Đường bộ

Doanh nghiệp giao thông "đỏ mắt" chờ điều chỉnh đơn giá, định mức

12/03/2024, 13:07

Các doanh nghiệp đang dõi theo tiến trình điều chỉnh, bổ sung định mức đơn giá trong thi công xây lắp các công trình giao thông. Nhiều nhà thầu cho biết, với quy định hiện nay, càng thi công càng hao hụt nguồn lực tài chính, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Thiếu định mức, đơn giá chưa sát thực tế

Nhiều năm lăn lộn với các công trình giao thông từ lớn đến nhỏ, cho đến thời điểm hiện tại, ông V.Đ.N, Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp giao thông có tiếng (xin giấu tên) vẫn đau đáu về sự "chậm tiến" của đơn giá, định mức.

Doanh nghiệp giao thông

Theo đánh giá, hiện nay, đơn giá, định mức áp dụng cho lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông vẫn chưa được cập nhật đầy đủ hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời (Ảnh minh họa).

Dẫn chứng cho nhận định của mình, vị lãnh đạo cho biết: Nếu trước đây, định mức vật liệu thi công cấp phối đá dăm trước đây là 1,42 (theo định mức 1776), Thông tư 12/2021 của Bộ Xây dựng giảm xuống còn 1,34 dẫn tới nhà thầu chịu hao hụt quá lớn khi thi công hạng mục này.

Hay đối với hạng mục bê tông xi măng, hiện đã có định mức sử dụng phụ gia (bê tông cọc khoan nhồi, bê tông dầm…), song, một số hạng mục thực tế có sử dụng phụ gia nhưng chưa có định mức để tính vào giá thành như: bê tông nhựa có phụ gia tăng cường dính bám, tăng khả năng chống hằn lún vệt bánh xe…

Đơn giá nhân công được công bố so với thực tế cũng khác xa nhau rất nhiều. Đơn cử, đơn giá nhân công xây dựng của Hà Nội năm 2023 cao nhất là 335.000 đồng, nhưng chi phí nhà thầu trả thực tế phải cao gấp đôi so với con số này.

Đáng nói, tiến độ thi công các công trình ngành GTVT phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. "Mùa thi công" (khi thời tiết thuận lợi) lại thường diễn ra vào các kỳ nghỉ 30/4, 2/9, tết Âm lịch, tết Dương lịch.

Để đáp ứng thi công "3 ca, 4 kíp", nhà thầu phải tăng cường gấp đôi, gấp ba nhân lực nhưng hiện cũng chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho nhà thầu.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi) cho biết, ngoài giá nhân công áp dụng theo đơn giá ban hành của các địa phương trên địa bàn dự án, giá nhân công các bậc áp dụng ở mức tối thiểu chỉ khoảng 200 - 300 nghìn đồng/ngày.

"Thực tế, thị trường lao động phổ thông chưa qua đào tạo nhiều doanh nghiệp giao thông đang phải chi trả 400 - 500 nghìn đồng/ngày, chưa kể các ngày nghỉ, ngày lễ phải tính hệ số 200 - 300%.

Thực tế này đòi hỏi đơn giá nhân công lĩnh vực giao thông cần sớm có sự điều chỉnh để nhà thầu có điều kiện duy trì nhân lực tốt triển khai các dự án đòi hỏi tiến độ nhanh, chất lượng cao", ông Chủng nêu ý kiến.

Chủ tịch Varsi cũng không khỏi trăn trở khi tại Thông tư 12/2021 được Bộ Xây dựng ban hành, nhiều định mức chưa bao quát hết các trường hợp áp dụng, có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ như: thi công móng cấp phối đá dăm, thi công dầm cầu đúc hẫng, lắp đặt ván khuôn neo cho trụ cao, đắp đá, đắp đất cải tiến, cọc khoan nhồi…

"Bộ định mức hiện hành cũng còn thiếu nhiều định mức mới dẫn đến khó khăn khi lập dự toán và nghiệm thu, thanh quyết toán (như ở dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông… hạng mục đắp đám đắp đất lẫn đã chưa có định mức). Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền thanh toán cho các nhà thầu và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công", ông Chủng đánh giá.

Một bất cập khác được Chủ tịch Varsi đưa ra là theo quy định tại Thông tư 13/2021 của Bộ Xây dựng, phương pháp để xây dựng định mức mới khi tính toán theo hồ sơ thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công và vị trí địa lý khác nhau cần phải có hệ thống định mức cơ sở (gồm định mức sử dụng vật liệu, định mức năng suất lao động, năng suất máy, thiết bị thi công…) nhưng chưa có định mức cơ sở, các định mức còn cào bằng.

"Các nhà đầu tư,  hà thầu rất cần Bộ Xây dựng sớm ban hành định mức cơ sở làm cơ sở tính toán với từng dự án, từng địa phương, bộ chuyên ngành khác nhau và bổ sung các định mức còn thiếu", ông Chủng nói.

Là đơn vị có tiếng trong thi công các công trình cầu, một lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết, đối với máy thi công cầu, các hệ thống định mức hiện nay đang áp dụng loại cẩu phổ biến từ 16 - 25 tấn, sà lan từ 200 - 400 tấn.

Quá trình thi công, nhà thầu phải thi công các mã hàng lớn, loại cẩu sử dụng lên đến 50 - 100 tấn, sà lan áp dụng từ 800 - 1.000 tấn, thậm chí là hơn, đòi hỏi định mức cần phải cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn

Riêng bộ định mức thi công hầm đường bộ, trăn trở lớn nhất của Tập đoàn Đèo Cả là từ năm 2017 đến nay đã thi công 5 - 6 công trình hầm, các bộ định mức đã được nhà thầu xây dựng, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành nhưng vẫn chưa được cập nhật vào định mức chung của Bộ Xây dựng.

