Quản lý

Doanh nghiệp mong sớm có dữ liệu sức khỏe lái xe

23/08/2023, 10:00

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe lái xe sẽ góp phần quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện, khiến doanh nghiệp vận tải bớt nỗi lo.

Từng bị phạt vì sử dụng chất kích thích cũng không ai hay

img

Hiện các doanh nghiệp vận tải tuyển tài xế không có cách nào tra cứu tính xác thực giấy khám sức khỏe của lái xe.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng cho biết, công ty ông liên tục phải tuyển dụng lái xe. Lẽ ra chỉ xem hồ sơ, phỏng vấn là xong. Nhưng thực tế mọi việc không đơn giản như thế.

“Tuyển lái xe, lo ngại nhất là giấy khám sức khỏe của họ có thực sự đảm bảo hay không. Hiện nay chưa có cách nào tra cứu tính xác thực của loại giấy này. Mỗi lần như vậy, công ty phải cử người về địa phương nơi tài xế sinh sống để kiểm tra lý lịch, rất tốn kém”, ông Hải nói và cho rằng, doanh nghiệp không phải mất thời gian, tiền bạc như vậy nếu có hệ thống cơ sở dữ liệu sức khỏe lái xe.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, hiện chưa có một cơ sở dữ liệu nào giám sát các tài xế từng vi phạm sử dụng chất kích thích. Vì thế, xuất hiện tình trạng lái xe bị sa thải tại doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đi xin việc tại một doanh nghiệp khác với bộ hồ sơ mới, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để tránh bị phát hiện.

Thậm chí, khi tài xế bị lực lượng chức năng phát hiện sử dụng ma túy trên đường, bị phạt tiền và tước bằng, sau một thời gian họ vẫn có thể đi thi lại bằng lái xe khác và tiếp tục hành nghề.

Thực tế, theo quy định tại Nghị định 10/2020, Thông tư 12/2020, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện quản lý lái xe, cập nhật thông tin về lái xe vào hồ sơ lý lịch lái xe và cung cấp thông tin thông qua phần mềm quản lý lái xe của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, việc này vẫn đang được thực hiện thủ công. Dữ liệu cập nhật vào hồ sơ lý lịch lái xe do đơn vị kinh doanh vận tải tự thực hiện và chỉ lưu trữ tại đơn vị.

Lấp lỗ hổng

Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an đề xuất quy định: Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý điều kiện về sức khỏe của người lái xe tham gia giao thông.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.

Đề xuất này cũng từng được đưa vào tại dự thảo Luật Đường bộ. Theo Bộ GTVT, việc này là cần thiết để đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo ATGT, đồng thời quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải.

Cơ sở dữ liệu sẽ được sử dụng trong quá trình ghi nhận lịch sử hành nghề của lái xe từ khi bắt đầu lái xe kinh doanh vận tải đến khi kết thúc. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp vận tải tham khảo khi tuyển dụng, sử dụng lái xe.

Ngoài ra, còn được sử dụng để phục vụ công tác cứu hộ, điều tra của các cơ quan thực thi pháp luật; phục vụ công tác đánh giá, ghi nhận, trao các giải thưởng cho những lái xe an toàn và các doanh nghiệp vận tải để biểu dương, phát triển phong trào thi đua lái xe an toàn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc khám sức khỏe của tài xế được yêu cầu khi làm hồ sơ thi GPLX, thi tuyển vào các doanh nghiệp. Ngoài ra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải còn phải thực hiện kiểm tra sức khỏe lái xe định kỳ.

Tuy nhiên, thời gian qua, báo chí không ít lần phản ánh tình trạng mua bán dễ dàng giấy khám sức khỏe, dấy lên câu hỏi liệu tình hình khám và cấp giấy chứng nhận khám sức khỏe của các tài xế hiện nay có thực chất hay không? Lái xe có thực sự đảm bảo sức khỏe để điều khiển phương tiện chở hành khách, hàng hóa?

Các doanh nghiệp có lượng xe lớn có thể chủ động mời các cơ sở y tế có chức năng kiểm tra sức khỏe lái xe về trực tiếp kiểm tra tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chi phí lớn, việc kiểm tra không thể dàn trải nhiều ngày và cũng không thể cho tất cả các tài xế nghỉ để thực hiện.

“Chưa kể, các doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh chỉ có 1 - 2 lái xe thường sẽ giao cho tài xế tự liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp cho giấy chứng nhận khám sức khỏe”, ông Quyền nói và cho rằng, đây chính là lỗ hổng.

Theo ông Quyền, vấn đề này có thể giải quyết được nếu hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe lái xe với đầy đủ các trường thông tin như: Khám ở đâu, ngày giờ nào, số giấy phép bao nhiêu, từng vi phạm ra sao… để người sử dụng lao động có cơ sở xác thực.

Cần liên thông dữ liệu

Ông Quyền cho rằng, hiện nay, Bộ GTVT đã triển khai rộng rãi việc cấp đổi GPLX qua cổng dịch vụ công quốc gia cấp độ 4. Đây là yếu tố quan trọng để liên thông cơ sở dữ liệu giấy khám sức khỏe người lái xe giữa Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT Lê Thanh Tùng cho biết, từ tháng 3/2023, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Y tế kết nối với hơn 1.300 cơ sở y tế, cung cấp hơn 630.000 giấy khám sức khỏe điện tử. Trong 6 tháng đầu năm, các sở GTVT đã cấp hơn 11.000 GPLX trực tuyến.

“Việc liên thông cơ sở dữ liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong cấp đổi GPLX, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian tối đa cho người dân”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân trong cấp đổi GPLX, việc xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe lái xe còn giúp các doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn tài xế có điều kiện sức khỏe phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị tương ứng với loại xe, cung đường cần sử dụng.

Ngoài ra, kết quả khám sức khỏe định kỳ hàng năm của lái xe cũng là cơ sở để cơ quan quản lý thu hồi GPLX đối với những tài xế không đảm bảo sức khỏe tham gia giao thông, đặc biệt với tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.