Thị trường

Giải bài toán tài chính cho chương trình điều chỉnh phụ tải DR

17/11/2022, 15:29

ADB đề xuất sửa đổi nghị định về quy chế quản lý tài chính của EVN, Luật Thuế thu nhập DN hoặc Luật Điện lực hiện hành để thúc đẩy ĐCPT.

Kế hoạch của chương trình điều chỉnh phụ tải (ĐCPT) đặt ra mục tiêu giảm phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua việc triển khai các DSM và DR tối thiểu là 1.500 MW vào năm 2025.

Hiện có 3 chương trình ĐCPT đã được phê duyệt. Thứ nhất là cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp. Với chương trình này, khách hàng tham gia sẽ ký hợp đồng để cung cấp một mức độ ĐCPT nhất định và khách hàng đó sẽ được nhận một khoản tiền mặt trực tiếp từ phía EVN.

img

Thực hiện điều chỉnh phụ tải, ngành Điện sẽ giảm chi phí đầu tư vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện. Ảnh: Hồng Hạnh

Chương trình thứ 2 là “cơ chế giá điện”. Bao gồm, chương trình biểu giá điện hai thành phần (giá điện năng và giá công suất) và chương trình biểu giá điện cực đại thời gian thực (CPP). khách hàng sử dụng điện tự quyết định mức tiết giảm nhu cầu sử dụng điện trong khung giờ cao điểm.

Theo tính toán của ADB, tiềm năng ĐCPT của Việt Nam ngưỡng 4.009 MW, bằng 11,6% nhu cầu phụ tải đỉnh của EVN vào năm 2019.

Trong đó, xét theo loại khách hàng, tiềm năng ĐCPT là khoảng 8% phụ tải sinh hoạt và công nghiệp (gần 1/4 phụ tải thương mại tại thời điểm phụ tải đỉnh của hệ thống, được thúc đẩy bởi tiềm năng tích trữ nhiệt lớn, được xác định trong các cơ sở thương mại).

Tỷ trọng tiềm năng ĐCPT trong nhu cầu nông nghiệp và các nhu cầu khác tại thời điểm phụ tải đỉnh của hệ thống cao tới 40%, do phần lớn phụ tải nông nghiệp là từ bơm tưới và sự dễ dàng trong việc dịch chuyển thời gian hoạt động.

“Cơ chế tự nguyện” là chương trình thứ 3. Cơ chế này có hai chương trình, gồm chương trình ĐCPT điện sử dụng các ưu đãi phi thương mại, tức là không cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp mà đưa ra các ưu đãi gián tiếp, như là được ưu tiên áp dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ và chương trình hoàn toàn tự nguyện, kêu gọi khách hàng tự nguyện giảm tiêu thụ điện năng.

Tuy nhiên, báo cáo từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, dù Việt Nam đã có khung pháp lý rõ ràng, nhưng có ba điểm bất cập pháp lý chính ngăn cản việc thực hiện hiệu quả các chương trình ĐCPT cho đến nay.

Điểm bất cập đầu tiên là, các khoản khuyến khích tài chính ĐCPT không được coi là chi phí kinh doanh hợp lệ của EVN. Điều này gây khó khăn cho EVN khi thực hiện chương trình tiết giảm phụ tải điện (CLP) và chương trình tiết giảm phụ tải điện khẩn cấp tự nguyện (EDRP).

Tiếp đến là vấn đề “những thay đổi đối với cơ cấu giá điện phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Hiện, cơ cấu giá điện để thực hiện chương trình ĐCPT theo “cơ chế giá điện” chưa thực hiện được do cơ chế chưa thay đổi.

Đặc biệt, vấn đề được ADB nhấn mạnh là, EVN phải đối mặt với những hạn chế trong việc chuyển giao bán tài sản cho khách hàng, chẳng hạn như EVN không thể tài trợ cho các khoản đầu tư điều chỉnh phụ tải và được khách hàng hoàn trả theo thời gian (giới hạn tương tự cũng áp dụng cho các khoản đầu tư tiết kiệm năng lượng).

