Kinh tế

Dưa hấu rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc

25/01/2024, 16:01

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Nghị định thư mới ký kết đã "mở cửa" cho dưa hấu được xuất khẩu sang quốc gia này.

38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu Trung Quốc

Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đối với quả dưa hấu tươi từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, khi chưa có Nghị định thư, việc xuất khẩu có nhiều rủi ro hơn.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết việc ký kết Nghị định thư sẽ nâng yêu cầu xuất khẩu lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu (Trung Quốc) từ đó sẽ tạo niềm tin và căn cứ cho việc tạo điều kiện thông quan nhanh chóng tạo thuận lợi từ phía hải quan Trung Quốc, góp phần giảm ùn tắc ở cửa khẩu.

Sau ký kết, sản phẩm dưa hấu sẽ được tiêu chuẩn hóa, thúc đẩy sản xuất ở quy mô hàng hóa. Về lâu dài, ông Đạt cho rằng việc xuất khẩu sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người trồng dưa hấu với nhau và giữa người trồng dưa hấu với nhà đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy chuẩn.

Dưa hấu

Nghị định thư mới ký kết đã "mở cửa" cho dưa hấu được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đến thời điểm này, cả nước đã có 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc mở rộng sản xuất giúp tận dụng lợi thế về quy mô để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản, tạo cơ hội áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn như Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người, hướng đến xuất khẩu bền vững và lâu dài cho người sản xuất xuất khẩu dưa hấu.

"Việt Nam đã hoàn tất mọi thủ tục để xuất khẩu chính ngạch dưa hấu sang Trung Quốc. Quá trình đàm phán diễn ra từ cuối năm 2019, hai bên đã bắt đầu xây dựng lộ trình để chuẩn hóa các quy định nêu trên, dưới hình thức Nghị định thư xuất khẩu. Đến tháng 12/2023, hai bên đã thống nhất và hoàn thiện Nghị định thư để đi đến ký kết ở cấp bộ trưởng", Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Thành Đạt chia sẻ thêm.

Nông dân cần lưu ý gì?

Cục Bảo vệ thực vật cho biết việc ký kết nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.

Nghị định thư xác định rõ các yêu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc nhằm đảm bảo quả dưa hấu tươi của Việt Nam tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật, từ đó tạo cơ sở cho việc tuân thủ của các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu của Việt Nam.

Cả nước đã có 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc.

Dưa hấu rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc- Ảnh 2.Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết quả dưa hấu tươi của Việt Nam không được nhiễm 5 loài đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống mà Trung Quốc quan tâm bao gồm các loại ruồi đục quả Bactrocera correcta, Bactrocera zonata, Bactrocera latifrons, rệp Phenacoccus solenopsi và vi khuẩn Acidovorax avenae subsp. citrulli; lá hoặc đất.

Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Vườn trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo giám sát vườn trồng và quy trình tại cơ sở đóng gói. Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo dưa hấu quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số;

Ngoài ra, sản phẩm phải tiến hành kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2% và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc khi nhập khẩu vào Trung Quốc. Các yêu cầu này đã được Trung Quốc chuẩn hóa và cụ thể các quy định để tạo điều kiện cho phía Việt Nam thực hiện.

Theo ký kết, các lô hàng dưa hấu của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc và kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2%, đồng thời phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc khi nhập khẩu vào nước này.

Kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc

Trước đó, cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với hàng loạt nông sản, hoa quả của Việt Nam, bao gồm sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang, mở ra cho thị trường này nhiều thuận lợi.

Số liệu của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn cũng cho thấy, xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi 10 năm qua, từ 3,8 tỷ USD năm 2013 lên 6,8 tỷ USD vào năm ngoái.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng các FTA song phương cũng như việc hai nước đều tham gia Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Nghị định thư giữa hai nước đã giúp trái cây, rau củ xuất đi tăng vọt. Tới cuối tháng 10, Trung Quốc chi hơn 7,5 tỷ USD nhập nông sản từ Việt Nam, trong đó rau quả góp 43%.

Dưa hấu rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc- Ảnh 3.

Công nhân một nhà máy xuất khẩu nông sản chọn lựa, đóng gói trái cây xuất khẩu.

Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022 đã nhanh chóng đưa mặt hàng này đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, trong đó 95% được xuất sang Trung Quốc. Lúc này, sầu riêng vẫn liên tục chốt các đơn hàng xuất khẩu lớn từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Theo ông Nguyên, hiện có 14 loại nông sản, trong đó 9 mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch (thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng) và hơn 2.940 mã sản phẩm làm thực phẩm chế biến cũng được Tổng cục Hải quan phê duyệt để xuất chính ngạch, đem lại doanh thu tỷ USD.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức. Riêng Bình Thuận, địa phương hiện có 225 mã số thanh long xuất sang Trung Quốc đang hoạt động.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định việc Trung Quốc mở cửa cho dưa hấu và các loại trái cây đông lạnh, chế biến của Việt Nam sẽ giúp kim ngạch tăng lên 6,5 tỷ USD.

Hết tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã mang về cho Việt Nam 3,4 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày 14/12/2023, có 14 loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào.

Ngoài ra, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu biên mậu đối với 12 mặt hàng rau quả, sữa, 805 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.