Đời sống

Điều ước giản dị của những nữ công nhân duy tu nhân ngày 8/3

08/03/2024, 06:28

"Ngày lễ 8/3, chúng tôi chỉ mong được nhận quà từ sếp, lời chúc từ bạn bè, buổi tối được quây quần bên chồng con và mong không có sự cố nào xảy ra trên đường", các nữ công nhân duy tu ở Hạt quản lý đường bộ Hà Trung (Thanh Hóa) chia sẻ.

Dọc trên tuyến quốc lộ 1A, qua địa phận tỉnh Thanh Hóa dễ bắt gặp hình ảnh những công nhân làm nghề duy tu cầu, đường miệt mài vá đường, lau chùi biển báo, hót dọn đất đá rơi vãi trên đường... Công việc thầm lặng nhưng góp phần đảm bảo cho mọi người đi lại an toàn hơn.

Những

Nữ công nhân Lê Thị Thành đang lau những bụi bẩn cột biển báo giữa quốc lộ 1.

8/3 chỉ mong được ở nhà với gia đình

Ngồi dưới tán cây trong lúc nghỉ trưa, ăn vội miếng bánh, chị Lê Thị Thành (SN 1982, ở xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cho hay: Từ sáng tới giờ, chúng tôi đã làm vệ sinh mặt đường, lau sạch biển báo, tấm phản quang từ thị xã Bỉm Sơn về đến Hà Trung. Tranh thủ ăn miếng bánh lót dạ để chiều làm tiếp.

Qua lời kể của chị Thành, được biết chị là người có thâm niên trong nghề duy tu cầu, đường được 25 năm tại Hạt quản lý đường bộ Hà Trung (thuộc Công ty CPQL&XDĐB 472).

Khi được hỏi về dự định trong ngày 8/3 sẽ như thế nào, chị Thành nhoẻn miệng cười: "Cùng lắm hạt trưởng gặp mặt chị em chúc mừng và nhận lời chúc của người thân qua điện thoại thôi chứ như chúng tôi ngày ngày cặm cụi với bụi đường, giá rét thì không nghĩ gì về việc tổ chức ăn uống linh đình".

Những

Những nữ công nhân thuộc Hạt quản lý đường bộ Hà Trung trong giờ nghỉ trưa sau khi làm việc ngoài quốc lộ 1.

Ngồi kế bên, chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1980, quê ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung) cười nói đùa: Mùng 8/3 của chị em chúng tôi chỉ mong được nhận quà của sếp thôi.

Kể về chuyện nghề, chị Thành tâm sự: Nhiều khi các con bảo mẹ nghỉ tìm việc khác làm cho đỡ vất vả nhưng tôi không nghe. Tôi cũng nói với các con rằng nghề này đã nuôi các con ăn học lên người, dù vất vả đêm hôm, bụi bặm nhưng vẫn cố bám nghề, bám đường đến khi nghỉ hưu mới thôi.

Tìm hiểu được biết, chị Thành mất chồng đã được 10 năm. Một mình nuôi hai con khôn lớn. Con gái đầu của chị đang học sư phạm ở Đà Nẵng, con trai thứ 2 của chị đang học lớp 9.

Còn chị Hạnh cũng tương tự khi đã mất chồng hơn 1 năm nay. Chồng mất, chị Hạnh cáng đáng nuôi hai con ăn học và chăm mẹ chồng già yếu.

Những
Những
Những
Những
Những

Công việc hàng ngày của các nữ công nhân duy tu là vá đường, sơn kẻ vạch, lau chùi biển báo, hót dọn đất, đá rơi vãi trên đường...

"Biết là khó khăn khi không còn chồng, nhưng bản thân tôi và chị em đều sắp xếp giữa công việc và gia đình làm sao cho hợp lý và ổn định. Không vì vất vả mà bỏ nghề hay bỏ bê việc nuôi dạy các con", chị Hạnh cho hay.

Khác với chị Thành và chị Hạnh, chị Lê Thị Huyền (SN 1982, ở huyện Triệu Sơn) cho biết, vợ chồng chị đều là "đồng nghiệp". Do quãng đường từ nhà đến nơi làm việc xa hàng chục km nên vợ chồng anh chị đang mượn tạm gian phòng của khu nhà tập thể của hạt để ở và làm việc.

