Đô thị

Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát hoạt động xe buýt, tàu điện tại Hà Nội

15/04/2024, 14:22

Sáng nay (15/4), Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khảo sát tuyến buýt nhanh BRT bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 do ông Đôn Tuấn Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại dẫn đầu đã khảo sát thực tế về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt tuyến buýt nhanh BRT bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa và tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông trong sáng nay (15/4). 

Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát hoạt động xe buýt, tàu điện tại Hà Nội- Ảnh 1.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

Tại Trung tâm vận hành đường sắt trên cao Cát Linh -Hà Đông, báo cáo về kết quả vận hành của Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông, đại diện Công ty TNHH MTV Đường Sắt Hà Nội cho biết, tuyến đã vận hành 888 ngày an toàn, vận chuyển hơn 23,1 triệu lượt hành khách. 

Lượng hành khách sử dụng dịch vụ trên tuyến đã dần đi vào ổn định, các ngày bình thường, tuyến vận chuyển 35.000 - 36.000 hành khách, ngày cuối tuần 24.000 - 26.000 hành khách; trong đó khoảng 70% hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ; trong các khung giờ cao điểm đạt 6.000 - 8.000 hành khách/giờ.

Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, lịch sự. Theo kết quả khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng ĐSĐT để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, sau hơn 2 năm hoạt động, mỗi ngày tuyến Cát Linh - Hà Đông có trên 3 vạn hành khách sử dụng đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện tham gia giao thông trên hành lang đường bộ dọc tuyến trong giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Trên tuyến buýt nhanh BRT, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, tuyến BRT sau 7 năm hoạt động đã thực hiện hơn 853.000 lượt xe với 13,4 triệu km, vận chuyển hơn 92 triệu hành khách. 

Sản lượng hành khách vận chuyển có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tuyến BRT có sản lượng hành khách đông nhất toàn mạng lưới các tuyến buýt (sản lượng hành khách chiếm 2,3% tổng sản lượng hành khách vận chuyển toàn mạng lưới).

Khảo sát tuyến buýt nhanh BRT01: bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa, Đoàn giám sát đánh giá cao Sở GTVT Hà Nội thời gian qua đã khai thác tuyến ổn định, tỉ lệ đúng giờ cao. Nhà chờ được thiết kế với không gian riêng, hiện đại, tiện nghi và rất an toàn cho hành khách và tổ chức giao thông dọc tuyến. 

Tuy nhiên, thành viên Đoàn giám sát cũng yêu cầu Sở GTVT chủ động rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến, không ngừng nâng cao chất lượng phương tiện; nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó có yêu cầu về lái xe an toàn, chấp hành đúng các quy định về dừng, đỗ, đón, trả khách với mục tiêu "tham gia giao thông an toàn nhất"; thực hiện tốt thông điệp "đã uống rượu bia – không lái xe"; "tính mạng con người là trên hết".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuân Phong ghi nhận các báo cáo của Tổng công ty Vận tải Hà Nội và Công ty TNHH MTV Đường Sắt Hà Nội, đồng thời cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp để tiếp tục có cuộc làm việc về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông với UBND TP Hà Nội trong chiều nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.