Quản lý

Giải ngân vốn giao thông liên tiếp lập kỷ lục

25/08/2023, 08:00

Với mục tiêu hoàn thành giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao trong năm 2023, nhiều giải pháp đã và đang được Bộ GTVT thực hiện.

Cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông, bước vào nhiệm kỳ 2021-2025, ngành GTVT được giao một khối lượng công việc vô cùng lớn.

Cam kết chịu trách nhiệm tiến độ giải ngân

img

Ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) thông tin, nếu nửa nhiệm kỳ trước (2016-2018), kế hoạch vốn được phân bổ cho Bộ GTVT là hơn 111.000 tỷ đồng thì nửa nhiệm kỳ này (2021-2023), con số lên tới hơn 192.000 tỷ đồng.

Cách đây khoảng 5 năm (2018), kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT chỉ hơn 27.000 tỷ đồng, năm 2019 là hơn 30.000 tỷ đồng, năm 2020 hơn 36.000 tỷ đồng, năm 2021 xấp xỉ 43.000 tỷ đồng, năm 2022 hơn 55.000 tỷ đồng thì năm 2023, kế hoạch tăng vọt lên hơn 94.000 tỷ đồng (cao gấp 2,2 lần năm 2021 và gấp 1,7 lần năm 2022).

Khối lượng công việc, giá trị phải giải ngân là rất lớn, giá trị năm sau luôn cao kỷ lục so với các năm trước, song Bộ GTVT luôn coi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và luôn nỗ lực phấn đấu để giải ngân tối đa.

Ngoài sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT cũng nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng cũng như sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Với mục tiêu hoàn thành giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao trong năm 2023, nhiều giải pháp đã và đang được Bộ GTVT thực hiện.

Cụ thể, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Các chủ đầu tư/Ban QLDA phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về tiến độ giải ngân; kịp thời điều hòa, điều từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân nhanh.

Các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân sẽ được chấn chỉnh, nặng hơn là thay thế.

Lãnh đạo Bộ cũng được phân công thường xuyên kiểm tra tiến độ giải ngân. Trong đó, đối với các dự án đang thi công có khối lượng lớn, tổ chức thi công 3 ca tại hiện trường.

Công tác nghiệm thu, thanh toán được đẩy nhanh; kịp thời điều hòa từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân nhanh.

Bám sát mục tiêu, tạo đột phá ưu tiên liên vùng

Theo ông Thìn, bám sát các mục tiêu tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ, trong suốt thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung vào các công trình trọng điểm, tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên vùng để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn về giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và logistics.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000km, thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km; Hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư nối thông đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội…

Cùng đó là hoàn thành xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nâng cấp cảng hàng không Điện Biên; triển khai nghiên cứu, đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Các cảng biển cửa ngõ (cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Lạch Huyện) cũng sẽ được nâng cao năng lực.

Kết cấu hạ tầng giao thông sẽ được từng bước đồng bộ, hiện đại, được quy hoạch bảo đảm phân bổ nguồn vốn hợp lý, hài hòa giữa các vùng động lực như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

“Công tác đầu tư cũng đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung vào đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai của thành phố Hà Nội và TP.HCM, các tuyến cao tốc trục Đông - Tây”, ông Thìn thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.