Xã hội

Doanh nghiệp tự lên phương án sản xuất, xét nghiệm Covid-19 cho NLĐ

17/08/2021, 19:35

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đơn vị tự xây dựng kế hoạch sản xuất, xét nghiệm sàng lọc và tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động (NLĐ).

Chiều 17/8, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn phòng dịch Covid-19 cho các nơi làm việc.

“Trên tinh thần này, các bộ ngành liên quan đang phối hợp soạn thảo hướng dẫn sản xuất an toàn. Theo đó, các DN được phép chủ động xây dựng các phương án sản xuất trên quy định phòng dịch Covid-19 của Bộ Y tế và địa phương. Bên cạnh đó, sẽ giao quyền phê duyệt phương án cho cơ quan quản lý cấp trên của doanh nghiệp để đảm bảo chủ động và linh hoạt”, ông Thơ nói.

img

Nơi làm việc phải tạo mã QR điểm kiểm dịch Covid-19 để thực hiện quản lý người ra vào

Doanh nghiệp, cơ quan cần phải làm gì?

Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị”. Văn bản cũng nêu rõ: “UBND cấp tỉnh triển khai, kiểm tra và giám sát việc thực hiện. Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, có thể điều chỉnh Hướng dẫn cho phù hợp”.

Theo đó, các đơn vị cần phải thành lập các “Tổ an toàn Covid” gồm thành viên là đoàn viên công đoàn, Đoàn Thanh niên. Mỗi tổ có từ 3-5 người, thực hiện nhiệm vụ: Tuyên truyền, phát hiện, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình sức khỏe của người lao động tại đơn vị; Kiến nghị thủ trưởng đơn vị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc theo nội quy phòng, chống dịch của đơn vị và của chính quyền địa phương…

Kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị phải bao gồm sơ đồ và bố trí phân luồng di chuyển trong đơn vị khi xuất hiện các trường hợp F0, F1, F2 và trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Trường hợp người lao động của đơn vị làm việc và lưu trú ở những địa phương khác nhau, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm thông báo cho Sở Y tế/Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh của các địa phương liên quan để quản lý và theo dõi y tế đối với người lao động.

Tổ chức theo dõi sức khỏe của người lao động hằng ngày; không được bố trí làm việc đối với người có một trong các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu người lao động đi làm nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở... và phải báo cho đơn vị quản lý, y tế địa phương để được tư vấn và xử trí theo qui định.

Bắt buộc xét nghiệm Covid-19 trong trường hợp nào?

Theo Hướng dẫn của Bộ y tế, các đơn vị được chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc và tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người lao động.

img

Bộ Y tế hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 đối với người lao động có nguy cơ

Đối với người lao động có nguy cơ (bộ phận lễ tân, làm việc với khách hằng ngày…) thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 sàng lọc bằng Test kháng nguyên nhanh hoặc phương pháp RT-PCR hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động.

Đối với người lao động đi công tác, đặc biệt các trường hợp đi, đến, về từ khu vực có dịch: thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR trước và sau khi đi công tác trong vòng 3 ngày (72 giờ) tính đến thời điểm đi công tác hoặc quay lại đơn vị hoặc theo các quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.

Liên quan tới việc kiểm soát người ra vào, các đơn vị phải tạo mã QR điểm kiểm dịch.

Trường hợp người ra vào không thể thực hiện việc quét mã QR, thì đơn vị bố trí nhân viên kiểm soát có điện thoại thông minh cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone/NCOVI) để thực hiện quét mã QR trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT/thẻ căn cước công dân hoặc được sinh ra bởi hệ thống phần mềm của người ra vào.

Tại khu vực cửa vào của đơn vị tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động, khách đến làm việc phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí đầy đủ nước sát khuẩn tay; bố trí khu vực vào đơn vị có kẻ vạch giãn cách giữa các khách theo quy định; kiểm soát và quản lý Thẻ khách vào đơn vị; có biện pháp kiểm soát mật độ người vào đơn vị đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Trường hợp có nhiều đơn vị khác nhau trong cùng tòa nhà làm việc, người đứng đầu đơn vị hoặc Trưởng ban quản lý tòa nhà chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết; bố trí khu vực khai báo y tế, trang bị các bàn máy tính, ki-ốt, máy quét mã QR (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên kiểm soát (có điện thoại thông minh) người ra vào tại các vị trí ra, vào các toà nhà.

Bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/khách có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... hoặc F0, hoặc F1, hoặc F2 khi đang làm việc tại đơn vị.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn cần lắp đặt camera tại các khu vực công cộng có nguy cơ (trừ các khu vực nhà tắm, vệ sinh, khu vực thay đồ ...), đặc biệt là khu vực quét mã QR điểm kiểm dịch để theo dõi, giám sát và nhắc nhở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với đơn vị có bộ phận tiếp đón, làm việc với khách (lễ tân, bộ phận một cửa, giải quyết thủ tục hành chính, ngân hàng, kho bạc ...) phải thực hiện 5K, đặc biệt đeo khẩu trang, giãn cách, lắp đặt vách ngăn (nếu có thể).

Khuyến khích giảm số người làm việc tại đơn vị, tăng cường làm việc, họp trực tuyến, làm việc tại nhà, làm việc từ xa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.