Thị trường

Doanh nghiệp Việt Nam thâm hụt quá trời!

30/11/2021, 18:57

Đây là đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa trước bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trước nguy cơ lạm phát.

Đương đầu ngay từ bây giờ

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho biết, trước bối cảnh lạm phát thế giới tăng mạnh do tăng giá hàng hoá, Việt Nam đang đứng trước hai nguy cơ. Đó là, nếu bây giờ kích thích mạnh thì đi ngược dòng khi các nước đã hạ nhiệt, “rút củi đáy nồi” thì ta lại tăng nhiệt, cho thêm “củi”. Và thứ hai là Việt Nam chịu lạm phát chi phí đẩy lớn.

img

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ lạm phát dài hạn tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Ông Nghĩa phân tích, phần lớn thặng dư thương mại là do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại, và những đóng góp này sẽ tính trực tiếp vào GDP. “Còn lại, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều thâm hụt, thậm thụt quá trời. Chi phí đẩy này ảnh hưởng tới doanh nghiệp ghê gớm”, ông Nghĩa nói.

“Chúng tôi đã tính toán, 11 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay thì cả 11 mặt hàng đều đã tăng giá mạnh, ngay cả thức ăn gia súc”, ông Nghĩa nói và cho rằng đó là yếu tố tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy nhập khẩu lạm phát trong khi Việt Nam chưa có lạm phát cầu kéo.

Chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam tới nay mới chỉ 0,8%, tuy nhiên TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát chi phí đẩy cả lạm phát cầu kéo tại Việt Nam trong dài hạn kể cả khi kinh tế các nước tăng theo hình chữ V.

“Vấn đề lớn nhất lúc đó sẽ là tỷ giá hối đoái. Các nước phá giá tiền tệ, Việt Nam có phá không? Việt Nam phá giá VND cũng "chết", mà không phá cũng "chết”, ông Nghĩa nói. Lúc đó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Do đó, ông Nghĩa đề xuất ngay từ lúc này phải hỗ trợ nhanh cho doanh nghiệp để phục hồi sau tác động của Covid-19. “Gói hỗ trợ cho doanh nghiệp không được vài chục thì cũng phải được vài phần trăm GDP giúp doanh nghiệp phục hồi ngay trong ngắn hạn, hỗ trợ lực lượng lao động, đẩy mạnh sản xuất”, ông Nghĩa đề xuất.

Về biện phát dài hạn, ông Nghĩa cho hay, dù Việt Nam có đi vay các nước để phục hồi sản xuất thì tiền đó cũng là tiền được các nước in ra trong thời gian vừa qua.

Và chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đây sẽ là vấn đề trong dài hạn của kinh tế vĩ mô Việt Nam và Việt Nam phải đương đầu ngay từ bây giờ.

Lạm phát 2021 thấp, không vượt 4%

Liên hệ với chính sách tiền tệ, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) trong một toạ đàm về phục hồi kinh tế ngày 30/11 cho biết, năm 2020 Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh chính sách tiền tệ và lãi suất điều hành. Năm 2021, lãi suất ổn định và giảm thêm 0,5-0,7% so với 2020.

“Nếu cộng với mức giảm 1% của năm 2020 thì lãi suất đã giảm lớn”, bà Hằng nói.

“Với bối cảnh lạm phát 2021, tiếp tục hạ lãi suất thời gian tới là không khả thi, có thể gây ra xáo trộn lớn cho tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Bà Hằng nhìn nhận, thời gian qua, lạm phát thế giới tăng nhanh, nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ khiến áp lực điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới nhìn từ tác động bên ngoài vào là có. Bởi Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm nội địa là 200% nên chịu áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu.

“Năm 2021, với dư địa chính sách tiền tệ, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% là có thể đạt được. Nhưng sang năm 2022, nguy cơ rủi ro lạm phát là không thể chủ quan”, bà Hằng nói.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, lạm phát năm 2022 đối mặt với nhiều áp lực kết hợp từ cả yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy là: Xu hướng tăng của giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới; Khả năng phục hồi của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc và gia cầm tươi sống trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao; Chuỗi cung ứng trong nước và thế giới phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh; Kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả.

Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng vẫn có một số yếu tố có thể làm giảm áp lực lạm phát như sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, kinh tế phục hồi chậm và dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tác động tiêu cực lên sản xuất, tiêu dùng.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%.

Tổng cục Thống kê cho biết, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 11 tháng năm 2021 trong đó có giá xăng dầu chiếm chủ đạo. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 11 tháng tăng 30,32%, tác động mạnh tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và người dân.

Ngoài xăng, dầu, đến nay giá của nhiều hàng hoá khác cũng tăng mạnh, ảnh hưởng tời đời sống người dân: Giá gas tăng 25,34%; Giá gạo tăng 6,01%; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,8%; Giá dịch vụ giáo dục tăng 2,44%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.