500 container đăt mua giá 40-50 nghìn hạ còn 4-5 nghìn/kg
Nếu như trong tháng 1/2020 giá trị xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm 14% thì hiện đã gần như tê liệt khi các biên giới đóng cửa.
Theo nhận định, việc đóng cửa khẩu biên giới sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất tới thanh long, dưa hấu bởi đây là hai mặt hàng chếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc.
Đại điện cho “vựa” thanh long lớn nhất cả nước, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nêu thực trạng: Diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320 nghìn tấn. Tính từ tháng 1/2020 đến cuối tháng 2/2020, thu hái khoảng 30 nghìn tấn, trong đó 2 nghìn tấn đang tồn kho và cuối tháng 2/2020 thu hoạch 28 nghìn tấn. Nếu tính về cơ sở chế biến, thu mua thì tỉnh Long An có 154 cơ sở và 100 cơ sở có kho lạnh, trung bình chứa được 50 tấn/kho, tương đương sức chứa là 7-8 nghìn tấn. Như vậy, tính đến cuối tháng 2 vẫn còn tồn 29.000 tấn thanh long nếu không được thu mua.
Cũng theo ông Cảnh, tính từ tháng 1 đến nay, phía Trung Quốc dừng thu mua thanh long khiến 2 DN thu mua lớn là công ty Hồng Thái Dương và Phú Quý đã hủy 500 container thanh long với giá 40-50 nghìn đồng/kg theo hợp đồng đã ký trước đó với nông dân, đổi lại ra giá thu mua mới chỉ từ 4-5 nghìn đồng/kg. Nếu xét về giá, thì mỗi cân thanh long doanh nghiệp bị thiệt hại 35-45 nghìn đồng, tương đương với mức 35-45 triệu/tấn.
“Dịch bệnh do virus Corona không biết bao giờ mới chấm dứt, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; Quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản; Riêng Bộ Công thương cần hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”, ông Nguyễn Đình Tùng - Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
“Đơn hàng 20 tấn thanh long để xuất đi Trung Quốc bị hủy, gây thiết hại gần tỷ đồng, chưa kể phải chuyển từ Lạng Sơn về mất nhiều chi phí, cộng thêm phần lớn bị hư hỏng và còn khâu bảo quản…Giờ chỉ nhìn vào chính sách hỗ trợ của nhà nước chứ chúng tôi không có cách nào khi thanh long đang vào vụ thu hoạch hơn nữa cũng không thể tìm kiếm thị trường khác ngay được”, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Tuấn Hồng cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Dịch viêm phổi cấp do virus Corona ngay lập tức đã khiến nhóm DN xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt. Đơn cử như sầu riêng, từ mức giá đạt 70 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 40 nghìn đồng/kg; Thanh long chỉ còn 3-4 nghìn đồng/kg; Dưa hấu cá biệt có nơi chỉ còn 1 nghìn đồng/kg... Nghiêm trọng hơn là đơn xuất khẩu đều bị hủy bỏ không biết bao giờ mới đàm phán lại.
Theo ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, kể từ mồng 1 Tết đến nay, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới nên hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. “Tới nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc thông quan bên phía Trung Quốc nên tất cả các xe vẫn phải chờ thông quan, rất dễ hỏng hàng hóa, tốn kém chi phí…”, ông Trưởng cho biết
Siêu thị Việt chung tay hỗ trợ nông dân
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, không riêng gì hoa quả, các mặt hàng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thị trường Trung Quốc lâu nay vẫn chiếm chủ đạo. Nhìn lại quý I/2019, xuất khẩu tôm, cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đều giảm khiến tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5% so với 2018, chỉ đạt 239 triệu USD.
Trước tình cảnh trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cơ quan chức năng cần rà soát lại khối lượng nông sản, các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc từng tháng một, từ nay cho đến cuối năm, để ra kịch bản tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Tiếp đến, một giải pháp tối ưu nhất được ưu tiên là tổ chức tăng cường tiêu thụ nội địa bằng việc đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến và vùng nguyên liệu để giảm bớt xuất khẩu tươi, nhằm bảo quản tốt hơn.
Ngoài ra, yêu cầu ngành hàng logistic rà soát các kho dự trự đông lạnh để đưa một số mặt hàng vào lưu trữ nhằm kéo dài thời gian phân phối thương mại. “Ngay trong tháng này, Bộ sẽ cử cán bộ sang tìm hiểu xúc tiến tại các thị trường như Dubai, Nhật Bản, Brazil... vì chiến lược dài hạn”, ông Cường cho biết.
Qua đây, Bộ Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội chung tay vào cuộc để giúp nông sản vượt qua khó khăn.
Đáp lại, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Central Retail khẳng định: Siêu thị Big C luôn đồng hành trong việc hỗ trợ nông sản Việt, đặc biệt là trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Corona. Theo bà Phương, hiện siêu thị đang hỗ trợ tiêu thụ 2 mặt hàng là dưa hấu và thanh long với mức giá thu mua lần lượt là 6 nghìn đồng/kg và 14 nghìn đồng/kg.
“Để có chiến lược thu mua lâu dài khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, siêu thị đã đề xuất Bộ Công thương cung cấp danh sách và số lượng dự kiến hàng hóa xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ để chủ động trong kế hoạch ngân sách cho chiến lược maketting nhằm quảng bá, thu mua hàng hóa với số lượng nhiều nhất có thể để giảm gánh nặng cho người dân. Theo tính toán, với hệ thống 37 siêu thị trên toàn quốc, phục vụ được cho 70 triệu dân mỗi năm thì Big C có thể tiêu thụ được 1-2% tổng sản lượng xuất khẩu hiện nay”, bà Phương chia sẻ.
Tương tự, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty thương mại Hà Nội Hapro khẳng định: Hapro là đơn vị xuất khẩu nông sản lớn, với hơn 70 nước trên thế giới nên đã chủ động trao đổi với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước để mở rộng thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Mỹ, Bắc Mỹ, EU, Trung Đông, Nhật Bản ...
“Riêng thị trường trong nước, Hapro cam kết sẽ liên kết với địa phương, hiệp hội để tăng cường thu mua thêm nông sản của người dân khi không xuất được sang Trung Quốc. Ngoài ra, Hapro sẽ cùng vào cuộc cùng với các doanh nghiệp khác để tăng thêm sức tiêu thụ thanh long tại thị trường Mỹ...”, ông Sơn cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận