Thời sự

Đổi mới làm thay đổi vận mệnh đất nước

08/02/2016, 09:02

Thực tế chứng minh chúng ta không chỉ biết đánh giặc, mà còn biết làm kinh tế, dám đổi mới để tiến lên.

4
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư

“Sau 30 năm đổi mới, so với chính mình thì chúng ta đã có bước tiến đáng kể, nhưng so với nhiều nước thì dường như chúng ta lại tụt hậu, bởi cũng trong khoảng thời gian ấy, các nước tiến xa hơn ta nhiều”, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư trao đổi với Báo Giao thông khi nhìn lại những thành quả của 30 năm đổi mới đất nước.

Phải tiếp tục đổi mới nếu không muốn tụt hậu

Thưa ông, năm 2016, đánh dấu 30 năm đất nước đổi mới. Nhìn lại quá trình ấy, ông suy nghĩ như thế nào?

Trước hết phải nhìn nhận khách quan rằng, so với thời kỳ trước đổi mới, 30 năm sau chúng ta đã khác nhiều, làm được không ít việc. Thực tế chứng minh chúng ta không chỉ biết đánh giặc, mà còn biết làm kinh tế, dám đổi mới để tiến lên.

"Để quản trị một quốc gia phát triển được thì chúng ta phải hết sức khiêm tốn, nhìn ra thế giới với tinh thần cầu thị. Từ nay, nên đặt ra sự so sánh với các nước, thấy mình có tụt hậu hay không để vươn lên. Nếu không thấy tụt hậu sẽ không bao giờ khắc phục được."

Ông Vũ Ngọc Hoàng
Phó trưởng ban Thường trực
Ban Tuyên giáo T.Ư

Không ai có thể quên nỗi ám ảnh về thiếu ăn, thiếu mặc, phải sống dựa vào viện trợ từ các nước trong phe xã hội chủ nghĩa thời điểm trước năm 1986. Và rồi, những nguồn viện trợ ấy không còn, tình thế “tồn tại hay sụp đổ” đã buộc chúng ta phải vượt qua chính mình, vượt qua giáo điều, bảo thủ để “cởi trói” cho nền kinh tế. Điều đó cho thấy tình thế đã bắt buộc chúng ta phải đổi mới, chứ chưa phải chúng ta đổi mới xuất phát từ tư duy khoa học đầy đủ và sâu sắc. Nhưng dù sao như thế vẫn tốt hơn, bởi quyết định sáng suốt chuyển đổi từ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường đã mang lại sự thay đổi lớn cho một đất nước.

Tôi nghĩ rằng, nếu 30 năm qua không đổi mới thì không biết bây giờ đất nước đang ở đâu. Nhìn lại tới thời điểm này, có thể khẳng định, cuộc đổi mới năm 1986 với sự lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa rất lớn, quyết định và thay đổi vận mệnh đất nước.

Trong 20 năm đầu đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-9%, nhưng 10 năm qua chỉ đạt 5-6%, thấp hơn nhiều so với tiềm năng phát triển của đất nước. Theo ông, tại sao có sự “chững lại” như vậy?

Có một số nguyên nhân mà chúng ta phải suy nghĩ.

Một là giai đoạn trước, trong 20 năm đầu, nền kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Đến sau này, việc phát triển theo chiều rộng bị giới hạn lại, đặt ra yêu cầu phải chuyển sang phát triển theo chiều sâu, mà việc này khó hơn phát triển theo chiều rộng.

Tình hình kinh tế thế giới và khu vực có khủng hoảng nên cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng ta, tuy nhiên, cái đáng lưu ý hơn cả lại thuộc về nguyên nhân chủ quan. Đó là yếu kém của chúng ta trong quản lý nền kinh tế, trong quản trị quốc gia và các doanh nghiệp, để thất thoát nhiều, hiệu quả đầu tư kém, xảy ra tham nhũng, lãng phí lớn.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế chững lại còn do chúng ta áp dụng cơ chế kinh tế thị trường nhưng còn rất “ngập ngừng”. Chưa đi đến cùng với cơ chế kinh tế thị trường mà mới đi được nửa đường, dừng lại và lúng túng trong việc đi tiếp.

Trong thể chế kinh tế cũng có nhiều vấn đề chưa hợp lý, phân quyền và kiểm soát quyền lực trong điều hành kinh tế, phân bổ nguồn lực như thế nào cho tốt, vẫn còn nhiều khiếm khuyết...

5
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những tuyến đường quan trọng mà ngành GTVT đã làm được trong những năm qua, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước - Ảnh: Tạ Tôn

Muốn phát triển, phải tiếp tục đổi mới

Bên cạnh những thành quả đã đạt được sau 30 năm nỗ lực đổi mới, còn vấn đề gì chúng ta chưa làm được, thưa ông?

