Thị trường

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, hơn 34.000 con lợn bị tiêu hủy

14/10/2023, 20:27

Đó là thông tin được phát đi từ Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, trước tình trạng bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở nhiều tỉnh thành.

Hơn 300 ổ dịch tại 38 tỉnh, thành phố

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 9, cả nước phát sinh 38 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 12 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 528 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 343 ổ dịch tại 38 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị tiêu hủy hơn 34.000 con.

Hiện nay, cả nước có 73 ổ dịch thuộc 40 huyện của 14 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Thú y, Bộ NN&PTNT, cho biết nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại chủ yếu là do công tác quản lý và chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học chưa được chú trọng.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, đã tiêu hủy hơn 34.000 con lợn - Ảnh 1.

Cả nước hiện có 73 ổ dịch thuộc 40 huyện của 14 tỉnh.

Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nhưng theo ông Long, các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức triển khai đúng nội dung theo sự chỉ đạo về chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngoài ra Bộ NN&PTNT đã cho phép sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng các địa phương chưa đẩy mạnh và tăng tỷ lệ tiêm phòng.

"Từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục xảy ra nếu các địa phương, đặc biệt là những nơi phát triển về chăn nuôi không quan tâm, không triển khai có hiệu quả kịp thời các giải pháp mà Chính phủ và Bộ NN&PTNT đưa ra. Dự kiến sang tuần sau, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt công tác phòng chống dịch, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi", ông Long nói.

Lãnh đạo Cục Thú y cho rằng cần khẩn trương đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi, đồng thời chăn nuôi an toàn để xây dựng theo chuỗi không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà hướng tới xuất khẩu.

Có hiện tượng đẩy hàng để "chạy dịch"

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết thông thường thời điểm này, các cơ sở tăng nhập lợn chăn nuôi phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán nên giá thường tăng. Tuy nhiên, năm nay nghịch lý ở chỗ giá liên tục giảm mạnh.

Việc bùng phát trở lại dịch bệnh được nhận định là nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi liên tiếp lao dốc, về quanh mốc 50.000 đồng/kg những ngày qua.

Cũng theo ông Đoán, có hiện tượng một bộ phận hộ chăn nuôi đẩy mạnh bán hàng để "chạy dịch", gây áp lực lên giá lợn trên toàn thị trường. Ông cho rằng nếu không kiểm soát nhanh, khủng hoảng về giá thịt lợn và thiệt hại kinh tế có thể lặp lại như năm 2019. Lúc đó, người chăn nuôi không thể vực dậy, nền kinh tế cũng sẽ "ngấm đòn".

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, đã tiêu hủy hơn 34.000 con lợn - Ảnh 2.

Giá lợn hơi liên tiếp giảm, hiện quanh mốc 50.000 đồng/kg.

Hồi tháng 2/2019, Việt Nam xuất hiện 2 ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi. Sau 7 tháng (tháng 9/2019), dịch bệnh lây lan ra khắp 63 tỉnh, thành cả nước. 

Ở giai đoạn đỉnh điểm tháng 4 và tháng 5/2019, lợn chết như ngả rạ, đến mức một số địa phương nói rằng "không còn quỹ đất để chôn". Chốt kiểm dịch thú y được dựng lên ở nhiều nơi. Chuồng trại, ngõ xóm ở các vùng quê phủ một màu vôi bột. Thủ tướng chỉ đạo chống bệnh dịch tả lợn châu Phi phải "như chống giặc".

Số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy đến tháng 5/2020, khoảng 6 triệu con lợn phải tiêu huỷ, gây thiệt hại kinh tế gần 12.000 tỷ đồng. Kinh phí phòng, chống dịch bệnh cũng tiêu tốn khoảng 13.248 tỷ đồng.

Tháng 4-5/2019, giá lợn hơi chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg. Đến cuối năm 2019, khi dịch dần được kiểm soát, khủng hoảng thiếu cung đẩy giá thịt lợn lên cao. Từ tháng 8/2019-2/2020 giá lợn hơi từ 42.000 đồng/kg tăng lên 90.000 đồng/kg. Đỉnh điểm tháng 5/2020, thị trường ghi nhận giá thịt lợn hơi chạm mốc 100.000-130.000 đồng/kg - mức cao nhất trong lịch sử. 

Tại chợ, giá thịt lợn bị đẩy lên 140.000-250.000 đồng/kg tùy loại, còn ở các hệ thống siêu thị, có loại còn được niêm yết 300.000 đồng/kg.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.