Đường sắt đô thị

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lại phát sinh thêm chi phí

05/04/2024, 18:51

Việc điều chỉnh hiệp định vay vốn dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội không làm thay đổi giá trị khoản vay, nhưng lại phát sinh chi phí cam kết.

Chính phủ vừa có tờ trình Chủ tịch nước về việc sửa đổi hiệp định vay cho dự án đường sắt đô thị thí điểm ở Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lại phát sinh thêm chi phí- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục làm phát sinh chi phí do chậm tiến độ (Ảnh minh họa).

Cụ thể, Chính phủ cho biết dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sử dụng các khoản vay nước ngoài từ 4 nhà tài trợ gồm: Chính phủ Pháp, cơ quan phát triển Pháp, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trong đó, khoản vay của ADB cao nhất với 402 triệu USD, được thực hiện thông qua ba hiệp định vay, với thời gian kết thúc giải ngân vốn vay là tháng 6/2023.

Do dự án này đang chậm tiến độ, để tạo điều kiện cho việc giải ngân vốn vay, Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét sửa đổi hiệp định với ADB theo hướng kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2027.

Theo Chính phủ, việc sửa đổi các hiệp định vay lần này không làm thay đổi giá trị khoản vay và các điều kiện vay đã cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và ADB, tuy nhiên có phát sinh chi phí cam kết ở mức 0,15% tính trên số vốn chưa rút.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh, gia hạn các hiệp định vay của ADB là cần thiết, để thực hiện đúng theo quyết định của Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện dự án đến 31/12/2027, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư là UBND TP Hà Nội tiếp tục sử dụng vốn vay ADB để hoàn thành dự án…

Liên quan đến công tác GPMB dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, ông Lê Tuấn Định - Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, đối với công tác GPMB để thực hiện xây dựng ga ngầm S10 và S11, ngày 14/10/2021, quận đã hoàn thành công tác GPMB đối với 121 phương án (102 hộ dân và 19 tổ chức) và 8 phương án tái định cư tại chỗ đối với nhà 23 Quốc Tử Giám trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án và bàn giao cho Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Tháng 9/2022, quận và Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội hoàn thành việc ban hành các quyết định phê duyệt, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và đã ký cam kết bàn giao mặt bằng theo tiến độ khoan hầm của chủ đầu tư đối với các hộ dân.

Tại quận Ba Đình, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận này cho biết, dự án đã hoàn thành công tác GPMB. Cụ thể, đối với Nhà Ga S8, quận đã hoàn thành công tác thu hồi mặt bằng của 1 tổ chức là Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội với tổng diện tích 152,1m2 và bàn giao cho Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đơn vị thi công năm 2013.

Đoạn dốc hạ ngầm (đoạn Thủ Lệ, từ ngã ba Voi Phục đến phố Nguyễn Văn Ngọc), quận đã hoàn thành xong công tác thu hồi mặt bằng của 1 tổ chức là Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội với tổng diện tích 3.545,3m2 và bàn giao cho Ban quản lý đường sắt Hà Nội, đơn vị thi công năm 2017.

Đối với Ga ngầm S9, quận đã hoàn thành xong công tác thu hồi mặt bằng của 15 phương án BTHT& TĐC bao gồm 2 tổ chức, cơ quan và 13 hộ dân với tổng diện tích 11.482,4m2 cho Ban quản lý đường sắt Hà Nội quản lý, tổ chức thi công dự án phần diện tích lần 1 vào năm 2016 và phần thu hồi bổ sung để mở rộng công trường phục vụ thi công 8/2018 và toàn bộ vào năm 2022.

Đối với đoạn thi công tuyến ngầm, trên địa bàn phường Kim Mã có 18 trường hợp bị ảnh hưởng. Quận và Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã hoàn thành công tác phê duyệt phương án BTHT đối với 18 trường hợp với tổng số tiền hơn 8,2 tỷ đồng. Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã tổ chức chi trả xong tiền bồi thường hỗ trợ đối với 18/18 hộ gia đình năm 2022. Đối với 18 hộ này, hiện đang chờ thời gian thi công để thông báo tới các hộ dân di chuyển theo quy định.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km, đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km, tổng mức đầu tư ban đầu là 18.408 tỷ đồng.

Dự án được khởi công vào tháng 9/2010, theo kế hoạch dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

Tính từ năm 2015 đến nay, dự án đã 11 lần lỡ hẹn về đích. Thậm chí, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phải điều chỉnh thời gian thực hiện đến cuối năm 2027, và điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 34.826,05 tỷ đồng (tăng 89,1%).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.