơn, TP Mỹ Tho.

Theo nghiên cứu của JICA, đến năm 2030 khối lượng vận tải hành khách trên hành lang TP HCM - Cần Thơ sẽ tăng gấp 4,5 lần so với năm 2008; khối lượng vận tải hàng hóa cũng sẽ tăng gấp ba lần năm 2008. Trước nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM, trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2009 đã đề cập đến quy hoạch xây dựng đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Toàn tuyến dài 134 km với 10 ga, khổ đường 1.435mm, tốc độ dưới 200km/h cho tàu hàng và trên 200km/h cho tàu khách. Việc sớm đầu tư tuyến đường sắt về miền Tây sẽ góp phần kết nối các đô thị, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được xây dựng vào đầu năm 1881, do nhà thầu Joret thực hiện đến năm 1886 hoàn thành. Tuyến đường sắt này có chiều dài hơn 70km từ Sài Gòn đi qua Long An đến Tiền Giang có 15 ga, từ ga Sài Gòn (công viên 23/9 hiện nay), đi qua An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền. Khi qua QL1, xe lửa dừng lại ở các ga: Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Cầu Voi, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương và đến ga cuối Mỹ Tho nằm gần sông Tiền (khu vực tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ngày nay). Đây là tuyến đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Dương.

Chi phí dự kiến của công trình hơn 12 triệu franc với vật liệu được đưa từ Pháp sang. Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho hoạt động đến thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Thời kỳ này, xe hơi phát triển mạnh, hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho cũng được đầu tư nên người dân chuyển dần sang đi đường bộ để thuận lợi hơn. Có những ngày, cả đoàn tàu chỉ vài chục người đi dẫn đến thua lỗ. Năm 1958, tuyến đường sắt này đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho ngừng hoạt động, kết thúc 73 năm tồn tại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.