• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
ATGT địa phương

Gặp người thoát chết vụ xe khách bị lũ cuốn, 20 người thiệt mạng

18/04/2016, 08:06

Kí ức kinh hoàng từ vụ tai nạn hơn 5 năm qua vẫn luôn in đậm trong tâm trí những nạn nhân sống sót.

ảnh 2 (6)

Ông Nguyễn Thanh Thắng lật từng trang báo hồi tưởng về vụ tai nạn kinh hoàng.

Ngày 18/10/2010, xe khách Hoàng Sơn BKS 48K- 5868, tuyến Nam Định - Đắk Nông chở theo 37 người từ Đắk Nông về Nam Định, qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh đã bị lũ cuốn trôi khiến 20 người thiệt mạng, 17 người khác may mắn được cứu sống.

Tình người trong thời khắc một mất, một còn

Lật những trang báo đã nhàu lưu giữ thông tin của vụ tai nạn hơn 5 năm trước, ông Nguyễn Thanh Thắng (xóm 2, Hải Long, Hải Hậu, Nam Định) trầm ngâm một hồi rồi cất lời: “Với tôi, kí ức về vụ tai nạn như một phần cơ thể mình mà chưa ngày nào tôi quên”.

Khoảng 4h sáng ngày 18/10/2010, chiếc xe chở theo 37 người vượt lũ trong đêm đến đoạn qua địa bàn xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thì chết máy, không thể đi tiếp được. Nước lũ tràn về ngày một nhanh, khiến chiếc xe rời khỏi QL1, tiến dần ra phía hồ Kẻ Gỗ. “Bỗng tài xế quay lại hỏi tôi: “Có phải xe đang tròng trành không bác?”. Biết là xe đang trôi nhưng không ai dám lên tiếng. Mọi người trong xe đều thức dậy. Ngoài trời một màu đen thui, cửa kính đóng kín nên ai cũng mù mờ. Rồi xe dập dềnh, sau đó nghiêng dần sang trái, tài xế hô mọi người dồn bên phải cho cân xe nhưng chỉ được 1 lúc xe lại tròng trành dữ dội hơn”, ông Thắng nhớ lại.

Lúc này, xe đã vượt qua cột tiêu bên đường, phần đuôi xe bắt đầu chìm dần, đầu xe cất lên như chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh. Phát hiện thấy cột điện 500 KV Bắc - Nam bắc qua sông, tài xế Trần Văn Trường (xã Hải Cường, Hải Hậu, Nam Định) người điều khiển chiếc xe lúc bấy giờ, căn cho xe trôi gần đến cột điện thì kêu mọi người đập cửa kính xe thoát ra ngoài.

Với những người trên xe, lúc bấy giờ, chiếc cột điện kia là phao cứu sinh cuối cùng mà bằng mọi giá họ phải bám được. “Mưa tuôn xối xả, sóng đập dồn dập như tát vào mặt, xung quanh là một màu đen, không định hướng được nên bơi về đâu”, ông Thắng bật khóc khi nhớ về khoảng thời gian ở lằn ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Khi vụ tai nạn xảy ra, lãnh đạo huyện Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh cùng các tổ chức cá nhân trong khắp cả nước không chỉ giúp chỗ ăn ngủ, hỗ trợ tinh thần và vật chất mà còn thường xuyên tới thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình. Biết đồ đạc, tài sản đều bị lũ cuốn trôi, trước ngày trở về, chính quyền tỉnh còn hỗ trợ chi phí đi lại cho từng người.

“Dù không nhiều nhưng đó cũng là niềm an ủi nho nhỏ để chúng tôi có thể về nhà thuận lợi hơn”, anh Nguyễn Văn Giá (xóm 16, Hải Tây, Hải Hậu, Nam Định) - nạn nhân may mắn thoát chết tâm sự.

Nhiều lần cố bám vào cột điện nhưng không được, ông buộc lòng quay lại xe bám vào thanh ngang trên mái xe. Lúc này, có khoảng 6 người đã bơi được đến bên cột điện. Nước lũ tràn vào xe qua ô kính vỡ ngày một nhanh. Tiếng la hét thất thanh, tiếng kêu cứu xé tan màn đêm của những hành khách vẫn còn trong xe.