Sau 30 năm, so với chính mình thì chúng ta đã có bước tiến lên, nhưng so với nhiều nước thì dường như chúng ta lại tụt hậu, bởi cũng trong khoảng thời gian ấy, các nước tiến xa hơn ta nhiều.

Theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu tiếp tục phát triển như thế này thì phải mất thêm nhiều chục năm nữa chúng ta mới có thể được như các nước bây giờ, mà trong thời gian đó, họ sẽ không đứng yên chờ ta, họ sẽ vẫn tiến lên theo đà phát triển mà họ đã đạt được, tiếp tục bỏ xa ta với khoảng cách có thể dài hơn nữa. Có nghĩa, nếu không tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, đổi mới một cách căn bản, thì chúng ta sẽ lại tụt hậu xa hơn nữa.

Nền kinh tế của chúng ta còn chứa đựng những yếu tố bất ổn, năng suất lao động xã hội và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn quá thấp, hiệu quả đầu tư kém, thất thoát nhiều do quản lý kém, tham nhũng và “lợi ích nhóm” nhiều.

Chúng ta đang rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình, có ý kiến còn cho là “bẫy” thu nhập trung bình thấp. Thế nên, nếu vẫn với cách quản trị cũ thì rất khó thoát khỏi cái “bẫy” này. Vì thế, cần đổi mới quyết liệt và trí tuệ hơn để có thể phát triển theo chiều sâu, trong đó, chú trọng vấn đề khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp thật sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Vậy theo ông, tới đây chúng ta phải có phương hướng tiếp tục đổi mới như thế nào, đặc biệt là đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng?

Nền kinh tế thị trường của ta mới đi nửa đường nên phải đi tiếp, đi đến cùng. Chúng ta phải vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình thấp và không được để sự phân hóa giàu - nghèo bất hợp lý. Bên cạnh đó, cần tích cực tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên những ngành có giá trị gia tăng cao, cải cách quản lý và nâng cao trình độ và năng lực quản trị quốc gia.

Đảng đã có chủ trương phải đổi mới phương thức lãnh đạo, nhưng thực tế chưa đổi mới được bao nhiêu, chưa theo kịp yêu cầu. Cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, tăng cường các cơ chế thực hành dân chủ rộng rãi và minh bạch thông tin để từ đó hạn chế tham nhũng, hạn chế lợi ích nhóm.

Hạ tầng giao thông phát triển nhanh, thúc đẩy kinh tế

Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định ba đột phá chiến lược gồm: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Cho đến nay, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện những đột phá chiến lược này?

Trong ba đột phá này, kết quả thực hiện mục tiêu đổi mới về thể chế cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tôi là chưa có kết quả đáng kể. Cái khá hơn là phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, khá hơn cả là giao thông đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều tuyến giao thông có ý nghĩa cho sự phát triển lâu dài. Tốc độ phát triển so với các năm trước trong lĩnh vực này đã nhanh hơn. Không thể phủ nhận rằng, ngành GTVT đã có cố gắng đáng kể và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Vừa qua, nhiều ý kiến đánh giá tốt việc lần đầu tiên thực hiện một dự án xây dựng công trình giao thông có dư vốn (Dự án nâng cấp, cải tạo QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên - PV). Đây là việc mà từ trước đến nay ít có. Hoàn thành yêu cầu khối lượng và chất lượng như kế hoạch, còn dư tiền nộp lại ngân sách là quản lý tốt.

Ông là người vốn rất tâm huyết với chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia? Điều gì hiện nay thuộc vấn đề nhân lực khiến ông trăn trở nhất?

Nền kinh tế của chúng ta phải phát triển theo chiều sâu nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, mà nguồn nhân lực này hiện còn rất thiếu. Kể cả bộ phận quản lý và lãnh đạo điều hành.

Vai trò của những người có vị trí quyết định rất quan trọng, tôi chưa thấy chúng ta có nhiều người giỏi về quản lý, bởi nếu có thì tình hình đất nước đã khác.

Muốn nâng cao nguồn nhân lực phải có đổi mới giáo dục một cách căn bản. 5 năm qua, đến giữa nhiệm kỳ chúng ta mới ra được nghị quyết về đổi mới giáo dục, nhưng đến nay, loay hoay hết nhiệm kỳ mà việc triển khai thực hiện nghị quyết chưa đến đâu, mới chỉ thực hiện một số bước đi đầu tiên và những bước đi ấy lại có cái đúng, cái chưa chuẩn. Với những bước đi ấy, cho đến bây giờ, chưa có đủ cơ sở để tin rằng sẽ nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực.

Lâu nay, chúng ta mới chỉ lo sinh viên ra trường xin được việc làm, chứ chưa nghĩ làm sao để đào tạo được đội ngũ sau khi ra trường sẽ biết tự tạo công ăn việc làm cho mình và cho người khác. Đổi mới giáo dục phải tạo ra những con người có tinh thần và khả năng lập nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.