Chính trị

Đừng giám sát xong rồi để đó!

19/01/2015, 21:46

Nếu giám sát chỉ đưa ra chung chung, không đề cập đến biện pháp xử lý sẽ không thực chất, không có tác dụng.

nguyen-sinh-hung
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, thời gian qua, hoạt động giám sát chưa hiệu quả.

Tiếp tục phiên làm việc của kỳ họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ khóa XIII, chiều 19/1, các đại biểu tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trong phiên làm việc buổi chiều, đa số các đại biểu bày tỏ quan điểm chưa đồng tình với các quy định về quyền giám sát tối cao của Quốc hội được nêu trong dự thảo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ băn khoăn cho rằng, hiện nay Hội đồng nhân dân một số cấp còn mang tính hình thức.

“HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương. Trong dự thảo này, ban soạn thảo đã khắc phục được gì về tính hình thức trong việc giám sát của Quốc hội và HĐND?” – ông Ksor Phước đặt câu hỏi.

Cho ý kiến về dự án Luật trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, đây là một dự án luật rất quan trọng, vì một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội là giám sát.

“Quốc hội thực hiện giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, HĐND giám sát việc tuân theo hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Hiến pháp quy định giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, vì vậy ngay trong luật này cần làm rõ giám sát tối cao là gì? Nó khác các hoạt động giám sát khác về đối tượng, phạm vi như thế nào? Tính chất tối cao trong giám sát cũng cần được làm rõ. Đối tượng giám sát tối cao là hoạt động của Nhà nước, vậy hoạt động của Nhà nước là những hoạt động gì? Có bao gồm hành vi và các hoạt động của cá nhân, cán bộ công chức, viên chức hay không?” – Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất.

lay-phieu-tin-nhiem
Trong hoạt động Quốc hội mới chỉ thấy việc lấy phiếu tín nhiệm, rồi hoạt động chất vấn là có kết quả rõ rệt.

Đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng nhận định rằng, mặc dù dự thảo này đã được chuẩn bị khá công phu nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống cần sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thay đổi thực sự, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, của HĐND.

Liên quan đến dự thảo Luật  hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng có đánh giá không cao. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong hoạt động Quốc hội mới chỉ thấy việc lấy phiếu tín nhiệm, rồi hoạt động chất vấn là có kết quả rõ rệt. Còn hoạt động giám sát của Quốc hội chưa thấy hiệu quả.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đề xuất sửa quy định giám sát theo hướng cụ thể hơn, có đề xuất hình thức xử lý hậu giám sát, bởi nếu việc giám sát chỉ đưa ra theo kiểu chung chung, không đề cập đến biện pháp xử lý sẽ không thực chất, không có tác dụng.

“Đảng cũng có giám sát, Mặt trận Tổ Quốc có giám sát, HĐND cũng có giám sát, Quốc hội từ lâu cũng có có giám sát. Thế nhưng hiệu quả thực tế nào? Chúng ta cần phải có quy định rõ ràng hơn để hoạt động giám sát hiệu quả hơn, chứ không chỉ chung chung, giám sát xong rồi để đó” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp thu tất cả các ý kiến thảo luận trong phiên làm việc buổi chiều, thay mặt ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định trong dự thảo luật cho phù hợp, để trình Quốc hội cho xin ý kiến vào kỳ họp tới.

Hoài Thu

  Nên đọc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.