Xã hội

“Đốt đuốc” tìm sạp báo giấy ở Hà thành

22/06/2023, 06:57

Với những độc giả trung thành, giờ muốn cầm trên tay, lật giở từng trang báo giấy còn thơm mùi mực quả là điều không dễ...

Những độc giả trung thành hiếm hoi

Đều đặn hằng tuần, vào các buổi sáng thứ 3, 4, 5, 6, ông Nguyễn Hữu Hiệp (66 tuổi, trú tại phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có mặt tại sạp báo tại địa chỉ số 1 Hàng Trống, Hà Nội để đón mua tờ báo giấy Sức khỏe đời sống (5.500 đồng/tờ).

img

Không còn nhiều độc giả gắn bó với báo giấy

Kẹp nách tờ báo cung cấp những thông tin hữu ích cho sức khỏe, ông Hiệp không quên ngắm nghía các ấn phẩm báo chí trên sạp, đọc lướt một lượt các tin tức chính trị, xã hội quan trọng khác.

“Tôi nghỉ hưu từ năm 2005 vì lý do sức khỏe, đến nay đã 18 năm. Và cũng bằng ấy thời gian, tôi duy trì thói quen dậy sớm tập thể dục, đi bộ quanh Bờ Hồ xong về mua báo. Con trai tôi nhiều lần bảo mua cho bố chiếc điện thoại thông minh, có thể đọc đủ loại báo chí, tin tức, nhưng tôi từ chối. Phần vì mắt thì đã kém, phần khác tôi đã quen với cảm giác chờ đón, tận tay cầm, giở từng trang báo còn mùi mực in, nhiều bài đọc đi rồi đọc lại”, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Hiệp là một trong số những khách ruột hiếm hoi của sạp báo số 1 Hàng Trống gần 20 năm nay. Tuy nhiên, những độc giả trung thành như ông chỉ đếm trên đầu ngón tay và ngày càng ít đi.

Như ông Ngô Mạnh Hùng, một cán bộ Bệnh viện Quân y 108 đã nghỉ hưu, đã gắn bó với sạp báo này hơn 30 năm, song gần đây đã không còn đều đặn ghé mua mỗi ngày như trước.

Khoảng 6h30 sáng, PV Báo Giao thông có mặt tại số 1 Hàng Trống - sạp báo tọa lạc tại vị trí đắc địa của anh Đặng Hữu Phán. 44 tuổi, anh đã theo nghề bán báo của gia đình hơn 20 năm. Trước đây, sạp báo đặt trước cửa báo Nhân Dân ở số 71 Hàng Trống. Một năm trước, báo thu hồi gian hàng trên, nên anh Phán chuyển sạp báo sang đây.

img

Sạp báo giấy nổi tiếng bên cạnh cổng báo Nhân dân nay thu mình về số 1 phố Hàng Trống

Vừa tranh thủ ăn sáng, vừa thi thoảng lật, xếp lại các đầu báo theo thói quen, anh Phán nhớ lại, vào “khung giờ vàng” này chừng 10 năm về trước, anh vừa chọn báo, nhận, trả lại tiền không ngơi tay. “Thời cao điểm, có ngày tôi bán được gần chục nghìn tờ. Giờ ngày nào bán chạy thì được khoảng 100 tờ”, anh nói, mắt xa xăm.

Cũng như các khách mua báo ngày một thưa vắng, sạp báo của anh Phán cũng chỉ còn lưa thưa hơn chục đầu báo và mỗi đầu báo chỉ xếp chồng mỏng vẹt chừng vài tờ. Trong 2 giờ cà phê, trò chuyện với ông chủ sạp báo, PV ghi nhận chỉ 7 khách ghé mua. Độc giả chủ yếu là người cao tuổi, đã về hưu.

Tại sạp báo Hà Oanh, số 11 Phan Huy Chú (giáp với đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm), trong 30 phút PV có mặt, sạp chỉ bán được cho 2 khách hàng, đều là những người cao tuổi. “Chán lắm em ạ. Mỗi ngày bán được có vài chục tờ”, chị Oanh – người gắn bó với sạp báo này 30 năm nay, than thở.

Khi sạp báo bán… sim thẻ điện thoại là chính

Sạp báo Hà Oanh và sạp báo của anh Phán là 2 trong số những điểm bán lâu đời và nổi tiếng nhất Hà Nội. Đây cũng là 2 sạp báo duy nhất tại Hà Nội được công cụ tìm kiếm google gợi ý khi PV tìm kiếm, tra cứu.

img

Sạp báo giấy Hà Oanh nằm lẻ loi ở số 11 Phan Huy Chú

Khảo sát của Báo Giao thông, ngoài 2 sạp báo nói trên, Hà Nội còn hơn chục sạp báo vẫn phục vụ những độc giả trung thành với loại hình báo chí này. Trong đó có các sạp ở đầu phố Trịnh Hoài Đức, Quán Sứ, Cửa Nam, Hai Bà Trưng, Huỳnh Thúc Kháng…

Còn nhớ, đầu những năm 2000 là thời hoàng kim của báo giấy. Gần như ở con phố nào khách hàng cũng có thể tìm mua một tờ báo giấy. Ngoài các tờ báo chính trị, xã hội, thể thao, bóng đá…, những tờ báo, tạp chí chuyên về sức khỏe, làm đẹp cũng rất đắt hàng.

