Hàng hải

Doanh nghiệp cảng biển "kêu trời" vì bị thu thuế khoáng sản

07/10/2023, 09:04

Nhiều doanh nghiệp cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có đơn kiến nghị gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường về việc xử lý các vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính với vật chất nạo vét trước bến cảng.

Không có nhu cầu dùng vẫn phải đóng thuế

Nạo vét bị thu thuế khoáng sản, doanh nghiệp bức xúc  - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cảng kiến nghị không áp dụng các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính của Luật khoáng sản với vật chất nạo vét duy tu vùng nước cảng biển (Ảnh minh họa).

Theo các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, nhiều năm qua đang vướng phải rất nhiều khó khăn trong quá trình lập và xin duyệt hồ sơ duy tu nạo vét thủy diện cảng, đặc biệt liên quan đến vật chất nạo vét.

Cụ thể trước đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quy hoạch khu vực nhận nhìm vật chất nạo vét ngoài khơi biển. Các dự án nạo vét được tạo điều kiện triển khai duy tu nạo vét kịp thời.

Từ khi có sự cố môi trường nghiêm trọng do Formosa (Hà Tĩnh) năm 2016, pháp luật về bảo vệ môi trường thay đổi kéo theo nhiều quy định mới điều tiết cả việc nhận chìm vật chất nạo vét thủy diện cảng với nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương phê duyệt.

Điều này làm phát sinh thủ tục phức tạp, chi phí lớn và thời gian phê duyệt kéo dài. Do đó, doanh nghiệp cảng gần như không thể thực hiện nhận nhìm vật chất nạo vét ngoài biển, chỉ còn cách tìm chỗ đổ trên bờ.

Đáng nói, trước tháng 5/2023, UBND tỉnh không công bố khu vực đổ chất nạo vét trên bờ nên các doanh nghiệp cảng chỉ còn cách tự tìm khu đất phù hợp để đổ vật chất nạo vét với hình thức san lấp, thậm chí ở các tỉnh/thành khác xa.

Để đảm bảo độ sâu khai thác trước bến cho tàu thuyền ra vào an toàn theo quy định, các cảng phải chấp nhận thời gian thi công dài hơn và trả chi phí không nhỏ cho đơn vị đồng ý tiếp nhận vật chất nạo vét. Việc tìm được bãi đổ/đơn vị đồng ý tiếp nhận cũng rất khó khăn, làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp trong duy tu nạo vét.

Đến tháng 5/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định công bố khu vực đổ trên bờ. Tuy nhiên, quyết định lại ghi rõ mục đích đổ san lấp hoặc đổ thải của các khu vực tiếp nhận vật chất nạo vét.

Thế nhưng, các doanh nghiệp cảng cho rằng cảng chỉ có nhu cầu đổ vật chất nạo vét đi, không có nhu cầu và không phải là bên sử dụng vật chất nạo vét để san lấp.

"Các cảng không được hỗ trợ giải pháp phù hợp cho yêu cầu xử lý vật chất nạo vét. Khi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đổ bùn nạo vét lên bờ với tên gọi "đổ san lấp" thì vật chất nạo vét lại được xem là khoáng sản và bị yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính về khai thác khoáng sản (gồm truy thu với các dự án duy tu nạo vét trước đây), phải thực hiện thêm nhiều thủ tục khác liên quan", các doanh nghiệp cho hay.

Vật chất nạo vét được xem như khoáng sản là không phù hợp

Theo các doanh nghiệp, duy tu nạo vét khu nước trước bến cảng hàng năm là yêu cầu thiết yếu và gắn liền với hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển, nhằm đảm bảo độ sâu bến cần thiết và an toàn để tiếp nhận các tàu ra vào cảng và xếp dỡ hàng hóa.

Công tác này không nhằm thu hồi khoáng sản. Các doanh nghiệp cảng không sử dụng vật chất nạo vét duy tu để kinh doanh, hưởng lợi ngoài hoạt động sản xuất chính của mình. Do vậy, hoạt động nạo vét duy tu không phải là hoạt động khai thác khoáng sản như quy định tại Luật khoáng sản.

Cùng đó, từ khi được đưa vào khai thác đến nay, các cảng hoạt động theo công năng của cảng biển như đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu tư. Doanh nghiệp cảng không đăng ký kinh doanh khai thác khoáng sản hay vật chất nạo vét duy tu nên cũng không phải là đơn vị khai thác khoáng sản.

Đặc biệt, các khu vực cảng không thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết số 34/2018 của HĐND tỉnh.

Bởi thế, các doanh nghiệp khẳng định việc vật chất nạo vét từ hoạt động nạo vét duy tu khu nước trước bến cảng được xem là khoáng sản và áp dụng các quy định, thủ tục, nghĩa vụ tài chính với khoáng sản là không phù hợp.

Đồng thời, trước khi triển khai nạo vét duy tu, các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định và được sự chấp thuận của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành có khu vực tiếp nhận vật chất nạo vét.

Trong hồ sơ đã trình nộp và được phê duyệt, các doanh nghiệp cảng cũng không phải xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hay Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản như quy định của Luật khoáng sản đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Liên quan đến nghĩa vụ tài chính, trong tiến trình vận hành khai thác cảng và nạo vét duy tu khu nước trước bến, các doanh nghiệp khẳng định đều tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường và đóng đầy đủ các loại thuế, phí liên quan, báo cáo đầy đủ về kế hoạch nạo vét duy tu, được cơ quan chức năng tỉnh phê duyệt và được chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét.

Khi nạo vét duy tu, các doanh nghiệp cảng hoàn toàn không biết đến các khoản thuế, phí liên quan đến khai thác khoáng sản có thể phát sinh với vật chất nạo vét duy tu, cũng không nhận được bất kỳ hướng dẫn nào từ cơ quan chức năng cho các doanh nghiệp về việc phải đóng các khoản thuế phí theo pháp luật về khoáng sản. 

Việc phát sinh chi phí đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách hoạt động hàng năm đã được thông qua của các doanh nghiệp cảng. Vướng mắc này đang dần trở thành điểm nghẽn phát triển có thể dự báo cho ngành giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế nói chung thời gian tới nếu không sớm được khắc phục.

Đối với vật chất nạo vét duy tu, theo khẳng định của các doanh nghiệp, bản chất vật chất nạo vét duy tu chỉ là sa bồi hàng năm, không chứa các chất thải nguy hại và không phải là khoáng sản. Do đó khi nạo vét duy tu những năm trước đây, các doanh nghiệp cảng đã không thu hồi và đổ tại khu A (vịnh Gành Rái) theo quy hoạch.

Nhưng hiện nay, doanh nghiệp phải tìm khu vực trên đổ trên bờ, không phải vì mục đích kinh doanh khai thác khoáng sản hay thu hồi khoáng sản để san lấp mà do các khó khăn trong thủ tục đề nghị được nhận chìm tại khu A.

Từ đây, các doanh nghiệp kiến nghị khi cơ quan chuyên ngành chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này thì các cơ quan có hướng dẫn chỉ đạo về việc không áp dụng Luật Khoáng sản vào vật chất nạo vét duy tu.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trực tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc trên của doanh nghiệp, đặc biệt nhất quán luật áp dụng là Luật hàng hải trong hoạt động duy tu nạo vét khu nước trước bến cảng, không áp dụng các quy định của Luật Khoáng sản trong trường hợp này, không áp dụng các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính của Luật khoáng sản với vật chất nạo vét duy tu vùng nước cảng biển. 

Cùng đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị xem xét không áp dụng truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính với các dự án nạo vét đã thực hiện trước đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.