Đảm bảo hiệu quả kinh tế, chất lượng công trình, tiến độ hoàn thành dự án, tránh lãng phí tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, Bộ Công an cần tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, bắt đầu ngay từ việc xây dựng và quản lý đơn giá, định mức.
Doanh nghiệp giao thông Chủ tịch Varsi Trần Chủng

Cần chế tài bảo vệ chủ đầu tư sử dụng định mức dự toán mới

Đánh giá về việc áp dụng định mức trong quá trình lập và quản lý chi phí, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), thực tiễn, định mức luôn đi sau công nghệ.

Theo báo cáo tham luận của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Nghị định 10 quy định trong quá trình lập dự toán xây dựng, việc xác định và quản lý các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh được thực hiện theo các bước: Tổ chức, cá nhân lập dự toán xây dựng có trách nhiệm lập danh mục các định mức dự toán mới, định mức dự toán cần điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu đặc thù của công trình và tổ chức xác định các hao phí định mức phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công dự kiến để phục vụ việc lập đơn giá, xác định dự toán xây dựng.

Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng các định mức dự toán điều chỉnh, định mức dự toán mới cho công trình làm cơ sở xác định giá xây dựng công trình.

Song, thực tế chưa có đầy đủ các quy định, chế tài để bảo vệ việc quyết định sử dụng các định mức dự toán điều chỉnh, định mức dự toán mới của chủ đầu tư. Thanh tra, kiểm toán không đồng ý với định mức dự toán điều chỉnh, định mức dự toán mới do các chủ đầu tư quyết định áp dụng.

"Chính vì vậy, hầu hết các đơn vị tư vấn chủ yếu chỉ xây dựng các định mức hoàn toàn mới.

Các định mức đã ban hành nhưng chưa phù hợp như đào đất, hệ số đầm nén, thi công cấp phối đá dăm, bê tông nhựa… hầu như không được đề xuất điều chỉnh. 

Trao đổi với phóng viên, một số nhà đầu tư dự án  PPP giao thông cho biết, việc xác định giá xây dựng công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: định mức dự toán, giá vật liệu, nhân công, ca máy, biện pháp tổ chức thi công...

Theo quy định tại Thông tư 14 (điều chỉnh, bổ sung Thông tư 11) của Bộ Xây dựng, việc xây dựng và quyết định giá vật liệu, nhân công, máy thi công khi các địa phương công bố nhưng chưa phù hợp nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ phù hợp với giá trị tổng mức đầu tư xây dựng, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, điều kiện, biện pháp, tiến độ thi công, khả năng cung ứng, tiêu chuẩn, chất lượng vật liệu, mặt bằng giá thị trường... thuộc thẩm quyền quyết định của chủ đầu tư.

Thế nhưng, lại chưa có các quy định chặt chẽ để bảo vệ "thẩm quyền" này. Câu chuyện này còn khó khăn hơn khi các Ban quản lý triển khai các dự án đầu tư công, vì còn chịu sự quản lý của các cơ quan hậu kiểm.

Thực tế, các cơ quan hậu kiểm đều xác định định mức, giá vật liệu, nhân công, máy thi công theo công bố của cơ quan có thẩm quyền để xác định lại dự toán và làm cơ sở để yêu cầu giảm trừ thanh toán.

Vì vậy, dù đã quy định thẩm quyền của chủ đầu tư nhưng thực tế, các chủ đầu tư vẫn sử dụng giá vật liệu, nhân công, máy thi công theo công bố giá của địa phương để phê duyệt dự toán xây dựng công trình và thường chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường, điều kiện cụ thể của dự án.

Hướng xử lý bất cập này, theo các nhà đầu tư, cần phải sớm ban hành định mức năng suất lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công làm cơ sở xây dựng định mức dự toán và sớm cập nhật điều chỉnh, bổ sung Thông tư 12.

Các định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh đã được tổ chức khảo sát trong quá trình thi công cần ban hành ngay, làm cơ sở áp dụng cho các công trình, dự án tương tư triển khai trong thời gian tới chứ không chỉ cập nhật vào cơ sở dữ liệu như quy định tại Nghị định 10 hiện nay.

Trong tham luận tại hội nghị triển khai công điện số 02 của Chính phủ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT cũng đề nghị cho phép vận dụng các định mức đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (Bộ Xây dựng, các bộ chuyên ngành, các địa phương, các định mức đã được Bộ Xây dựng thỏa thuận) để xác định dự toán đối với các công việc có tính chất tương tự về biện pháp thi công, điều kiện thi công đã được quy định trong các định mức xây dựng.

Đồng thời, cần có chế tài bảo vệ các chủ đầu tư khi quyết định sử dụng các định mức dự toán điều chỉnh, định mức dự toán mới trong quá trình duyệt dự toán chi phí xây dựng của chủ đầu tư trước các cơ quan thanh tra, kiểm toán; Có chế tài bảo vệ các chủ đầu tư khi quyết định sử dụng giá vật liệu, nhân công, máy thi công khi đơn giá địa phương công bố chưa phù hợp với thực tế thị trường và điều kiện cụ thể của dự án (thoả thuận với cơ quan công bố).

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đang rà soát, họp bàn để sửa đổi định mức, đơn giá xây dựng theo công điện số 02 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan các công trình giao thông trọng điểm quốc gia.

Tại hội nghị tổ chức tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết ngay trong quý I hai bộ sẽ phải thống nhất rà soát thủ tục pháp lý và báo cáo Thủ tướng. 

Ở giai đoạn đang tăng tốc thi công các dự án cao tốc trọng điểm hiện nay, các chủ đầu tư, nhà thầu đang thực sự mong ngóng sớm có những thay đổi trong định mức, đơn giá để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.