Xã hội

Gập ghềnh báo chí chuyển đổi số

21/06/2023, 07:07

Để không bị tụt hậu, báo chí không thể đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số, nhưng việc chuyển đổi hiện diễn ra khó khăn, không đồng đều...

Rút ngắn thời gian sản xuất, tối ưu hiệu quả

Trong mặt bằng rộng hơn 2.000m2 tại tòa nhà số 10 Phạm Văn Bạch, Hà Nội, vị trí trung tâm của tòa soạn báo VnExpress, là chiếc bàn tròn tập trung 9 thư ký tòa soạn nhìn thẳng ra bức vách màu chì đậm, nổi bật 3 màn hình led lớn nằm dưới logo “VnExpress”.

Trong đó, màn hình trung tâm đang hiển thị Top 10 tin bài đang được đọc nhiều nhất của VnExpress kèm loạt dữ liệu (5 phút cập nhật một lần): Lượng người dùng, lượng view, loại thiết bị truy cập, nguồn truy cập, đối tượng độc giả (cũ/mới), thời gian đọc…

img

Tòa soạn báo VnExpress, cơ quan báo chí tiên phong trên đường đua chuyển đổi số. Ảnh: Giang Huy

Chỉ vào màn hình này, Phó tổng biên tập VnExpress Nguyễn Thu Hương khoe, đây chính là VnExpress Analytics, do chính tờ báo xây dựng và phát triển. Tương tự như Google Analytics, song VnExpress Analytics đã được Việt hóa và VnExpress hóa, để nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc cũng như hoạt động kinh doanh.

Chị Lâm Bích Ngọc, Trưởng ban Khoa học của VnExpress chia sẻ, trước đây, phóng viên của ban thường phải mất 4 giờ để làm một bản tin Podcast với hàng loạt công việc. Tuy nhiên, thời gian này chỉ mất chừng 30 phút, vì nhiều khâu đã được xử lý tự động bằng công nghệ.

Tương tự, Phó tổng biên tập VnExpress Nguyễn Thu Hương cho hay, nhiều khâu sản xuất khác tại VnExpress cũng đã được tự động hóa, như duyệt bình luận của bạn đọc; sản xuất một số bản tin SEO như giá xăng dầu, dịch bệnh Covid-19… Với những bản tin này, phóng viên chỉ cần nhập vào dữ liệu mới nhất, còn máy móc sẽ lo những việc sau đó.

“VnExpress đang tiếp tục nghiên cứu công nghệ để cá nhân hóa sản phẩm một cách tốt nhất. Chẳng hạn, khi độc giả đọc 1 bản tin, hệ thống đã có thể phân tích mong muốn tiếp theo của họ để gợi ý. Hay độc giả đó có xu hướng đọc đến đoạn nào của bản tin thì rời đi, khi đó chúng ta phải có hành động gì để giữ chân họ?”, lãnh đạo VnExpress thông tin.

Cũng nhờ nhanh nhạy với chuyển đổi số, Phó tổng biên tập VnPlus Nguyễn Hoàng Nhật thốt lên tự tin: “Sản xuất Podcast chưa bao giờ dễ dàng đến thế”! Tương tự VnExpress, ông Nhật cho biết, TTXVN đã có công cụ giúp các phóng viên, biên tập viên chỉ tốn 15 - 20 phút để hoàn thành một bản tin Podcast; sản xuất bản tin video cũng tự động gần như 100%.

Ông Nhật cho biết thêm, gần đây tòa soạn đã và đang thử nghiệm công cụ ChatGPT gợi ý đề tài, hướng triển khai cho các bạn sinh viên thực tập và kết quả nhận về hơn cả mong đợi.

Là một tờ báo có nhiều chuyển động về chuyển đổi số, đặc biệt trong nhận diện, đổi mới cách tiếp cận bạn đọc qua hệ sinh thái như Facebook, YouTube và gần đây là TikTok, báo Thanh niên đang trên đà tăng tốc cho hoạt động này.

Ông Trần Việt Hưng, Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh niên tự tin với sự lựa chọn đối tác cũng như khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ nhân sự. Nhờ ứng dụng công nghệ trong quản trị nội dung, phân tích hành vi bạn đọc, Thanh niên đang có tiền đề thuận lợi cho lộ trình sắp tới.

Hiện báo đã và đang tự xây dựng, phát triển loạt ứng dụng số khác vào tổ chức, vận hành tòa soạn, phát triển các công cụ quản trị từ nhân sự, hành chính, kế toán, quảng cáo.

Tăng nguồn thu nhờ hiểu đối tác, khách hàng hơn

Không chỉ phát triển nội dung, chuyển đổi số cũng đã và đang tích cực thúc đẩy hiệu quả cho các hoạt động mở rộng nguồn thu của báo chí.

Phó tổng biên tập VnExpress kể, sau khi dịch Covid-19 ập tới, doanh thu truyền thông, quảng cáo của báo suy giảm mạnh. Lãnh đạo báo đã xác định hướng đi: Phải làm sao để kết nối, hàn gắn những đứt gãy, giữa các cơ quan quản lý với doanh nghiệp, người dân; doanh nghiệp với khách hàng… Nhờ đó, dù doanh thu của báo chí hầu hết suy giảm thì VnEpress giữ được ổn định và tạo đà cho tăng trưởng sau đó.