Rồi cứ thế, nước lũ tạo thành vòng xoáy cuốn phăng tất cả xuống lòng sông. “Vòng xoáy vô tình đẩy tôi ra xa. Chưa hết bàng hoàng nhưng không suy nghĩ được nhiều, thấy đèn xe phía bên đường sáng, tôi uống mấy ngụm nước sông rồi cố gắng dùng chút sức lực còn lại bơi vào, bám được vào cành cây ven đường, lúc đó mới biết mình còn sống”.

Thương nhất là anh Đinh Văn Lương (xóm 9, Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) tài xế chính của xe. Trên xe lúc đó còn có phụ xe là Đinh Xuân Trường (21 tuổi, xã Tân Thắng, Cư Jut, Đắk Nông ) người nhận anh Lương làm bố đỡ đầu. Do sức khỏe không tốt lại lái xe vượt lũ suốt quãng đường từ Quảng Bình về Hà Tĩnh căng thẳng nên anh Lương đổi lái cho Trường rồi xuống ghế nằm nghỉ.

Khi xe gặp nạn, anh Lương là một trong những người đầu tiên leo lên được cột điện. Bỗng nghe tiếng kêu cứu thất thanh của Trường “bố ơi, bố cứu con với” vang lên phía trong xe, anh Lương vội bơi trở lại để cứu Trường. “Thế nhưng, Lương đi rồi mãi mãi không trở về nữa. Sau này tôi mới biết, ngày nó mất, vợ nó vừa sinh đứa con thứ ba được một tháng”, ông Thắng bùi ngùi kể.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng theo vào giấc ngủ

20110602094547_a2

Trục vớt ô tô bị lũ cuốn trôi

Nỗi ám ảnh lớn nhất trong ký ức khiến mỗi đêm ông Thắng đều bật khóc là câu chuyện về hai mẹ con chị Trần Thị Huệ và cháu Phạm Thị Vy (2 tuổi) quê Hải Hưng, Hải Hậu, Nam Định. “Số nó cũng khổ cô ạ, sinh ba đứa con gái nên bị chồng và gia đình chồng hắt hủi. Nó vào Nam để gặp anh trai, mượn ít vốn về kinh doanh nuôi các con. Chẳng may trên đường về thì gặp nạn. Tôi còn nhớ như in, ánh mắt, câu nói của nó khi bấu vào cổ áo tôi mà cầu xin: “Bác ơi, bác cứu mẹ con cháu với” lúc tôi chuẩn bị nhảy ra khỏi xe. Nhưng tôi biết cứu kiểu gì đây? Không cứu được, sau khi vớt xe lên, cả hai mẹ con đều mất và mãi sau mới tìm được thi thể của đứa bé. Đau đớn lắm. Nó cầu cứu mà mình không làm gì được”, ông Thắng nghẹn ngào.

Không chứng kiến vụ tai nạn nhưng trước sự ra đi đột ngột của chồng, chị Phan Thị Minh vợ anh Lương vẫn không tin được anh đã mất. Bao đêm nằm thao thức nhớ anh, ôm con mà nước mắt chị lăn dài. Trước ngày mất, anh gọi về nhà hỏi thăm vợ con đã ăn cơm chưa. Hôm đó, cậu con út mới được 1 tháng tuổi đang quấy khóc, con gái thứ hai của anh đã đưa chiếc điện thoại lại gần cho bố nghe tiếng em khóc. Đó cũng là lần cuối anh được nghe thấy giọng vợ con mình.

Nhận tin anh mất, chị Minh không tin vào sự thật vì chị biết anh bơi rất giỏi, không có chuyện anh không bơi vào bờ được. Nào ngờ, anh ra đi trong lúc cố gắng cứu người.

Thời gian dài mất ngủ khiến thần kinh chị Minh bị ảnh hưởng, sức khỏe yếu, phải điều trị. Anh Lương ra đi để lại 3 đứa con thơ dại với số tiền nợ không nhỏ vì gia đình mới xây nhà được vài tháng. Bên ban thờ chồng, chị thắp nén nhang, nghẹn ngào: “Yêu nhau 6 năm, trải qua bao sóng gió, rồi sống với nhau 14 năm không một lần anh to tiếng với tôi, lúc nào cũng yêu vợ thương con. Giờ đây, mỗi lần nhớ đến anh phải một mình dưới lòng sông lạnh, lòng tôi vẫn đau đến thắt lại”.

