Thị trường

Gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam

19/11/2021, 18:45

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 19/11.

Thép, nhôm, tôm bị áp PVTM nhiều nhất

Theo Thứ trưởng Khánh, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.

Nếu như giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc (15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh) thì con số này trong giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016-tháng 9/2021 là 109 (58 vụ việc chống bán phá giá, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh).

img

Không chỉ riêng Việt Nam, các nước trên thế giới cũng bị áp PVTM với mặt hàng thép nhiều nhất

Giai đoạn trước năm 2005, số tổng số vụ việc khoảng 22 vụ, qua đó tổng số vụ việc tính đến nay là 208 vụ việc.

Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM. Những mặt hàng bị áp nhiều nhất như thép, nhôm, thậm chí là tôm...

Thứ trưởng Bộ Công thương giải thích, các nhà đàm phán thiết kế ra công cụ là PVTM để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết xóa bỏ hàng rào thuế, xóa bỏ hàng rào kinh tế.

“Phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp chủ yếu như biện pháp tự vệ được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến vì cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế, vì hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.

Từ đó, có khả năng gây ra tình trạng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước thì áp dụng biện pháp tự vệ.

Ngoài ra, còn có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng khi hàng hóa xuất khẩu trong nước có biểu hiện bán phá giá và có biểu hiện được Nhà nước trợ cấp để xuất khẩu”, ông Khánh thông tin.

Có thể bị kiện ở bất cứ thị trường nào

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công thương cho biết, nhiều quốc gia một mặt dỡ bỏ rào cản, một mặt áp dụng chính sách nhất định để bảo vệ nền kinh tế trong nước.

“Đặc biệt là sự tăng cường các biện pháp PVTM để bảo vệ chuỗi cung ứng, qua đó để bảo đảm vị thế của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, theo ông Thái.

Ông Thái cho biết, trong bối cảnh, Việt Nam đã tham gia tổng cộng hơn 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương với gần 60 đối tác. Tuy nhiên, có những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, thì lại thiếu tính ổn định vì Việt Nam và Mỹ chưa có quan hệ hiệp định đối tác thương mại tự do.

Vì thế, rủi ro xẩy ra là các doanh ngiệp xuất khẩu Việt Nam dễ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong thời gian tới, với bối cảnh đại dịch Covid-19 làm tăng chi phí vận chuyển lưu thông hàng hóa (logistics), đặc biệt là chi phí container, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các nước sẽ đặc biệt tăng cường các biện pháp bảo vệ chuỗi cung ứng của họ.

Do đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, theo xu hướng, nhiều nước gia tăng các biện pháp PVTM, trong thời gian tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào.

Thậm chí gần đây, các nước xung quanh Việt Nam trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á cũng tăng cường kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.