Thị trường

Du lịch gượng dậy, lỗ vẫn chấp nhận làm

31/10/2021, 06:32

Chấp nhận lấy công làm lãi, lỗ vẫn làm, miễn sao lên được đà khởi động sau kỳ “ngủ đông” dài, song các DN lữ hành hiện đang đối mặt khó khăn...

Tour nội địa đau đầu bài toán chi phí

Ngay từ đầu tháng 10, Công ty TNHH Crystal Bay Intourist (Tập đoàn Đầu tư phát triển Du lịch Crystal Bay) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM, Tổng cục Du lịch đề nghị thực hiện thí điểm chương trình “Du lịch an toàn” thông qua các chuyến bay thuê chuyến (charter flight) theo quy trình du lịch khép kín trong suốt chuyến đi nghỉ dưỡng từ Hà Nội và TP.HCM tới Khánh Hòa.

img

Những tour du lịch khép kín đều lấy mục tiêu khởi động, làm nóng thị trường, chưa tính tới lợi nhuận (Trong ảnh: Du khách tham gia tour du lịch Cần Giờ, TP.HCM)

Đây cũng chính là DN đầu tiên xin thí điểm du lịch an toàn bằng charter flight. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng, họ vẫn chưa được phản hồi.

Với hơn 25 năm làm công việc quản lý dịch vụ lữ hành tại TP.HCM, anh Nguyến Tuấn Kiệt cho hay, chưa bao giờ xây dựng tour liên tỉnh lại gặp nhiều khó khăn như thời gian qua.

Lý do là quy định phòng dịch tại mỗi địa phương khác nhau, chưa kể một số đối tác vẫn đang dừng hoạt động hoặc số khác lại báo chưa đủ nhân lực đón khách.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban tiếp thị Vietravel cho hay, trong bối cảnh nhiều địa phương còn đang thận trọng thì các tour liên tỉnh sớm nhất cũng phải giữa tháng 11, đầu tháng 12 mới có thể thực hiện được.

Ngay cả tour khép kín trong ngày, hãng lữ hành cũng đang “toát mồ hôi” cân đo giữa bài toán chi phí với việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng sau khi ở nhà quá lâu, muốn được đi du lịch nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.

Đơn cử tại TP.HCM, nhiều hãng lữ hành như Saigontourist, Vietravel, TSTtourist... đã thi nhau mở bán các tour du lịch khép kín trong ngày dành riêng cho du khách thành phố. Giá tour chỉ từ vài trăm nghìn đến dưới 2 triệu đồng, hướng đến gia đình, nhóm nhỏ.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty du lịch TST tourist chia sẻ, cái khó khi xây dựng tour du lịch kép là các điểm đến bị hạn chế.

Trước đây một hành trình 10 điểm tham quan thì bây giờ chỉ còn 2 - 3 điểm, có nơi như Tây Ninh chỉ còn 1 điểm duy nhất. Đó là chưa nói đến chi phí và dịch vụ đi kèm đều phát sinh và thiếu sự lựa chọn.

Chẳng hạn một tour trước dịch, TST tourist bán với giá 1 triệu đồng thì bây giờ phải bán tới hơn 1 triệu đồng. Lý do là phát sinh thêm phí xét nghiệm và các dịch vụ ăn uống tại điểm đến.

“Thời gian này, chi phí đầu vào của các điểm bán dịch vụ cũng tăng. Một suất ăn cho khách khoảng 150 nghìn đồng là chấp nhận được, thì bây giờ phải đặt với giá 250 nghìn đồng, khó hơn lại không được lựa chọn. Một xe tour 45 chỗ chở 40 khách thì bây giờ chỉ được phép chở 20 khách…”, ông Mẫn nói và cho hay, ngoài cạnh tranh về chi phí, doanh nghiệp bằng mọi cách phải kích được cầu để từng bước gượng dậy. Năm 2019, doanh thu của TST tourist đạt hơn 500 tỷ đồng, sang đến năm 2020 tụt xuống 84 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 chỉ được gần 10% so với năm 2020.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho hay, với 5 tour khởi động, trung bình mỗi tuần chỉ có 2 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 20 người.

Lợi nhuận gần như không có, song hãng vẫn phải vận hành để làm nóng lại hệ thống đã bị ngưng trệ từ rất lâu.

Cụ thể, với tour đi trong ngày từ TP.HCM tới Cần Giờ đang mở bán từ 1 - 1,5 triệu đồng, tính ra tỷ suất lợi nhuận bình quân trên mỗi khách thu về chỉ khoảng 10%, không thể bù đắp chi phí cố định về mặt bằng, nhân sự của bộ máy điều hành.

Tour quốc tế trước sức ép mang tên “Thái Lan”

Những ngày này, bà Trần Thị Bích Thủy, Tổng giám đốc Công ty CP Vivu Journeys Việt Nam triền miên “chìm” trong các cuộc họp hết nội bộ lại tới các đối tác cung ứng dịch vụ để lên gói sản phẩm đón khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc về Quảng Nam thông qua những chuyến charter flight.