Dường như hiểu được nỗi lòng của chị, các cháu đều trưởng thành ngoan ngoãn. Người con gái cả là Đinh Thị Trang, hiện đã là sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương vừa học vừa làm gia sư kiếm tiền phụ mẹ. Cô con gái thứ hai Đinh Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 10 trường THPT A Hải Hậu, mỗi sáng đều thức dậy thật sớm để chuẩn bị bánh mỳ mang tới lớp bán cho bạn. “Mỗi ngày được mấy chục nghìn nhưng một tháng cũng kiếm được mấy trăm, có thể giúp mẹ vơi bớt gánh nặng phần nào.

Thấy các con ngoan ngoãn, học tốt tôi cũng thấy được an ủi, chỉ mong có sức khỏe để ở bên các con thật lâu, thay chồng lo toan gia đình”, chị Minh nói và cho hay, tất cả đồ đạc trong nhà đến giờ đều do anh sắm. Chị và các cháu cũng chưa sắm thêm gì, cũng không muốn thay đổi vật dụng nào, bởi tất cả đều là ký ức và kỉ niệm mà anh để lại.

Nhắc chuyện xưa, quý hơn cuộc sống hôm nay

"Cả một thời gian dài sau vụ tai nạn, tôi không tài nào ngủ được, người như mất hồn, nhớ nhớ quên quên, cả ngày đi ra đi vào. Đêm đến, hễ nhắm mắt lại, tiếng la hét, tiếng kêu cứu rồi hình ảnh chiếc xe gặp nạn lại hiện lên. Thời gian đó thật sự rất khó khăn với tôi”, anh Phan Văn Độ (xóm 9, Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) nhớ lại.

Từ cõi chết trở về, anh Độ phải mất vài tháng mới hồi phục tinh thần. 6 tháng sau, anh lấy vợ rồi lập nghiệp tại quê nhà. Đến giờ, anh đã có con trai nhỏ 3 tuổi và chuẩn bị chào đón đứa con thứ hai. “Ngày xe gặp nạn, tất cả giấy tờ, bằng lái xe mà anh vất vả học đều mất. Không thể theo nghề lái xe, anh quyết định ở nhà làm nghề thợ mộc để có thời gian chăm sóc gia đình. “Thời gian đầu học nghề khó khăn lắm, nhưng nghĩ tới vụ tai nạn mình như từ cõi chết trở về, nên thấy khó khăn kia không là gì cả. Mình được sống lần hai thì dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng vượt qua. Sắp tới, khi có vốn ổn định, mình sẽ mở một xưởng mộc của riêng mình”, anh Độ tâm sự đầy hi vọng.

Trong vụ tai nạn xe khách năm ấy, cũng là người Nam Định còn có anh Nguyễn Văn Giá (Hải Hậu) và anh Phạm Đình Nghiệp (Trực Ninh).Trở về quê nhà sau vụ tai nạn, từng cùng nhau vượt qua thời khắc cận kề cái chết giữa sông nước bao la, giữa mưa gió lạnh lẽo, hai người đã quyết định nhận nhau làm anh em kết nghĩa. “Mỗi khi nhà có công có việc, chúng tôi đều gọi cho nhau, coi nhau như anh em ruột trong gia đình. Thỉnh thoảng ngồi với nhau, hai anh em vẫn nhắc đến chuyện xưa. Ký ức dù kinh hoàng nhưng khiến chúng tôi sống mạnh mẽ hơn”, anh Giá tâm sự.

Giờ cuộc sống cũng ổn định, anh Nghiệp hiện đang đi làm ở nước ngoài, còn anh Giá chuẩn bị bán mảnh đất trồng cà phê trong Buôn Mê Thuột để trở về quê nhà sinh sống. Hai anh em dù cách xa nhưng vẫn luôn giữ liên lạc, động viên nhau tiếp tục sống sao cho xứng đáng với sự may mắn mà ông trời đã ban cho.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.