Trước đây, đối tượng đọc báo khá đa dạng, từ cán bộ, công chức, nhân viên, dân lao động, hay cả những lái xe trong lúc chờ khách.

Hình ảnh khá quen thuộc từ các nhà hàng đến quán xôi vỉa hè, từ quán cà phê sang trọng đến quán trà đá đầu phố là những độc giả đủ tầng lớp, nghề nghiệp, độ tuổi, trên tay cầm tờ báo, thậm chí vừa ăn, uống vừa dán mắt vào trang báo.

img

Sạp báo Hà Oanh giờ chỉ còn bán lèo tèo vài chục đầu báo

Các thông tin chính thống từ những tờ báo giấy còn nóng hổi, thơm mùi mực chính là thứ để độc giả “lai rai”, bàn luận, thậm chí là cả những tranh luận nảy lửa.

Giờ đây, phải là những người trong nghề, hoặc những khách hàng quen thuộc mới có thể tìm thấy những sạp báo để chọn cho mình những tờ báo giấy quen thuộc, hữu ích. Những tiếng rao “Báo đây, báo… đây” cũng chỉ còn trong ký ức của người dân Hà thành...

Ở thời kỳ hoàng kim, mỗi sạp báo ở Hà thành thường tràn ngập các đầu báo. Theo bà Mai Thị Nhiễu, một trong những “bà trùm” trong làng phát hành báo giấy, riêng bà phân phối cho hơn 50 sạp báo rải rác khắp các tỉnh, thành phía Bắc. Ngoài hàng chục sạp bán tại Hà Nội, bà còn giao báo cho các đại lý ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam và Thanh Hóa…

“Mỗi ngày tôi giao từ 300 - 400 đầu báo, số lượng mỗi đầu báo có thể lên đến 4.000 - 5.000 tờ mỗi ngày”, bà Nhiễu nhớ lại.

Tuy nhiên, sau hơn 40 năm làm nghề, chưa bao giờ công việc của bà Nhiễu lại gặp nhiều khó khăn như bây giờ. Hiện, bà chỉ cấp báo cho 7 sạp và còn 5 người giúp việc so với 20 người trước đây. “Các sạp bây giờ bán sim thẻ là chính, còn bán báo là phụ”, bà Nhiễu chua chát nói.

Chỉ vào những chồng báo cao ngất, xếp từ sáng đến trưa không có người mua, chủ sạp báo trên phố Trịnh Hoài Đức cho hay, vẫn có hàng chục đầu báo được trưng bày, song chủ yếu là báo của các tòa soạn cho người mang đến kí gửi, không bán được thì ngày hôm sau ra báo mới, có người thu báo cũ về.

“Dù không kiếm được nhiều lợi nhuận như trước, song đây là công việc đã gắn bó với gia đình hàng chục năm qua, chỉ cần nhìn mặt khách cũng biết họ sẽ mua tờ báo nào. Có ngày bán hết, có ngày không, nhưng không dễ để bỏ nghề”, chủ sạp báo cho hay.

Vật lộn với chuyển đổi số

Đã có nhiều hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp để tìm hướng đi cho báo giấy, nhưng đó dường như là nhiệm vụ bất khả thi nếu nhìn vào những con số và thực trạng hiện tại.

img

Sạp báo ở số 1 Hàng Trống mỗi ngày bán không đầy 100 tờ

Số lượng phát hành nhật báo giảm 24% trong 10 năm, kể từ 2007 - 2017, còn doanh thu quảng cáo giảm 60%. Doanh thu quảng cáo được coi là nguồn thu sống còn đối với một tờ báo tự hạch toán kinh doanh. Sự suy giảm này tác động mạnh mẽ, khiến nhiều tờ báo phải giảm trang, thậm chí chuyển từ nhật báo sang tuần báo.

Sẽ không khó để hình dung về bức tranh của báo giấy trong hiện tại và tương lai, nếu nhìn vào tình hình báo chí thế giới. Một loạt tờ báo nổi tiếng tuyên bố “going digital” (chuyển sang số hóa), khi dừng xuất bản báo in để chuyển sang báo điện tử. Mở đầu và gây sốc nhất là tờ Newsweek, tờ tuần báo lớn thứ hai của Mỹ, chỉ sau tờ Time.

Sau gần 80 năm hoạt động, Newsweek chính thức nói lời chia tay với kỷ nguyên báo in, số cuối cùng ra mắt ngày 24/12/2012, kèm thông điệp là ký tự #, ký hiệu có tính biểu tượng cho thời đại kỹ thuật số, thường xuất hiện trước các từ khóa trên mạng xã hội.

Ngoài Mỹ, thị trường báo chí lớn thứ hai thế giới là Châu Âu cũng chứng kiến sự suy giảm trầm trọng của báo in. Từ năm 2008 đến nay, một nửa số tòa soạn báo in tại Anh đã thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc giảm số lượng ấn phẩm. Tháng 3/2016, tờ nhật báo uy tín hàng đầu của Anh - tờ Independent ngưng xuất bản.

Cùng chung dòng chảy, báo chí Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự sụt giảm và biến mất của không ít tờ báo, trong đó có tờ Tin nhanh hàng ngày của báo Thể thao Việt Nam và tờ Thể thao Ngày nay…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.