Y tế

Dịch sốt xuất huyết tăng bất thường, vì sao?

30/07/2023, 07:22

Sốt xuất huyết không còn theo chu kỳ đỉnh dịch 4 năm 1 lần. Năm nay, dù chưa vào cao điểm nhưng tăng mạnh số ca mắc, nhiều ca nặng, biến chứng.

Bệnh nhân tăng đột biến

Ghi nhận tại Bệnh viện E, Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đến khám tại đây tăng đột biến, nhiều trường hợp có diễn biến nặng như ho ra máu, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tụt huyết áp…

img

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện E.

Đang nằm điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, chị N.T.H (41 tuổi, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Năm nào tôi cũng mắc sốt xuất huyết nên lần này khá chủ quan. Đến ngày thứ 6 sau khi biết mắc sốt xuất huyết, cơ thể bỗng mệt mỏi hơn, sốt cao kèm đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng nhiều, tôi được gia đình đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ chỉ định nhập viện ngay vì chỉ số tiểu cầu quá thấp”.

Cùng nằm điều trị với chị H là một sản phụ mang thai 6 tuần mắc sốt xuất huyết. Khi nhập viện, sản phụ xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt nhiều, tức bụng, buồn nôn, ra máu âm đạo bất thường. “Lúc đầu, tôi cũng không đi khám vì chỉ nghĩ mình bị cúm. Đến khi, cơ thể sốt li bì, tay chân lạnh thì mới tìm tới bệnh viện”, sản phụ chia sẻ.

Theo BSCKII Đào Văn Cao, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, đến nay, khoa đang theo dõi và điều trị cho gần 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Từ tháng 7, mỗi ngày phòng khám của khoa tiếp nhận khoảng 20 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 5-10 bệnh nhân nặng phải nhập viện.

Cao điểm, số người mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa lên đến 30-40 người, chiếm hơn 50% số người bệnh đang điều trị tại đây.

“Những trường hợp nặng, có dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc, xét nghiệm có tiểu cầu giảm nhanh, cô đặc máu, men gan tăng cao sẽ được chỉ định vào viện theo dõi và điều trị”, BS Cao chia sẻ.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bà Đ.T.V (83 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vừa thoát cửa tử khi nhập viện với biểu hiện tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng vì sốt xuất huyết.

Vốn có tiền sử tăng huyết áp và ung thư vú đã phẫu thuật được ba năm, ba ngày trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện sốt cao kèm đau đầu nhiều, mệt mỏi.

Còn bà T.T.M (60 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vô tình phát hiện mắc sốt xuất huyết khi đến khám và nội soi dạ dày tại Trung tâm Tiêu hóa gan-mật-tụy nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

Thời điểm nhập viện, bà M tiểu cầu hạ rất thấp chỉ còn 10 G/L, tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương… Sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe bà M dần hồi phục.

PGS. TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, nhiều người mắc sốt xuất huyết nhưng chủ quan, chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, đặc biệt là trên các bệnh nhân có bệnh nền, cơ địa phụ nữ có thai... mới đến viện.

Đáng tiếc, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu...

Vì sao chu kỳ bị phá vỡ?

Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, quy luật chu kỳ 4-5 năm lên đỉnh dịch sốt xuất huyết một lần có dấu hiệu bị phá vỡ. Bệnh dịch diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào.

Đến thời điểm này, miền Bắc tăng mạnh số ca mắc sốt xuất huyết và Hà Nội hiện đang là điểm nóng với 1.556 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong.

Chia sẻ về những bất thường trong chu kỳ dịch sốt xuất huyết, TS Nguyễn Văn Dũng cho rằng, sự thay đổi cực đoan của thời tiết là yếu tố tác động lớn nhất. Năm nay miền Bắc nắng nóng, mưa nhiều là điều kiệu thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển.

Đặc biệt, nắng nóng cũng khiến chu kỳ phát triển vòng đời của muỗi rút ngắn lại, bình thường thời gian từ trứng đến muỗi trưởng thành khoảng 2 tuần nhưng hiện nay chỉ khoảng từ 7 - 9 ngày. Chính điều này khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người lớn hơn nên nguy cơ bùng dịch cũng cao hơn.

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm 1 yếu tố khách quan khiến nguy cơ bùng dịch là công tác phòng chống dịch tại các địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, trước đây phòng dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia song nay chuyển về địa phương (hoạt động theo ngân sách địa phương bố trí).

Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động được nguồn kinh phí vì thế chưa triển khai hoặc triển khai không hiệu quả các biện pháp phòng chống.

Theo nhận định của PSG. TS Đỗ Duy Cường, năm nay sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm và tăng ca biến chứng, trở nặng vì người dân chủ quan với phòng, theo dõi điều trị bệnh.

Ông Cường khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện sốt xuất huyết sớm. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.

Trong trường hợp theo dõi ở nhà, nếu tiểu cầu giảm nhanh với các biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh, rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng, màng phổi… khi đó cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Trong khi đó, BS Nguyễn Văn Dũng cho rằng, sau dịch Covid-19 dường như nhiều người đã quên khẩu hiệu “Không có bọ gậy, không có loăng quăng - không có sốt xuất huyết”. Do vậy, để phòng bệnh sốt xuất huyết quan trọng nhất phải từ ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh chung, không để vùng nước đọng…

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 47 nghìn ca sốt xuất huyết, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Một số bệnh viện, do lượng bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú tăng nên đã phải kê thêm giường xếp, hạn chế tình trạng nằm ghép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.