Thời sự Quốc tế

G7 tranh cãi nảy lửa về Trung Quốc đến mức phải ngắt mạng

13/06/2021, 09:06

Các lãnh đạo G7 tranh cãi khá gay gắt liên quan tới vấn đề Trung Quốc nhưng vẫn dựa trên tinh thần xây dựng để đưa ra được một sáng kiến chung.

img

Phòng họp của các lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G7 2021 tại Cornwall

Sáng kiến hạ tầng thay thế "Vành đai, Con đường"

Trong ngày làm việc thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm các nước Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Italy) tại Cornwall (Anh), lãnh đạo các nền công nghiệp lớn nhất thế giới công bố sáng kiến mới mang tên “Tái xây dựng thế giới tốt hơn”.

Kế hoạch này sẽ góp phần thu hẹp nhu cầu cơ sở hạ tầng trị giá hơn 40 nghìn tỷ USD ở các nước đang phát triển, thu nhập thấp và trung bình vốn đã trầm trọng hơn bởi đại dịch Covid-19.

“Tái xây dựng thế giới tốt hơn” sẽ bao phủ toàn cầu, từ châu Mỹ Latinh và Caribe đến châu Phi tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đặc biệt nhấn mạnh việc hợp tác dựa trên “minh bạch, tiêu chuẩn cao và hướng tới các giá trị”.

Đây được cho là một giải pháp để thay thế sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc đang bị chỉ trích đẩy nhiều nước nhỏ rơi vào bẫy nợ, trong đó có cả Italy.

Nguồn vốn lên tới hàng trăm tỉ sẽ được huy động từ các tổ chức tài chính, những thực thể trong tư nhân của Mỹ cũng như các nước trong nhóm G7. Song, chưa rõ mỗi nước sẽ huy động cụ thể bao nhiêu.

Theo CNN, giới chức khẳng định sáng kiến hạ tầng toàn cầu này không phải nhằm đối đầu Trung Quốc mà là một phương án thay thế.

"Chúng tôi không bắt các nước phải chọn giữa G7 hay Trung Quốc mà là đưa ra một tầm nhìn thay thế, hỗ trợ và một cách tiếp cận mà các nước đều muốn lựa chọn", CNN dẫn lời một quan chức trong chính quyền ông Biden cho biết.

Tắt internet họp kín

Tuy nhiên, trong suốt ngày làm việc, không phải lúc nào các lãnh đạo cũng thống nhất với nhau trong cách tiếp cận Trung Quốc.

CNN dẫn lời quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Thượng đỉnh G7 cho biết, bất đồng giữa các nhà lãnh đạo có lúc gay gắt đến mức phải ngắt mọi kết nối trong phòng họp để chuyển sang họp kín.

Mâu thuẫn xảy ra khi các nhà lãnh đạo từ Liên minh châu Âu (EU) không đồng tình với đề xuất của Mỹ, Anh và Canada, kêu gọi G7 phải có thái độ" cứng rắn" hơn với Trung Quốc vì những hành động của Bắc Kinh ở Khu tự trị Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông...

Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ thái độ quyết liệt, kêu gọi G7 chỉ trích và có hành động cụ thể đối với Trung Quốc. Lời kêu gọi được Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng thuận.

Song, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Mario Draghi và lãnh đạo EU lại muốn để ngỏ cửa hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể với Trung Quốc.

Dù có nhiều điểm bất đồng nhưng phiên thảo luận diễn ra trong bầu không khí tích cực. Hãng CNN dẫn nguồn tin cấp cao cho biết, các nhà lãnh đạo vẫn duy trì thái độ thân thiện và tôn trọng, đồng thời cố gắng hợp tác.

Đây là một trong những điểm thay đổi tích cực so với thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nguồn tin giấu tên đánh giá.

Hôm nay 13/6 là ngày cuối cùng Hội nghị thượng đỉnh G7, nội dung thảo luận tập trung vào biến đổi khí hậu và đảm bảo đa dạng sinh học toàn cầu nhằm đặt nền móng cho Hội nghị thượng đỉnh về môi trường COP26 ở Scotland vào tháng 11, trước khi đưa ra tuyên bố chung của hội nghị.

Tiếp đó, phần lớn các nhà lãnh đạo G7, trong đó có Tổng thống Biden, sẽ đến Brussels, Bỉ để tiếp tục dự Hội nghị thượng đỉnh NATO và một lần nữa Trung Quốc sẽ lại là chủ đề chính trong cuộc họp này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.