Góc nhìn

EU dùng dằng khi người Hy Lạp nói "không"

08/07/2015, 09:16

Sau khi hơn 61% cử tri Hy Lạp bỏ phiếu nói “Không” với kế hoạch cải cách của chủ nợ ....

 

Cảnh sát chống bạo động đứng gác trước cửa ngân hà
Cảnh sát chống bạo động đứng gác trước cửa ngân hàng Hy Lạp.

Hôm qua, Hội nghị thượng đỉnh thảo luận về khủng hoảng nợ Hy Lạp được tổ chức khẩn cấp theo đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande. Sau khi hơn 61% cử tri Hy Lạp bỏ phiếu nói “Không” với kế hoạch cải cách của chủ nợ để đổi lấy các khoản cứu trợ ngày 5/7.

Cần thỏa hiệp

Trước khi các nhà lãnh đạo EU họp thượng đỉnh, ông Josh Earnest, người phát ngôn Nhà Trắng nói với báo giới rằng, Athens và Liên minh châu Âu (EU) cần sớm thỏa hiệp để giữ Hy Lạp lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone, sẽ mang đến hiệu ứng tiêu cực cho cả khu vực, thậm chí là toàn thế giới. Theo ông Earnest, quan điểm của Nhà Trắng giữ nguyên - tức là hai bên cần thống nhất gói biện pháp cải cách và tài chính cho phép Athens vừa ổn định được gánh nặng nợ công vừa đạt tăng trưởng kinh tế. Và đây là bài toán khó cho châu Âu, theo Reuters.

Châu Âu và cả thế giới lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande bàn về giải pháp đưa nền kinh tế Hy Lạp tăng trưởng và ổn định tình hình nợ công.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có cuộc trao đổi. Khi đó, ông Lew nói “một giải pháp cứu trợ sẽ cho phép Hy Lạp đưa ra những cải cách cấu trúc và tài chính”.

Hoãn mở cửa lại ngân hàng

Cuộc họp khẩn tối qua được coi là cơ hội cuối cùng cho Hy Lạp trình bày kế hoạch cải cách mới. Trong khi đó, các quan chức Eurozone khẳng định sẽ không cố níu giữ Hy Lạp bằng mọi giá.

Trước đó, ngày 6/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras chấp nhận sẽ đưa ra những đề xuất mới tại cuộc họp này, nhằm đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ châu Âu và IMF. Tuy nhiên, theo các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, châu Âu thì cần phải đợi những đề xuất chi tiết của Hy Lạp trước khi có thể tìm ra lối thoát cho tình trạng hiện nay. Hiện vẫn chưa rõ những đề xuất mới này có khác biệt gì nhiều so với các đề xuất từng bị các chủ nợ từ chối hay không.

Giờ là lúc Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc, đáng tin cậy và mong muốn ở lại Eurozone thông qua một chương trình bền vững”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande

Tờ Economic Times cho biết: ECB đang siết chặt các quy định đối với hệ thống ngân hàng Hy Lạp và yêu cầu các ngân hàng phải thế chấp nhiều tài sản hơn nữa để đổi lấy những khoản vay khẩn cấp. Dự kiến, khoản vay khẩn cấp này không quá 89 tỷ euro. Theo kế hoạch, ngày 6/7, hệ thống ngân hàng Hy Lạp mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, giới chức nước này thông báo sẽ đóng cửa thêm hai ngày nữa và hạn mức rút tiền vẫn là 60 euro/người/ngày. Bà Louka Katseli, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho biết: “Các ngân hàng sẽ được mở cửa trở lại sau hôm nay (8/7)” với lý do “Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa tổ chức cuộc họp về mở Quỹ cứu trợ cho các ngân hàng Hy Lạp”.

Trước ngày 20/7, Hy Lạp sẽ phải thanh toán khoản tiền nợ trái phiếu trị giá 3,5 tỷ euro cho ECB và việc kinh tế Hy Lạp có bị sụp đổ hay không phụ thuộc vào động thái của ECB.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.