Thị trường

Giá xăng dầu tiếp tục lập đỉnh, Bộ Công thương nói gì?

14/06/2022, 11:35

Bộ Công thương cho biết, giá xăng dầu thành phẩm tăng cao là nguyên nhân khiến giá nội địa lập đỉnh, nhưng mức tăng hiện đã được kiềm chế...

Tại phiên điều hành giá ngày 13/6, giá xăng RON 95 tiếp tục lập kỷ lục mới, khi mức bán lẻ lên 32.375 đồng/lít sau khi tăng 797 đồng/lít. Xăng E5 RON 92 cũng tăng 882 đồng/lít, lên mức đỉnh mới 31.117 đồng/lít.

Đáng chú ý, ở phiên điều hành giá này, các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều hành này tăng rất mạnh, trên 2.000 đồng một lít. Dầu hoả tăng thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng một lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng một lít…

Đây là mức tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này chỉ trong nửa đầu năm 2022.

img

Giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp và tăng 12 lần kể từ đầu năm

Dù những ngày qua, giá dầu thô thế giới có xu hướng giảm, tuy nhiên, tính chung biến động của tuần giá dầu đã tăng 3 tuần liên tiếp. Đơn cử, kết thúc tuần giao dịch từ ngày 6-12/6, dầu thô WTI tăng 1,5% lên 120,7 USD/thùng, còn dầu Brent tăng gần 2% lên 122 USD/thùng. Đây cũng là lý do khiến giá dầu thành phần tăng cao.

Thực tế, giá bán lẻ xăng dầu trong nước dựa trên giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore (giá Platt), không tính theo giá dầu thô như Brent hay WTI.

Bởi, để có sản phẩm là xăng dầu thành phẩm, dầu thô cần trải qua quá trình lọc. Mỗi thùng dầu thô có dung tích gần 159 lít, sau qua quá trình lọc hoá sẽ cho khoảng 76 lít xăng, còn lại là các sản phẩm dầu diesel, dầu hỏa, mazut...Tức, sản lượng xăng chỉ tương đương ½ lượng dầu thô ban đầu.

Theo Liên Bộ Công thương – Tài chính, nguyên nhân là do giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong hơn 10 ngày qua đã tăng mạnh, nhất là các mặt hàng dầu diezen và dầu hỏa.

img

Biến động giá xăng dầu thành phẩm trước kỳ điều hành ngày 13/6

Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 tăng 5,272 USD/thùng (tương đương tăng 3,66% so với kỳ trước) lên 149,287 USD/thùng; Xăng RON 95 tăng 2,798 USD/thùng (tương đương tăng 1,84%) lên ngưỡng 154,745 USD/thùng; Dầu hỏa tăng tới 18,261 USD/thùng (tương đương tăng 12,62%) lên 162,946 USD/thùng; Dầu diezen tăng 19,628 USD/thùng (tương đương tăng 13,36%) lên 635,931 USD/tấn.

“Nhu cầu xăng dầu được kỳ vọng tăng thêm khi các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nước trên thế giới tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường bị cản trở bởi việc thống nhất trong liên minh Châu Âu về việc tiếp tục gia tăng trừng phạt lên mức 90% sản lượng xăng dầu từ Liên bang Nga; Tồn kho dầu tại Mỹ vẫn ở mức thấp; OPEC+ gia tăng sản lượng nhưng ở mức thấp, không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Liên bang Nga”, là những lý do khiến giá xăng dầu thành phẩm vẫn ở xu hướng tăng, theo Bộ Công thương.

Với mức tăng tại phiên điều hành giá ngày 13/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, đã được hạn chế bớt nhờ chi Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) để đảm bảo “giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng thế giới”.

“Nếu không chi quỹ BOG ở mức 100 đồng/lít với xăng E5 RON 92 thì giá bán sẽ là 31.217 đồng/lít, tăng 982 đồng/lít; Nếu không chi quỹ BOG ở mức 200 đồng/lít với xăng RON 95 thì giá bán sẽ là 32.575 đồng/lít, tăng 997 đồng/lít; Nếu thực hiện trích lập 100 đồng/lít và không chi quỹ BOG với dầu diezen ở mức 400 đồng/lít thì giá bán sẽ là 29.530 đồng/lít, tăng 3.136 đồng/lít; Nếu thực hiện trích lập 100 đồng/lít và không chi quỹ BOG ở mức 300 đồng/lít thì giá bán sẽ là 28.249 đồng/lít, tăng 2.903 đồng/lít;...”, Liên Bộ Công thương – Tài chính thông tin.

Hiện, giá xăng dầu nêu trên đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nhiều đề xuất cho rằng, cần giảm thêm nhiều loại thuế nữa để hạ nhiệt giá xăng dầu, đặc biệt là dòng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.