Chất lượng sống

“Đồng Lộc - Khúc tráng ca bất tử” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

20/07/2018, 06:10

Những lời nói của Đại tướng kính yêu Võ Nguyên Giáp nói về Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên.

1

Biểu tượng Ngã ba Đồng Lộc được CBCNV ngành GTVT đóng góp xây dựng từ cuối những năm 80 - Ảnh: Đức Hùng

Trở lại Hà Tĩnh những ngày tháng 7 tri ân nhân kỷ niệm “50 năm chiến thắng Đồng Lộc”, tôi hồi tưởng đủ điều và đặc biệt lưu tâm về những lời Đại tướng nói về Đồng Lộc, tìm đến cây đa, cây ngọc lan Đại tướng gửi về trồng trên mảnh đất thấm đẫm máu xương của hàng vạn TNXP hy sinh bảo vệ huyết mạch đường Trường Sơn huyền thoại.

Cuộc gặp mặt cảm động

Sau chiến dịch Mậu Thân, địch huy động tổng lực đánh phá hủy diệt Ngã ba Đồng Lộc, ngăn bước chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Trung ương tăng cường vào Đồng Lộc Trung đoàn 210 pháo cao xạ. Trước đó, giặc đổi chiến lược dùng máy bay bay tầm thấp, dưới làn đạn pháo, ném bom phá hoại các cung đường và cầu cống. Một nữ dân quân đã tìm ra quy luật bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường nơi cửa ngõ phía Nam Đồng Lộc.

Quân ủy T.Ư tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm tại chỗ. Cô gái ấy lên kể lại sự việc khá đơn giản nhưng ly kỳ. Đại tướng khen: “Cháu rất giỏi. Cháu là một nhà triết học vì đã biết dùng và hiểu chữ “quy luật” và rút ra “quy luật” để bắn rơi máy bay tầm thấp bằng súng trường, làm gương cho cả nước”. Đại tướng đã về báo cáo lại với Bác Hồ gương điển hình này, Bác đề nghị phải khen thưởng cô gái ấy. Nhưng rồi do chiến tranh bề bộn, việc khen thưởng còn bỏ sót….

Ở Đồng Lộc, chỉ tính từ tháng 4 - 10/1968 địch ném xuống đây 42.990 quả bom, trung bình 1m2 chịu 3 quả. Trong khoảng 180 ngày bao anh hùng liệt sĩ đã hi sinh. Chỉ riêng Trung đoàn 210 cao xạ có 122 liệt sĩ ngã xuống ở Đồng Lộc. Lực lượng TXNP và công nhân giao thông cũng đã có hàng trăm người ngã xuống.

Năm 2003, khi địa danh Ngã ba Đồng Lộc trở thành Khu di tích TNXP cả nước đang gấp rút xây dựng, anh Đậu Văn Côi, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin thêm ý kiến. Đại tướng gợi lại nhiều kỷ niệm về Đồng Lộc trong đó có câu chuyện nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên bằng súng trường. Đại tướng nhờ anh Côi về Hà Tĩnh tìm giúp. Năm 2003, đăng lên Báo Hà Tĩnh nhiều kỳ và triển khai khắp các tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ vẫn vô vọng. Năm 2004 lại khởi hành.

Thời ấy tôi là phóng viên Báo Tiền phong thường trú tại Hà Tĩnh tìm được nhân vật mà Đại tướng luôn quan tâm: đó là chị Ngô Thị Thương, SN 1947 ở Thừa Thiên - Huế. Năm 1954, chị theo cha tập kết ra Bắc và lớn lên ở Hà Tĩnh, lập công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. Sau ngày đất nước thống nhất chị trở về quê hương. Tôi đã tìm được chị ở Thừa Thiên - Huế. Sự việc được thông tin trên Báo Tiền phong thời ấy.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên 1954 - 2004, ngày 26/4/2004 vị Tổng Tư lệnh tối cao cho mời o dân quân năm xưa cùng anh Đậu Văn Côi và tôi về Văn phòng Đại tướng. Cuộc gặp mặt cảm động nhắc lại nhiều kỷ niệm xưa về Đồng Lộc diễn ra đã hơn 1/3 thế kỷ. Với giọng ngậm ngùi xúc động, Đại tướng kể: “Tôi nhớ mãi một lần năm 1968 đi qua Ngã ba Đồng Lộc gặp các nữ TNXP đang hăng say làm việc trong đêm... Và không ngờ ít ngày sau tôi nhận được tin chính thức, các cháu gái hôm đó đã hy sinh trong trận đánh ngày 24/7/1968. Tấm gương nghĩa liệt của 10 nữ TNXP làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công”.

