Hạ tầng

Đông Trù, Nhật Tân... đang từng ngày thay đổi diện mạo thủ đô

09/10/2014, 09:36

Hàng loạt công trình giao thông lớn với kết cấu hiện đại, tính mỹ thuật cao đã và đang làm thay đổi bộ mặt Thủ đô...

Người dân Thủ đô đang náo nức chờ ngày cầu Nhật Tân khánh thành và đưa vào sử dụngẢnh: Khánh Linh
Người dân Thủ đô đang náo nức chờ ngày cầu Nhật Tân khánh thành và đưa vào sử dụng

Nhiều công trình hiện đại

Những ngày này, người dân Thủ đô đang chờ đợi từng ngày cầu Nhật Tân - cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng được đưa vào sử dụng. Cây cầu dây văng hiện đại nhất Việt Nam được khởi công xây dựng ngay sau thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc dự án cầu Nhật Tân cho biết, cầu có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng, kết cấu chính theo dạng dây văng với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng. Cây cầu được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn cho cảnh quan trên sông Hồng bằng kiểu dáng kiến trúc đẹp. Cầu Nhật Tân được triển khai đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội.

Ngoài cầu Nhật Tân, hôm nay (9/10), Hà Nội chính thức khánh thành cầu Đông Trù, một cây cầu hiện đại và có tính mỹ thuật cao. Cầu bắc qua sông Đuống, nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh, giúp giải tỏa ùn ứ giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh Tây và Tây Bắc Hà Nội. Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn khẳng định: “Công trình này là hạng mục quan trọng nhất thuộc dự án Đường 5 kéo dài, là một trong 37 công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Cây cầu áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam”.

Trước đây, Hà Nội chỉ có 5 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy và Long Biên, đến nay đã có thêm Nhật Tân, Vĩnh Thịnh với dáng vẻ hiện đại, có tính thẩm mỹ cao.

Trở lại thời gian hai năm trước, ngày 21/10/2012, đường Vành đai 3 Hà Nội, tuyến giao thông đô thị trên cao đầu tiên của cả nước được đưa vào khai thác với tiến độ kỷ lục, cả ba gói thầu đều vượt tiến độ từ 5 - 15 tháng. Với cấp đường cao tốc lên đến 100km/h, chủ yếu là cầu cạn, kết nối với nhiều tuyến đường và công trình quan trọng như: QL1, cầu Thanh Trì, cầu Thăng Long, đường Láng - Hòa Lạc... Tuyến đường hình thành và đi vào sử dụng đã mở ra một hướng phát triển mới cho giao thông đô thị Hà Nội.

Đặc biệt, việc xây dựng 7 cầu vượt thép tại các nút giao trong nội đô đến thời điểm hiện tại đã phát huy hiệu quả rõ rệt nhằm kéo giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn thành phố. Đây là những công trình được cho là chưa có tiền lệ bởi trước khi xây dựng loại cầu này đã có nhiều ý kiến bàn ra tán vào. Ông Hà Đình Cẩn, nguyên Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) từng tâm sự: “Ai cũng biết, muốn giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các đô thị thì phải xây dựng các nút giao lập thể, khác mức. Đây cũng là điều mà bất cứ ai làm trong lĩnh vực GTVT đều biết nhưng chỉ đến thời kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng mới làm được. Đến nay, tình hình ùn tắc giao thông đã cơ bản được giải quyết, điều đó chứng minh giải pháp trên là rất đúng và trúng”.

Một điểm nhấn nữa về hạ tầng giao thông Hà Nội những năm qua phải kể đến các tuyến cao tốc lớn từ Hà Nội vươn ra các tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm như: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình… Đây chính là những tuyến giao thông như hình nan quạt tỏa đi các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc và kết nối với các vùng kinh tế của cả nước.

Làm thay đổi bộ mặt của Thủ đô

Đánh giá về bộ mặt mới của giao thông Thủ đô, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) khẳng định, trong vòng 3 năm trở lại đây, giao thông Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng hiện đại. Đặc biệt, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến cao tốc dài và hiện đại nhất Việt Nam vừa đưa vào khai thác là một bước đột phá của ngành GTVT, góp phần thúc đẩy quá trình giao thương giữa Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc của Tổ quốc, tạo điều kiện để Hà Nội phát triển KT-XH.

Trong thời gian tới, hàng loạt các công trình giao thông quan trọng khác trên địa bàn Thủ đô như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, dự án đường 5 kéo dài,... được đưa vào khai thác sẽ là động lực to lớn để Thủ đô chuyển mình mạnh mẽ. “Phát triển đường cao tốc là một hướng đi đúng đắn, bởi cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và đi trước một bước thì mới thúc đẩy được kinh tế, xã hội phát triển”, bà An nói.

Ngoài ra, bà An cũng cho rằng, việc Hà Nội đưa vào sử dụng 7 cầu vượt thép tại các nút giao nội đô và các tuyến đường vành đai là một bước đột phá và đem lại hiệu quả cao. “Trước đây, tại các nút giao ngã ba, ngã tư trong thành phố thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc hàng giờ đồng hồ, nhưng hiện nay tình trạng này đã không còn xuất hiện. Đó là một thành công đối với giao thông Thủ đô”, bà An nói.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông nhận định, bộ mặt giao thông của Thủ đô trong vài năm qua khởi sắc rất nhiều so với trước. “Nhiều tuyến đường vành đai và hàng loạt các cây cầu vượt trên cao trong nội đô được xây dựng và đưa vào khai thác,... Điều này đã góp phần giúp cho Thủ đô thông thoáng hơn và giảm hẳn tình trạng ùn tắc giao thông. Đây thực sự là một thành công rực rỡ của ngành Giao thông. Các công trình này đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt của Thủ đô”, ông Thụ nói.

Tiến Mạnh - Đình Quang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.