Xã hội

Doanh nghiệp Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thi công công trình trọng điểm

22/02/2024, 21:04

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện đầu tư, thi công kết cấu hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn.

Phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế

Ngày 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 7 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Chỉ thị nêu rõ bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số hạn chế. Một số doanh nghiệp chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra, còn có doanh nghiệp hoạt động thua lỗ...

Để phát huy vai trò dẫn dắt, nâng cao hiệu quả của DNNN, Thủ tướng yêu cầu các DNNN nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc/giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thi công công trình trọng điểm- Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện đầu tư, thi công kết cấu hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn.

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các DNNN cần tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế.

Trong đó, các DNNN đang thực hiện đầu tư, thi công kết cấu hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.

Theo chỉ thị, trong năm 2023, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1.652 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 166 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Điển hình như tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, các đường cao tốc trục Đông Tây, các trục cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng phấn đấu hoàn thành trên 3000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và trên 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ các dự án: Vành đai 4 Vùng thủ đô, Vành đai 3 TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 Sân bay Tân Sơn Nhất; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn…

Với công nghệ, viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), VNPT, Mobifone, Tổng công ty công nghệ - viễn thông toàn cầu (GTEL)… tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số, đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi (chip bán dẫn).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 6/2024.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng các doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tăng khả năng dự báo diễn biến giá thị trường thế giới, chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế và giảm thiểu bất lợi do biến động về giá xăng dầu thế giới…

Các DNNN thuộc Bộ Công thương, UBND TP.HCM, UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phát triển thương mại điện tử.

Thủ tướng yêu cầu: "Phải phát triển logistics; "làm mới" sản phẩm du lịch gắn với phát triển kinh tế đêm tại các đô thị lớn".

Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực

Về phía các bộ, ngành, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.

"Chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của người dân, doanh nghiệp" - Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp tại địa phương theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Thực hiện giao, cho thuê đất và xác định giá trị tiền sử dụng đất kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.