2

Cây Ngọc lan do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng trồng tại di tích Ngã ba Đồng Lộc

Bóng Đa che nắng, Ngọc Lan tỏa hương

Lần thứ 2 vào dịp tháng 5/2008, nhân 60 năm ngày Bác Hồ phong quân hàm Đại tướng cho vị Tổng chỉ huy lực lượng QĐND Việt Nam (28/5/1948 - 28/5/2008) chúng tôi ra chúc mừng Đại tướng, biết thêm nhiều chuyện vui. Hôm sau, chiều 29/5/2008, đoàn cán bộ Hà Tĩnh do ông Hà Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên là Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, “Tư lệnh” của tuổi trẻ Hà Tĩnh Anh hùng thời kỳ đầu khởi công tôn tạo và xây dựng Khu di tích TNXP cả nước dẫn đầu đến thăm Đại tướng và tiếp nhận cây đa, cây ngọc lan.

Thật kỳ lạ, từ sáng đến khoảng 15h ngày 29/5 trời Hà Nội nắng nóng. Trong lúc chờ trước vườn nhà Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, chúng tôi phải tìm bóng râm tránh nắng. Vậy mà khi cây đa và ngọc lan được chuyển ra làm lễ bàn giao… trời bắt đầu đổ mưa. Lạ thay, trời chỉ mưa một vùng xung quanh nhà số 30 Hoàng Diệu. Khi cánh cửa mở, Đại tướng cùng phu nhân đi ra. Đại tướng bước đến nói: “Tôi và chị Hà cùng gia đình tặng Ngã ba Đồng Lộc cây đa và cây ngọc lan này. Tôi mong các đồng chí đem về trồng và chăm sóc để cây đa, cây ngọc lan trường tồn xanh tươi nảy lộc ở ngã ba di tích lịch sử… tỏ lòng biết ơn của bản thân và gia đình đối với các liệt sỹ Ngã ba Đồng Lộc… Bóng của cây đa che nắng cho những người đã hy sinh vì nước. Che bóng cho những người đi làm đồng về và những người đến viếng thăm Đồng Lộc. Hoa ngọc lan tỏa hương cho muôn người…”.

Chiều 30/5/2008, được sự ủy quyền của gia đình Đại tướng, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND cùng một số lãnh đạo tỉnh, bà con Hà Tĩnh đã đến chung tay trồng cây đa và cây ngọc lan vào Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Thêm một điều kỳ diệu, cả đợt nắng nóng đang kéo dài, chiều ấy có gió mùa Đông Bắc bổ sung, nhiều cơn mưa trong đêm rải rác kéo dài đến sáng. Giữa mùa hè nơi gió Lào nắng lửa vậy mà suốt cả tuần, sau khi 2 cây của Đại tướng được trồng ở Ngã ba Đồng Lộc, thời tiết Hà Tĩnh luôn dịu mát, chiều nào cũng có một trận mưa.

Đến nay kỷ niệm “50 năm chiến thắng Đồng Lộc”, cây đa và cây ngọc lan đã 10 tuổi và Đại tướng đi về cõi vĩnh hằng đã 5 năm. Mỗi lần về Ngã ba Đồng Lộc, trong nhiều điều cần làm tôi luôn đến thăm cây đa và cây ngọc lan của Đại tướng.

Nếu ai chưa chú ý đến 2 cây này, tôi xin nói rõ thêm: Từ cổng lên khu mộ 10 nữ Anh hùng quay mặt nhìn về phía Đông nơi bức tường đá cao chưa đến 1m ghi lời của Đại tướng bên gốc cây đa và cây ngọc lan… Và nơi ấy cũng là nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã đứng nói câu cuối cùng “Kính chào hậu phương - chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày tôi trở về Thủ đô yêu quí của lòng tôi. Ngày 3/6/1972. Ngã ba Đồng Lộc” để hành quân vào Nam. Anh Nguyễn Văn Thạc đã hi sinh vì Tổ quốc. Đất nước thống nhất. Lời nói ấy đã ghi vào trang 272 cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi” Nhật ký Nguyễn Văn Thạc và mãi mãi ghi vào lòng các thế hệ Việt Nam.

