Xã hội

Gia Lai: Lâm tặc quần thảo bốn lần trong hơn một tuần, rừng phòng hộ tan hoang

14/12/2023, 07:30

Chỉ hơn một tuần, đã có đến bốn vụ phá rừng xảy ra tại xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Gia Lai: Tan hoang rừng phòng hộ bị đưa ra khỏi quy hoạch rừng - Ảnh 1.

Lâm tặc bỏ lại phương tiện và tang vật khi bị lực lượng Kiểm lâm phát hiện. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Lâm tặc hoành hành

Ngày 13/12, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông (Gia Lai) cho biết, đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra hàng loạt vụ phá rừng tại xã Ia Mơ. Cụ thể, chỉ trong khoảng hai tuần (từ 26/11 đến 8/12), lực lượng chức năng đã phát hiện bốn vụ phá rừng tại các lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur và xã Ia Mơ quản lý.

Thống kê ban đầu, tổng cộng hơn 450 cây rừng sản xuất, rừng gỗ tự nhiên bị chặt hạ, gồm các loại: Căm xe, cà chít, dầu, bình linh, bằng lăng... Đường kính gốc của các cây từ 10-40cm. 

Tại đây, có những cây gỗ bị người dân cưa vào hơn một nửa thân cây, cách gốc khoảng 20-130cm để cây tự chết dần rồi khai thác. Lâm tặc thường lợi dụng đêm tối và địa hình rộng để trốn tránh lực lượng chức năng.

Mới đây nhất, ngày 8/12, trong lúc lực lượng Kiểm lâm huyện Chư Prông phát hiện, tại tiểu khu 1002 (lâm phần do BQL rừng phòng hộ Ia Muer quản lý) xuất hiện tình trạng lâm tặc tập kết gỗ chuẩn bị vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Khi bị lực lượng Kiểm lâm phát hiện, các đối tượng nhanh chóng "bỏ của chạy lấy người". Chỉ vài phút, nhóm người đã lẫn vào khu vực nương rẫy của người dân ở gần đó, để lại phương tiện và tang vật. Ngay sau đó, lực lượng chức năng cho lập biên bản, tịch thu phương tiện cùng tang vật đưa về UBND xã Ia Mơ tạm giữ.

Ông Lê Anh Dục, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết, khi bị phát hiện, nhóm đối tượng tẩu tán khỏi hiện trường rất nhanh chóng, bỏ lại tang vật.

Tuy nhiên, trước khi rời hiện trường, nhóm lâm tặc này vẫn gây khó cho lực lượng chức năng bằng cách lấy đi tay quay máy nổ, tháo trợ lực của máy để lực lượng chức năng không thể đưa phương tiện về trụ sở để xử lý.  

Các ngành chức năng huyện Chư Prông đang điều tra, xử lý các vụ việc này theo quy định của pháp luật.

"Chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện thành lập các tổ công tác liên ngành và triển khai, tổ chức chốt chặn các tuyến đường ra vào rừng kết hợp tuần tra, truy quét. Đối với những vụ việc đã phát hiện, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn đe, ngăn chặn", ông Dục nhấn mạnh.

Gia Lai: Tan hoang rừng phòng hộ bị đưa ra khỏi quy hoạch rừng - Ảnh 2.

Rừng tại xã Ia Mơ (Chư Prông, Gia Lai) bị triệt hạ. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Quản lý rừng gặp khó khăn

Huyện Chư Prông có trên 32.000ha rừng tự nhiên. Với đặc thù địa bàn rộng có nhiều tuyến đường cắt ngang qua rừng, giáp ranh với nhiều huyện, đặc biệt có đường biên giới giáp Campuchia dài 36,3km và nhiều đường mòn qua lại giữa Việt Nam và Campuchia nên việc quản lý, bảo vệ rừng và việc kiểm soát lâm sản gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơ (Chư Prông) cho biết, riêng xã Ia Mơ đã quản lý khoảng 14.000ha rừng, nhưng việc này cực kỳ khó khăn do địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường cắt ngang qua rừng.

"Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơ đi vào hoạt động với 4.700ha thuộc vùng tưới của công trình không chuyển đổi được mục đích sử dụng rừng, các diện tích này với địa hình bằng phẳng, có các tuyến kênh tưới chạy qua, đường giao thông thuận lợi, vì vậy trong thời gian qua trên địa bàn xã Ia Mơ xảy ra một số vụ xâm hại đến tài nguyên rừng", ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, sau khi nắm thông tin về việc đưa rừng ra ngoài quy hoạch, người dân đã tự ý xâm lấn rừng xung quanh thửa đất đang canh tác. Việc phá rừng là do nhu cầu lấy gỗ về làm nhà, cơi nới nương rẫy, lấn chiếm đất rừng để canh tác sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khu vực rừng biên giới còn xuất hiện vấn nạn thu mua củi diễn ra rầm rộ trong suốt thời gian dài", ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Trong khi đó, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer Nguyễn Trung Văn cho biết, ông vừa được điều đến công tác khoảng 3 tháng.

Tính từ ngày 7/12/2022 đến 23/10/2023, các ngành chức năng huyện Chư Prông đã phát hiện, lập biên bản 17 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp, giảm hai vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Đơn vị quản lý hơn 10.000ha rừng nhưng hiện chỉ có 15 người, đây là điều khiến việc quản lý rừng gặp khó khăn. Trong khi đó, diện tích đất canh tác của người dân nằm xen kẽ trong lâm phần, tạo những mảng "da báo" rất khó quản lý. Người dân thì tâm lý muốn lấy đất để canh tác, khi được hỏi đều nói rằng đất cha ông để lại nên rất khó bảo vệ và quản lý. 

"Ngay khi bắt đầu mùa khô, nhận định tình trạng vi phạm luật lâm nghiệp sẽ diễn biến phức tạp, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn xã truy quét toàn diện. Về phía tỉnh cũng như huyện cũng đã cử cán bộ và bố trí lực lượng thành lập 3 tổ công tác triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và truy quét phá rừng", ông Văn nói.

Hiện trường một vụ phá rừng tại Ia Mơ (Chư Prông, Gia Lai). Thực hiện: Tạ Vĩnh Yên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.