Quản lý

Doanh nghiệp đăng kiểm lo đóng cửa vì chồng chéo quản lý

21/08/2017, 07:40

Nhiều trung tâm đăng kiểm nhận được bảng báo giá dịch vụ hiệu chuẩn/kiểm định/đo thử nghiệm phương tiện đo của Viện Đo lường.

10

Dây chuyền đăng kiểm xe ô tô gồm hệ thống các thiết bị đồng bộ, không thể tách rời, được kiểm soát bằng phần mềm bảo mật để chống sự can thiệp vào kết quả đăng kiểm

Thông tin về việc Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) dự định đưa thêm hàng loạt thiết bị thuộc dây chuyền đăng kiểm ôtô vào danh mục phương tiện đo nhóm 2 của Luật Đo lường năm 2011 đang khiến doanh nghiệp, trung tâm đăng kiểm đứng ngồi không yên vì sẽ bị chồng chéo quản lý và chi phí đăng kiểm tăng cao.

Chưa sửa thông tư đã “sốc” vì báo giá

Gần đây, nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc nhận được bảng báo giá dịch vụ hiệu chuẩn/kiểm định/đo thử nghiệm phương tiện đo của Viện Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng). Báo giá (số NM.1993.17/BG-ĐLVN) có giá trị đến 1/12/2017, trong đó báo giá kiểm định 10 loại thiết bị thuộc dây chuyền đăng kiểm ôtô (kiểm tra phanh, đo độ trượt ngang, phân tích khí xả...), với tổng mức giá 55.125.000 đồng, nhưng chưa bao gồm “chi phí vận chuyển chuẩn đo lường và cán bộ”. Đại diện một số trung tâm còn cho biết, sau khi gửi báo giá đã có người liên lạc, đề nghị đưa các thiết bị đi kiểm định, đo lường theo danh mục trên.

"Hiện, Cục Đăng kiểm VN có đầy đủ trang thiết bị kiểm chuẩn và nguồn nhân lực được đào tạo, cấp chứng nhận. Vì vậy, việc tách một số thiết bị ra của dây chuyền để đưa vào danh mục nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý sẽ gây ra sự chồng chéo quản lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Hữu Trí
Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

Ông Dương Văn Chú, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm phương tiện GTVT Bắc Kạn thông tin, hàng năm, các thiết bị đều được Cục Đăng kiểm VN kiểm chuẩn/hiệu chỉnh, đánh giá và cấp chứng nhận với chi phí vừa phải. Thế nhưng vừa rồi có người của đơn vị đo lường đề nghị đưa đi kiểm định một loạt thiết bị với giá kiểm định rất lớn như: Thiết bị đo khí xả là 24 triệu đồng, thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng là 7 triệu đồng... “Quan trọng hơn, khi đưa thiết bị đi kiểm định, dây chuyền kiểm định sẽ không thể thực hiện được và phải đóng cửa trung tâm một thời gian”.

Ông Chú cũng cho biết, theo Thông tư 23 ngày 26/9/2013 của Bộ KH&CN, chỉ có 2 thiết bị nằm trong danh mục kiểm định đo lường nhóm 2 theo Điều 16 Luật Đo lường năm 2011 (phương tiện đo được sử dụng để.... bảo đảm an toàn, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường), nhưng bảng báo giá đưa ra 10 thiết bị và người của đơn vị đo lường cũng thông báo vì “thông tư sắp sửa rồi”.

Ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-03V cho biết, đơn vị cũng nhận được báo giá của Viện Đo lường VN, với mức giá cao gấp khoảng 15- 20 lần so với hiện nay đơn vị đang phải trả.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chuyện các doanh nghiệp, trung tâm đăng kiểm nhận được báo giá nói trên không phải ngẫu nhiên, bởi Bộ KH&CN cũng đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23 ngày 26/9/2013 quy định về đo lường nhóm 2, trong cũng có 10 thiết bị của dây chuyền kiểm định được xếp vào danh mục phải đo lường nhóm 2.

Thêm đầu mối quản lý, thêm gánh nặng cho doah nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN xác nhận, đơn vị đang góp ý Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 của Bộ KH&CN, mà nội dung xếp 10 thiết bị của dây chuyền kiểm định vào danh mục phương tiện đo nhóm 2. Tuy nhiên, do sự bất hợp lý nên Cục đã kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&CN không đưa các thiết bị của dây chuyền đăng kiểm xe ôtô vào danh mục trên.

“Các thiết bị thuộc dây chuyền kiểm định xe cơ giới được thiết kế đồng bộ, không tách rời, liên quan đến phầm mềm quản lý, bảo mật để chống can thiệp vào kết quả đăng kiểm. Từ năm 1997 đến nay, hàng năm, Cục Đăng kiểm VN đều tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị, dây chuyền đăng kiểm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 63 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới”, ông Trí nói.

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết thêm, mức giá kiểm chuẩn các thiết bị của dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới hiện nay là 450.000 đồng/thiết bị, được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. “Nếu so sánh với mức giá mà các trung tâm đăng kiểm nhận được, mỗi trung tâm đăng kiểm sẽ phát sinh hơn 220 triệu đồng/năm. Với nguồn thu phí đăng kiểm xe ô tô hiện tại, nhiều đơn vị đăng kiểm sẽ không đáp ứng được, sẽ phải đóng cửa”, ông Trí nhận định.

Liên quan đến chuyện các thiết bị trong dây chuyền đăng kiểm bị “tách” ra để xếp vào danh mục quản lý theo Thông tư của Bộ KH&CN, PV cũng thu thập được những thông tin khá khó hiểu. Đó là khoảng giữa năm 2016, các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở KH&CN trên toàn quốc bất ngờ đồng loạt thanh tra thiết bị kiểm định xe cơ giới theo Thông tư 23, cũng như yêu cầu kiểm định thiết bị thuộc nhóm 2.

Tuy vậy, điều lạ là các Sở KH&CN cũng không thống nhất về việc có bao nhiêu thiết bị của dây chuyền kiểm định xe cơ giới thuộc nhóm 2. Bởi theo tài liệu PV có được, theo kết luận của 14 Sở KH&CN, một số Sở cho rằng chỉ 2 thiết bị, có Sở xác định 3, 4, 5, 6 và 7 thiết bị. Và lạ hơn là một số Sở KH&CN giới thiệu các trung tâm đưa thiết bị đến Viện Đo lường VN (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để đo lường, kiểm định).

Động thái trên khiến không chỉ doanh nghiệp, trung tâm đăng kiểm mà một số Sở GTVT cũng bức xúc, như văn bản của Sở GTVT Quảng Ngãi gửi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tháng 12/2016 cho rằng, điều này dẫn đến tình trạng làm khó cho các đơn vị đăng kiểm do phải chịu “2 tròng pháp lý về cùng một nội dung”. Theo Sở GTVT Quảng Ngãi, hoạt động kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm định thuộc dây chuyền đăng kiểm phải được thực hiện theo Khoản 6, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ và Điểm b, Khoản 5, Điều 27, Nghị định 63 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.