“Không giống như khách nội địa, những doanh nghiệp đón khách quốc tế như chúng tôi cần thời gian để lên chiến dịch quảng bá, tiếp cận nguồn khách. Nguyên quá trình từ khi có kế hoạch mở cửa, xây dựng gói sản phẩm đến khi kết hợp với những đại lý du lịch tại các nước sở tại tổ chức những tour tiền trạm đã mất khoảng 1 tháng. Nếu đầu xuôi đuôi lọt, hy vọng tới tháng 12 có thể được đón những chuyến khách đầu tiên”, bà Thủy cho hay.

Lộ trình đón khách quốc tế đến Việt Nam thực hiện theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11 và tiến tới sẽ mở cửa hoàn toàn với du khách quốc tế từ quý II/2022.
Bộ VH-TT&DL cũng vừa có tờ trình hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, du khách quốc tế sẽ tham gia các chương trình du lịch được thiết kế trong khu vực và các cơ sở dịch vụ được địa phương cho phép, với thời gian tối đa là 90 ngày.
Với du khách đăng ký chương trình du lịch dưới 7 ngày, sau khi nhập cảnh và xét nghiệm âm tính Covid-19, du khách được tham gia các hoạt động du lịch theo lịch trình đã được đăng ký do doanh nghiệp du lịch tổ chức mà không phải cách ly như trước.
Với khách du lịch đăng ký chương trình du lịch trên 7 ngày, sau khi được xét nghiệm âm tính Covid-19 trong ngày thứ 7, khách có thể kéo dài hành trình du lịch sang địa phương khác được phép đón khách, miễn là tour theo chương trình trọn gói, khép kín.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)

Theo bà Thủy, với tour khép kín, phức tạp nhất ở khâu điều hành, khi hãng phải đưa ra một quy trình đón tiếp chuẩn chỉ, lên phương án xử lý tình huống phát sinh và những chính sách đi kèm.

Trước kia, với mỗi tour kéo dài 20 - 22 ngày, có thể ứng biến theo chương trình tour, di chuyển thoải mái thì nay còn gặp rào cản vùng 1, vùng 2, phải test Covid-19, nếu phát hiện khách dương tính thì xử lý ra sao, quy trình hoàn, hủy phí như thế nào…

“Tất cả thông tin đều phải rõ ràng để ngay khi tư vấn khách đã có thể mường tượng từng khâu cụ thể từ đón tiếp sân bay với check-in khách sạn và các dịch vụ đi kèm... Chúng ta cần chứng minh mọi thứ đã quay trở lại bình thường chứ không thể để khách phải ngụp lặn trong cả mớ quy định rắc rối về phòng dịch. Đây mới chính là yếu tố để họ quyết định có lựa chọn Việt Nam hay không”, lãnh đạo Vivu Journeys Việt Nam cho hay.

Nói về chi phí đầu tư, bà Thủy khẳng định: “Mở cửa được là mừng lắm rồi nên lợi nhuận không phải là yếu tố được quan tâm đầu tiên. Thậm chí với Vivu Journeys, chúng tôi sẽ phải bỏ thêm rất nhiều chi phí. Đơn cử các tour tiền trạm đều sử dụng charter flight, chi phí cho mỗi chuyến bay với 170 chỗ cần khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng, chưa kể giá phòng khách sạn 5 sao ở mức 2,5 triệu đồng/đêm. Như vậy, chi phí tối thiểu cho mỗi khách tham quan thử nghiệm đã mất khoảng 50 triệu đồng trong chặng ngắn khoảng 7 ngày. Trong khi đó, với các đoàn tiền trạm, đối tác tại các nước sở tại chấp nhận chung chi khoảng 30% là tốt lắm rồi. Trước đó nhiều công ty Thái Lan còn miễn phí 100% với khách tham gia tour thử nghiệm”.

Theo bà Thủy, “lỗ cũng phải làm” là quan điểm của nhà làm tour quốc tế trong bối cảnh này. Bởi phải có những doanh nghiệp mạnh dạn mở những tour thử nghiệm mới có cơ sở để đánh giá, đo đếm có thành công hay không, nhu cầu khách thế nào, phản hồi ra sao.

Bài học từ mô hình tour khép kín tại Phuket Thái Lan cho thấy kết quả thực tế cũng chỉ mang lại 1/10 lượng khách như kỳ vọng, do vậy nước này đã đẩy mạnh mở cửa toàn bộ điểm tham quan từ ngày 1/11. Đây cũng chính là áp lực lớn đối với du lịch Việt trong bối cảnh hiện tại.

“Tuy nhiên, suy cho cùng, hãng lữ hành vẫn đóng vai trò là người “đóng gói” các dịch vụ từ hàng không, khách sạn, nhà hàng, nghỉ dưỡng… Vướng mắc nhất lúc này là sự kết nối giữa các đối tác cung ứng để có được một gói sản phẩm thực sự cạnh tranh và ổn định dịch vụ, vực dậy thị trường”, bà Thủy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.