Bà Hương nhớ lại: “VnExpress đã chuẩn bị xong mọi khâu để tổ chức một giải chạy ở nhiều tỉnh, thành phố thì dịch ập tới. Giải bị hủy, thiệt hại kinh tế thì rõ rồi, nhưng còn cộng đồng runner, làm sao để giữ chân họ? Và rồi chúng tôi đã nghĩ ra một giải pháp, đó là tổ chức giải chạy ảo.

Đội ngũ công nghệ đã xây dựng một nền tảng để có thể kết nối các công cụ đo đếm kết quả hoạt động thể thao trên điện thoại của các runner, ghi nhận thành tích đó của họ. Không chỉ bán được vé, chúng tôi còn có thể bán quần áo, mũ, giày cho các vận động viên mà không cần tổ chức một giải chạy vật lý nào”.

Thành công đó mở ra cho VnExpress cả loạt sự kiện online khác, từ tọa đàm, hội thảo, triển lãm… Đặc biệt, từ đó đến nay, giải chạy đã trở thành một trong những sự kiện mang lại nguồn thu chủ lực cho VnExpress.

Không tiết lộ con số cụ thể, song Tổng thư ký báo Thanh niên cũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tờ báo vẫn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu so với năm trước. “Kết quả này có sự đóng góp đáng kể của hoạt động chuyển đổi số, vì giúp chúng tôi nắm bắt sát hơn nhu cầu, thị hiếu khách hàng, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp hơn”, ông Hưng nói.

Đường đua còn gập ghềnh

Tự đánh giá VnPlus ở thang điểm “chạm ngưỡng có bước tiến về chuyển đổi số”, song ông Hoàng Nhật vẫn trăn trở về chặng đường phía trước. Một trong những khó khăn của VnPlus cũng như các cơ quan báo chí là tìm kiếm được đối tác cung cấp giải pháp.

Ông Nhật phân tích, với một số đối tác ngoại có kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí thì chi phí đắt đỏ, chưa kể rào cản về địa lý, ngôn ngữ. Mặt khác, vòng đời của các công ty công nghệ khá ngắn (mua bán sáp nhập, giải thể...) cũng là một rủi ro. Dẫn chứng, ông Nhật kể năm 2016, VnPlus đã hợp tác với một công ty cung cấp giải pháp sản xuất bài longform có tiếng thế giới, song hơn 2 năm trước, công ty này đã gửi mail yêu cầu báo “dọn nhà” vì họ đã bán cho công ty khác.

Một vấn đề hầu hết cơ quan báo chí gặp phải khác, theo ông Nhật, đó là bài toán phân bổ nguồn lực. Như VnPlus, bộ phận nhân sự liên quan đến chuyển đổi số, phần lớn là được dịch chuyển trong tòa soạn, sau đó tổ chức đào tạo để thích ứng từng bước với công việc.

Ông Nhật tiết lộ, mức đầu tư cho chuyển đổi số của VnPlus không quá lớn, chỉ trên dưới 100 triệu đồng/năm, do báo có thể sử dụng một số sản phẩm có thể chi trả bằng nhiều nguồn. Song ông cũng mong muốn, Nhà nước có cơ chế, chính sách và khoản đầu tư giúp các cơ quan báo chí tiếp cận với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp đảm bảo chất lượng ở mức chi phí hợp lý.

Tổng thư ký báo Thanh niên Trần Việt Hưng chia sẻ, tờ báo rất khó thu hút nhân sự phục vụ chuyển đổi số bởi phải đáp ứng nhiều tiêu chí như giỏi về công nghệ, song cũng phải am hiểu về sản phẩm báo chí và đặc biệt là “vui vẻ” với chế độ đãi ngộ của tòa soạn.

“Không chỉ là thu nhập chưa tương xứng, cơ hội thăng tiến của một nhân sự về công nghệ tại một cơ quan báo chí sẽ khó có thể rộng mở. Khi không có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể tự làm, vận hành, báo sẽ phải dựa dẫm vào bên ngoài, việc đầu tư khó đồng bộ và tiến độ cũng khó theo đúng kế hoạch”, ông Hưng bộc bạch.

Có nhiều ưu thế trong “cuộc chơi” chuyển đổi số, song theo Phó tổng biên tập VnExpress Nguyễn Thu Hương, để đúc rút và định hình một chiến lược bài bản thì tờ báo này cũng mới chỉ bắt đầu từ vài ba năm trở lại đây. Lãnh đạo VnExpress đã xác định 4 thành tố cốt lõi, đó là tổ chức, con người, công nghệ và kinh doanh.

Để bộ máy tinh gọn mà vẫn đảm bảo khối lượng, chất lượng công việc tốt nhất, VnExpress đã cơ cấu lại mô hình tòa soạn hội tụ và không ngừng chuẩn hóa, hoàn thiện. Nhờ vậy, mỗi thông tin, sự kiện, báo chỉ cần một phóng viên vẫn có thể sản xuất cho nhiều ấn phẩm trong hệ sinh thái.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.