Thế giới giao thông

Đội tàu “ma” uy hiếp an toàn hàng hải quốc tế

24/09/2023, 08:35

Để lách các lệnh trừng phạt, những đội tàu "ma" hình thành, âm thầm vận chuyển dầu từ một số quốc gia bị cấm vận đến nơi có nhu cầu.

Những tàu này mỗi lần bị phát hiện sẽ đổi tên, đổi cờ để di chuyển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.

Mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường

Một buổi chiều 1/5, ở ngoài khơi Malaysia, thủy thủ Oleksandr Lepyoshkin trên con tàu cũ chở dầu mang tên Pablo bước vào cabin phát hiện đầy khói. Liền đó, con tàu rung chuyển vì hàng loạt tiếng nổ, ngọn lửa lớn bao trùm.

Hơn 4 tháng sau, xác tàu Pablo vẫn nằm trơ ngoài khơi. Dù Malaysia đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm thủy thủ đoàn nhưng 3 trong số 28 thủy thủ trên tàu vẫn mất tích. Vụ việc trên là hồi chuông báo động về tình trạng những đội tàu chở dầu "ma" đang ngày càng gia tăng.

photo-1695305025603

Tàu Pablo cháy lớn, lênh đênh giữa biển, không rõ số phận.

Theo tờ Guardian (Anh), đội tàu "ma" là thuật ngữ được báo giới phương Tây dùng để chỉ những phương tiện vận chuyển các lô dầu bị trừng phạt. Loại tàu này thường là tàu cũ, hết thời hạn sử dụng, không tuân thủ quy định của ngành vận tải biển, liên tục thay đổi cờ, chủ sở hữu và không có bảo hiểm. Đứng sau là những công ty vỏ bọc.

Với tàu bình thường, chính chủ, trong trường hợp gặp sự cố đến mức không thể sửa chữa, công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm phá dỡ. Nhưng với những tàu "ma", chẳng có ai chịu trách nhiệm, dù cháy rụi.

Các chuyên gia cảnh báo, những con tàu như vậy sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường cũng như tính mạng của những người liên quan.

Dù vậy, hoạt động buôn bán trái phép của mạng lưới tàu "ma" ngày càng phát triển về quy mô và số lượng, để có thể âm thầm thực hiện những hành trình xuyên qua điểm nóng địa chính trị của thế giới, từ các mỏ dầu của Iran đến tiền tuyến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Chiêu thức né lệnh trừng phạt

Ít người biết, 5 năm trước, tàu Pablo suýt được bán phế liệu vì hết thời hạn sử dụng sau 21 năm vận hành.

Nhưng việc phá tàu đã bị hủy do nhu cầu tàu chở dầu cũ tăng đột ngột nhất là từ thời điểm năm 2018.

photo-1695305026269

Hoạt động tìm kiếm cứu nạn các thủy thủ trên tàu Pablo.

Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã rút nước này ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, tái áp dụng các lệnh trừng phạt, hạn chế doanh số bán dầu của Iran.

Iran là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và hoạt động xuất khẩu dầu là nguồn thu quan trọng.

Từ đây, một đội tàu "ma" đã được sử dụng để tham gia vận chuyển hàng triệu thùng dầu đi khắp thế giới và thường bán với giá chiết khấu. Kể từ đây, hạm đội tàu "ma" này ngày càng lớn mạnh.

Trong bản đánh giá về an toàn và vận chuyển năm 2023, Công ty bảo hiểm Allianz cho rằng, khi danh sách trừng phạt ngày càng dài, số lượng tàu chở dầu chui cũng tăng lên đến hơn 600 chiếc, tương đương gần 1/5 tổng số tàu chở dầu thô toàn cầu.

Theo bà Claire Jungman, Chánh văn phòng Nhóm giám sát của Mỹ ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân (UANI): "Chúng tôi có danh sách 50 tàu chở dầu thường xuyên vận chuyển dầu của Iran và Pablo là một trong số đó".

Bà Jungman thường xuyên theo dõi tới 300 tàu chở dầu vi phạm lệnh trừng phạt trên toàn thế giới. Sau khi đội của bà xác định được một con tàu, họ thường thông báo cho quốc gia con tàu này đang treo cờ với hy vọng họ sẽ hành động.