Báo Giao thông vận tải vận động xây công trình biểu tượng Ngã ba Đồng Lộc

Chiều 24/7/1968, trong một thời khắc, một quả bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 10 cô gái TNXP thuộc Tổng đội TNXP 55 trong khi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, vì sự sống của con đường ra tiền tuyến ở Ngã ba Đồng Lộc.

Để bày tỏ lòng thương tiếc, tưởng nhớ và biết ơn 10 cô gái TNXP cùng những người đã chiến đấu hy sinh nơi Ngã ba Đồng Lộc, vào những năm cuối 80 của thế kỷ trước, Báo Giao thông vận tải đã đề xuất và phối hợp với Công đoàn GTVT Việt Nam (lúc đó do anh Nguyễn Thục làm Chủ tịch) vận động các đơn vị và cá nhân trong ngành đóng góp để xây dựng Biểu tượng Ngã ba Đồng Lộc. Thời ấy, tình hình sản xuất, thu nhập và đời sống của các đơn vị, cán bộ, công nhân còn nhiều khó khăn, nhưng với tình nghĩa đồng đội và đồng nghiệp, “của ít lòng nhiều”, nên cũng đã nhiệt tình hưởng ứng.

Báo Giao thông vận tải đã thực hiện công khai đăng trên báo kịp thời những cá nhân, đơn vị và số tiền đóng góp, cùng lời cảm ơn trân trọng cho đến khi kết thúc vận động và công bố kết quả. Cũng vào dịp này, anh Trần Y - Phó TGĐ Liên hiệp các XNXDGT6 (nay là CIENCO6) đã sáng tác bài ca “Những đóa hoa Đồng Lộc” và được đăng trên báo. Có lẽ, đây cũng là bài hát đầu tiên tri ân 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc.

Biểu tượng Ngã ba Đồng Lộc do Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh thiết kế, có sự tham gia thống nhất của UBND huyện Can Lộc và lãnh đạo Báo Giao thông vận tải. Địa điểm xây dựng Biểu tượng đúng giữa vị trí trung tâm Ngã ba Đồng Lộc. Biểu tượng có ba mặt hướng về hai phía ra Bắc, vào Nam của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và hướng còn lại là đường ngang nối sang QL1A tại thị trấn Nghèn - một trong những địa danh của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lịch sử năm 1930-1931.

Biểu tượng Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng và hoàn thành khi nơi đây còn rất hoang sơ, xung quanh là đồi trọc và chằng chịt hố bom đạn của một thời chiến tranh ác liệt để lại. Khu mộ và bia tưởng niệm 10 Anh hùng liệt sỹ TNXP cũng được xây cất rất đơn giản, bên cạnh hố bom đã cướp đi tuổi thanh xuân của họ.

Được biết, đến đầu năm 1994, Bí thư Trung ương Đoàn Hồ Đức Việt và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Trần Đình Hoan mới ký Tờ trình xây dựng khu tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc gửi lên Thủ tướng Chính phủ và cũng mất khoảng 5 năm để thiết kế, hoàn thiện phương án.

Bây giờ, Ngã ba Đồng Lộc là Khu di tích quốc gia với tượng đài, nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống, tháp chuông, đền thờ, khu đón khách… khang trang và to đẹp.

Kỷ niệm nửa thế kỷ Chiến thắng Đồng Lộc cũng là ngày giỗ lần thứ 50 của 10 nữ Anh hùng liệt sỹ TNXP, chúng ta như cảm nhận Tháp chuông Đồng Lộc ngân vang, thôi thúc mỗi người sống tốt hơn, với tấm lòng tri ân, cảm phục và tưởng nhớ các liệt sỹ. Chúng ta cũng không quên Biểu tượng Ngã ba Đồng Lộc của ngành GTVT, tuy với qui mô nhỏ, song đây là dấu ấn công trình đầu tiên tại Khu di tích lịch sử quốc gia này. Đúng như lời khắc ghi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ngã ba Đồng Lộc, một chiến công chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng của con đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác, mãi mãi trường tồn với non sông đất nước!”.

Ngô Đức Nguyên

Tháng 7/2018

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.