Cụ thể, hiện việc bán hoặc xử lý tài sản của EVN được điều chỉnh theo Nghị định số 10 về cơ chế quản lý tài chính của EVN. Theo đó, trường hợp nhượng bán tài sản cố định có giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng (~ 4.300 USD), Tổng giám đốc của EVN quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá thị trường;

Trường hợp tài sản cố định không có giao dịch trên thị trường thì EVN được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản theo các phương thức trên; trường hợp phương án nhượng bán tài sản cố định của EVN không có khả năng thu hồi đủ vốn đã đầu tư, EVN phải giải trình rõ nguyên nhân không có khả năng thu hồi vốn báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Bộ Tài chính trước khi nhượng bán tài sản cố định để thực hiện giám sát.

img

Hiện EVN đang cung cấp các dịch vụ điện đến 99,7% số hộ dân trong cả nước và đã ký 3,034 triệu hợp đồng mua bán điện phục vụ ngoài mục đích sinh hoạt với các doanh nghiệp

Những điều trên thể hiện, các quy định đối với các dự án ĐCPT là EVN không thể tài trợ trực tiếp cho các tài sản điều chỉnh phụ tải mà sau đó được nhượng bán cho chủ sở hữu là các công ty điện lực. Thay vào đó, tùy thuộc vào giá trị tài sản, EVN sẽ cần đấu giá hoặc bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá thị trường.

“Điều này thực tế ngăn cản EVN tài trợ cho các tài sản điều chỉnh phụ tải của khách hàng, cho dù sử dụng vốn chủ sở hữu hay vốn cho vay lại (ví dụ: dưới hình thức khoản vay ưu đãi của ADB)...”, ADB nhận định.

Để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho chương trình ĐCPT trong thời gian tới, ADB đề xuất sửa đổi nghị định về quy chế quản lý tài chính của EVN, để cho phép các khoản ưu đãi theo cơ chế khuyến khích tài chính điều chỉnh phụ tải được coi là chi phí hợp lệ cho mục đích tính giá;

Hoặc sửa đổi luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc sửa đổi nghị định về quy chế quản lý tài chính của EVN;

Hoặc áp dụng một trong hai giải pháp thay thế - sửa đổi thông qua luật điện lực vì đây là vấn đề đặc thù của ngành điện; hoặc đề xuất Quốc hội phê chuẩn việc bãi bỏ yêu cầu trong luật thuế cho mục đích cụ thể này.

Đề xuất dự án đầu tư điều chỉnh phụ tải

Theo ADB, việc phân tích tiềm năng cho thấy, việc giảm hoặc dịch chuyển thời gian hoạt động của các cơ sở phụ tải không thiết yếu trong công nghiệp và cơ sở bơm nông nghiệp có cả tiềm năng cao nhất và chi phí thấp nhất trong số các biện pháp được xác định. Tuy nhiên, rất khó để xác định các dự án đầu cụ thể nếu không có kiểm toán năng lượng cụ thể cho từng cơ sở, điều mà hiện nay vẫn chưa có.

Biện pháp có tiềm năng ĐCPT lớn nhất tiếp theo là điều chỉnh phụ tải trực tiếp (DLC) đối với điều hòa không khí hộ gia đình. Nhưng việc thực hiện biện pháp này lại gặp nhiều khó khăn do số lượng lớn các khách hàng nhỏ tham gia, đồng nghĩa với chi phí quản lý rất cao.

Do đó, dự án đầu tư điều chỉnh phụ tải được đề xuất từ phía ADB là đầu tư vào tích trữ nhiệt để làm mát trong các cơ sở thương mại (ví dụ kho lạnh và các tòa nhà văn phòng lớn). Biện pháp này có tiềm năng lớn thứ ba và có chi phí thấp hơn so với các biện pháp khác dành cho khách hàng thương mại và công nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.