Vào tháng 6/2021, tàu Pablo được biết đến với cái tên Adisa và mang cờ của Cameroon.

Sau khi UANI thông báo cho Cameroon về hoạt động của tàu, lá cờ đó đã bị thu hồi. Nhưng chỉ vài tháng sau, con tàu này lại ra khơi dưới cái tên mới - Helios - với lá cờ của Quần đảo Cook. Khi UANI cung cấp bằng chứng về các giao dịch bị trừng phạt, lá cờ này tiếp tục bị thu hồi.

Tới ngày 4/4 vừa qua, con tàu này lại được "khai sinh" tại Gabon với cái tên mới - Pablo. Khi UANI liên hệ, tuy Bộ Hàng hải Gabon cho biết, đã tiến hành thẩm định và nhận được thư từ chủ tàu cam kết sẽ tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên hợp quốc và EU nhưng sau đó tàu Pablo vẫn ra khơi dưới lá cờ của Gabon. Theo tính toán, Pablo vận chuyển khoảng 15,9 triệu thùng dầu kể từ năm 2018.

Ông Jan Stockbruegger chuyên gia an ninh hàng hải từ Đại học Copenhagen cho biết: "Sở dĩ nhiều tàu được đăng ký ở các nước nhỏ là vì các cơ quan ở nước này không có quy chuẩn đầy đủ để kiểm tra. Các tàu cũng không phải đóng thuế, chỉ phải trả phí trước bạ và các cơ quan chức năng của họ cũng không kiểm tra xem tàu đang làm gì".

Bản thân các thủy thủ đoàn làm việc trên những con tàu này cũng thường đến từ những nơi nghèo khó và có thể không biết những thông tin cần thiết.

Bên cạnh đó, các tàu chở dầu từ Iran hoặc Venezuela sẽ gặp các tàu khác ở gần các tuyến đường vận chuyển đông đúc trong khu vực và thực hiện việc chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác. Dầu trên tàu mới sau đó sẽ được dán nhãn là có nguồn gốc hợp lệ và được gửi đi bán ở nơi khác.

Hệ lụy nghiêm trọng

Theo bà Jungman, quá trình vận chuyển dầu như vậy rất nguy hiểm bởi khi thực hiện, các tàu này thường không tuân thủ các quy định. Trong điều kiện thời tiết xấu và với thiết bị cũ, rủi ro sẽ cao hơn.

Không dừng ở vấn đề môi trường, các chuyên gia còn cảnh báo hệ lụy về kinh tế, nếu xảy ra tràn dầu ở eo biển Malacca… hoạt động vận tải biển sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng rất xấu cho nền kinh tế thế giới.

Theo ông Justus Heinrich, chuyên gia của Công ty bảo hiểm Allianz Global Corporate & Specialty, đội tàu cũ tiềm ẩn nhiều hệ lụy về môi trường, kinh tế và con người.

"Thực tế, đã có nhiều báo cáo cho thấy xảy ra ít nhất 8 vụ mắc cạn, va chạm hoặc suýt va chạm liên quan đến tàu chở các sản phẩm dầu bị trừng phạt vào năm 2022", ông Heinrich nói và đánh giá tình trạng gia tăng số lượng các loại "tàu ma" là một diễn biến đáng lo ngại, đe dọa đội tàu hợp pháp của thế giới và cả môi trường.

Cục Hàng hải Malaysia cho biết, giới chức nước này liên tục thắt chặt việc thực thi luật pháp ở vùng biển ngoài khơi Malaysia, bao gồm hạn chế các hoạt động trái phép như vận chuyển dầu bất hợp pháp, neo đậu trái phép và các hoạt động khác.

Tuy nhiên, trong luật biển vẫn có quy định đảm bảo quyền tự do hàng hải, ngay cả đối với những tàu vi phạm lệnh trừng phạt.

Bên cạnh đó, theo ông Stockbruegger, giao thông qua eo biển Malacca rất đông đúc nên rất khó để xác định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.