Giáo dục

Giá sách giáo khoa tăng vọt, doanh nghiệp lãi đậm, phụ huynh đau đầu

13/07/2023, 16:29

Chênh lệch giữa giá bán sách SGK mới cao hơn nhiều so với bộ sách cũ khiến phụ huynh “đau đầu”, trong khi doanh nghiệp bán sách lãi đậm.

Đau đầu với giá bán sách giáo khoa

Trước thềm năm học mới, giá bán của các loại sách giáo khoa (SGK) hiện có trên thị trường đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh.

Hiện nay, trên thị trường có 3 bộ SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt đưa vào giảng dạy từ năm học 2023-2024, gồm có bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” và bộ “Cánh diều”.

Trong đó, hai bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục Việt Nam) biên soạn; bộ sách “Cánh diều” được thực hiện bởi Công ty Cổ phần đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC).

img

Sách giáo khoa mới đắt hơn 2-3 lần bộ cũ.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, các bộ SGK mới do NXB Giáo dục Việt Nam và các công ty VEPIC phát hành đều có mức giá cao hơn đáng kể so với giá bộ SGK theo chương trình cũ. Ngoài số lượng đầu sách tăng còn có nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng đến giá bán của các bộ SGK mới này.

Cụ thể, bộ sách SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” lớp 4, lớp 8 và lớp 11 có giá lần lượt là 186.000 đồng, 212.000 đồng và 130.000 đồng.

Bộ “Chân trời sáng tạo” có giá 182.000 đồng đối với lớp 4, 186.000 đồng đối với lớp 8 và 133.000 đồng đối với lớp 11.

Còn lại, bộ “Cánh diều” có giá 230.000 đồng đối với lớp 4, 268.000 đồng đối với lớp 8 và 370.000 đồng đối với lớp 11. Giá bán của các bộ SGK lớp 4 và lớp 8 chưa bao gồm giá sách tiếng Anh trong khi giá SGK lớp 11 chỉ bao gồm giá sách của 6 môn bắt buộc, trừ sách tiếng Anh và Giáo dục địa phương.

Trong khi, theo chương trình cũ, bộ sách giáo khoa lớp 4 (9 quyển) chỉ có giá 87.000 đồng.

Như vậy, SGK của NXB Giáo dục Việt Nam đang thấp hơn 22-26% so với giá bán của các bộ SGK khác, nhưng vẫn cao hơn 2 lần so với bộ SGK của chương trình cũ.

Còn bộ SGK “Cánh diều” gồm 13 quyển, cao gấp 2,64 lần so với giá trung bình của bộ sách cũ.

Doanh thu tăng hơn 120 lần nhờ bán sách giáo khoa

Vào cuối năm 2019, bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” chính thức ra mắt. Cánh Diều là sản phẩm hợp tác xuất bản của VEPIC với 2 đơn vị khác, gồm Nhà xuất bản Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Sư phạm TP.HCM).

Trước thời điểm làm sách giao khoa, đơn vị này lỗ triền miên.

Cụ thể, báo cáo tài chính của VEPIC cho thấy, kết quả kinh doanh từ năm 2017-2019 đều lỗ. Năm 2017, doanh thu đạt 5,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1,9 tỷ đồng; năm 2018, doanh thu sụt giảm còn hơn 5 tỷ đồng, lỗ sau thuế lên tới 10,4 tỷ đồng; doanh thu giảm mạnh về ngưỡng 4,1 tỷ đồng vào năm 2019, lỗ sau thuế tăng lên đỉnh điểm với 14,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cũng bắt đầu tăng vọt, lên 188 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 22 tỷ đồng.

Trong các năm tiếp theo, doanh thu của VEPIC tiếp tục tăng vọt, lên 317,1 tỷ đồng trong năm 2021 và đạt đỉnh điểm 615,7 tỷ đồng trong năm 2022. Khoản lợi nhuận mà đơn vị này mang về cũng theo đó nhân lên, lần lượt đạt 29,6 tỷ và 46 tỷ đồng trong 2 năm này.

Con số doanh thu và lợi nhuận tiếp tục nhân lên nhiều lần vào năm 2022. Riêng mảng bán sách (chiếm 98%) đạt 603 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 211,7 tỷ đồng,

Như vậy, so với giai đoạn 2017-2019, thì năm 2022, doanh thu của VEPIC đã tăng khoảng 123 lần.

Trước làn sóng bức xúc của dư luận khi giá SGK tăng cao, khi xây dựng dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính, Chính phủ đề nghị bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cụ thể.

Song, để thị trường có tính cạnh tranh, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa. Luật Giá sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 cũng quy định áp giá trần và không có giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.