"Chồng tôi là con trưởng trong gia đình nhưng vì tính chất công việc nên để thuận tiện cả hai vợ chồng ở lại hạt. Những ngày lễ như 8/3 thì tôi chả mong gì hơn là buổi tối được quây quần bên chồng con và mong không có sự cố nào xảy ra trên đường", chị Huyền chia sẻ.

Những hy sinh thầm lặng

Ông Nguyễn Cảnh Lộc, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Hà Trung (thuộc Công ty CPQL&XDĐB 472) cho biết, "quân số" của hạt có tất thảy 11 người, trong đó có 4 nữ và 4 nam công nhân trực tiếp ra đường để làm công tác duy tu.

"Nếu nói về công nhân nữ làm việc duy tu thì ở đây là nhiều nhất. Còn các hạt khác chỉ có từ 1-2 người là nữ đảm nhận công việc này. Hiện đơn vị đang quản lý, duy tu 45km đường quốc lộ 1 (từ Km 285+400 đến Km 330+00).

Những

Chị Đàm Thị Liên nấu bữa ăn trưa cho mọi người tại hạt.

Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, cứ sáng sớm là mấy chị em mang quốc, xẻng, đồ nghề, vật dụng, thiết bị ra đường để quét dọn, làm vệ sinh trên đường. Dù tính chất công việc có đặc thù riêng so với ngành nghề khác nhưng chị em vẫn yêu và cống hiến hết mình vì nghề", ông Lộc chia sẻ.

Nói thêm về tính chất công việc duy tu cầu, đường, ông Lộc cho biết: Ngoài công việc hàng ngày được phân công theo lịch thì đối với việc duy tu còn phải phụ thuộc vào yếu tố giao thông, thời tiết.

Nếu xảy ra tai nạn trên tuyến thì chúng tôi phải có mặt kịp thời tại hiện trường để đảm bảo giao thông, hỗ trợ lực lượng chức năng phân luồng. Trong thời tiết mưa, lũ nếu xảy ra sự cố thì phải túc trực để cảnh báo và xử lý nhanh nhất có thể cho phương tiện qua lại an toàn.

"Vì vậy dù đêm hay ngày nghỉ, khi nhận được tin báo, ngoài anh em ra thì chị em cũng phải lên đường làm nhiệm vụ. Có những người còn ôm mấy chức vụ cùng một lúc", ông Lộc nói.

Đó là trường hợp chị Đàm Thị Liên (SN 1990, ngụ ở quê Hậu Lộc) vừa kiêm kế toán, vừa là thủ quỹ, vừa trực tiếp ra đường và cũng là bếp trưởng của hạt.

Chị Liên kể: Tôi bước vào nghề từ khi còn làm nhân viên thu phí qua phà Thắm giáp ranh giữa huyện Hậu Lộc với Nga Sơn. Đến năm 2016 có cầu nên tôi được chuyển về hạt để làm việc.

"Ngày nào cũng vậy, sáng tôi đưa con đi học, chiều tối về nhà. Chồng đi xuất khẩu lao động nên mọi việc ở nhà tôi phải nhờ mẹ chồng chăm sóc cho các con. Nhiều lúc nghĩ cũng muốn bỏ nghề để làm việc khác cho tiện chăm sóc con cái nhưng vì đã làm lâu năm nên cũng không đành.

Công việc của tôi ngoài làm kho quỹ, kế toán, công việc ngoài đường thì cũng hỗ trợ nấu ăn buổi trưa cho anh em trong hạt. Chúng tôi làm không kể ngày mưa, nắng, đêm hay ngày. Hằng ngày làm vệ sinh trên đường nhưng khi có tai nạn hay mưa lũ thì tất cả mọi người phải lên đường làm nhiệm vụ, kể cả lúc đêm hôm", chị Liên cho biết.

Ông Nguyễn Cảnh Lộc, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Hà Trung cho biết: Cách đây khoảng 2 năm, một nữ công nhân khi đang làm công việc dọn dẹp hành lang không may bị chiếc xe tải tông trúng dẫn tới tử vong. Những tưởng sau sự việc đó thì sẽ không còn nữ công nhân nào theo nghề nữa vì nguy hiểm luôn rình rập chưa nói đến việc chăm chút cho bản thân.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.