Thị trường

Giờ cao điểm tiêu thụ điện dịch chuyển mạnh, cần cơ chế để doanh nghiệp chung tay

09/04/2024, 11:52

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, sau 10 năm vận hành, giờ cao điểm từ 9h - 11h đã chuyển sang từ 13h - 15h30 và thêm giờ cao điểm vào 21h - 23h.

Chính vì lý do này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong muốn các khách hàng sử dụng điện, cùng với tập đoàn xem xét những dây chuyền sản xuất, thành phần có thể dịch chuyển được giờ sản xuất để tránh giờ cao điểm, nhằm đảm bảo tốt hơn việc cung ứng điện.

Thông tin này được ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN nêu tại tọa đàm trực tuyến "Chia sẻ trách nhiệm cung ứng điện cao điểm mùa khô năm 2024", do báo Vietnamnet phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc tổ chức ngày 8/4.

Giờ cao điểm tiêu thụ điện dịch chuyển mạnh, cần cơ chế để doanh nghiệp chung tay- Ảnh 1.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN.

Cần chuyển nhu cầu sử dụng điện ra khỏi giờ cao điểm

Theo ông Lâm, tập đoàn đã trao đổi với khách hàng sử dụng điện để làm sao thực hiện các chương trình dịch chuyển phụ tải phi thương mại, trong trường hợp hệ thống điện có khó khăn về công suất cực đại.

Để làm được điều này, ông Lâm cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ từ Sở Công thương các tỉnh và khách hàng tiêu thụ điện lớn.

"Hiện, mức độ tăng trưởng điện thương phẩm của 3 tháng đầu năm đã cao hơn rất nhiều so với dự báo so với năm 2024 của Bộ Công thương và kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Chính vì vậy, công tác cùng nhau chia sẻ để đảm bảo được việc cung ứng điện năm 2024 là việc rất quan trọng và cấp bách", ông Lâm nói.

Thời gian qua, Cục Điều tiết điện lực đã phối hợp tổ chức nhiều Đoàn công tác rà soát các nội dung chuẩn bị đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2024, đánh giá kết quả, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhận định, các cơ quan đơn vị điện lực đã chủ động triển khai các giải pháp bảo bảo cung ứng điện, tuy nhiên, việc này đang dựa trên kịch bản mọi thứ đều diễn ra bình thường, không có gì đột biến.

Song hiện phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về các tháng cao điểm mùa khô có dấu hiệu thấp hơn trung bình nhiều năm. Thế nên, theo ông Hữu, việc cân đối cung ứng điện ở các tháng cao điểm mùa khô năm nay dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khi xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục và sự cố nhiều nhà máy nhiệt điện cùng một lúc.

Trong những điều kiện như vậy, ông Hữu nhấn mạnh, để chủ động đối phó với những nguy cơ đó, thì ngoài nỗ lực của ngành điện, rất mong sự chung tay của khách hàng sử dụng điện trong việc tham gia các chương trình tiết kiệm điện, tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện, chủ động chuyển nhu cầu sử dụng điện chưa cấp thiết ra khỏi khung giờ cao điểm để giảm áp lực cung ứng điện trong giờ cao điểm đó…

Giờ cao điểm tiêu thụ điện dịch chuyển mạnh, cần cơ chế để doanh nghiệp chung tay- Ảnh 2.

Ông Trần Minh Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Về việc này, ông Trần Minh Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nhiều lần khẳng định, chắc chắn nếu không có sự chung tay của khách hàng, của nhân dân, của doanh nghiệp, của chính quyền thì thực sự chúng tôi khó "qua ải nắng nóng năm nay.

"Việc chung tay hỗ trợ của các khách hàng, doanh nghiệp trong việc giảm tải trong các khung giờ cao điểm có vai trò rất to lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong hè 2024 nói riêng và giai đoạn 2024-2030 nói chung", ông Dũng nói.

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Là tỉnh được đánh giá là "thủ phủ" công nghiệp của miền Bắc – nơi có nhiều doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn, ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã rất tích cực trong việc vận động doanh nghiệp tham gia vào điều chỉnh phụ tải. Đến nay, có khoảng 200 doanh nghiệp cam kết thực hiện, sản lượng dự kiến điều chỉnh khoảng trên 70 MW.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết đặc thù của Bắc Giang đa phần là doanh nghiệp sản xuất điện tử, sản xuất pin mặt trời. Do vậy, điều chỉnh phụ tải gặp rất nhiều khó khăn.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, đích thân chủ tịch UBND đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, cả trực tuyến và trực tiếp, có làm việc với tất cả doanh nghiệp lớn, đề nghị doanh nghiệp phối hợp với ngành điện, để xây dựng chương trình phụ tải điện.

Thế nhưng, ông Hoàn cũng thừa nhận, chương trình này là tự nguyện, nên việc kêu gọi doanh nghiệp chung tay cũng còn nhiều hạn chế. Vì thế, ông đề xuất có cơ chế để chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp, có lợi cho cả doanh nghiệp, cả ngành điện, cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.

Giờ cao điểm tiêu thụ điện dịch chuyển mạnh, cần cơ chế để doanh nghiệp chung tay- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang.

Về việc này, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói thêm, hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã và đang thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại, có nghĩa là khách hàng tham gia trên tinh thần hợp tác và tự nguyện là chính, đổi lại khách hàng được một số lợi ích như: được thông báo cấp điện trở lại sớm nhất trong trường hợp có sự cố mất điện; Được vào danh sách khách hàng ưu tiên đảm bảo điện; Được tri ân hàng năm; Được miễn phí nhân công bảo trì, bảo dưỡng MBA và các chăm sóc khách hàng khác (tùy theo điều kiện thực tế của Công ty Điện lực).

"Khó khăn lớn nhất khi làm việc và thu hút khách hàng thực hiện là hiện chưa có cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn đối với doanh nghiệp và người dân khi tham gia các chương trình tiết kiệm điện cũng như chưa có chế tài đối với các khách hàng sử dụng điện không chấp hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", ông Dũng nói và mong muốn cần có chính sách thu hút khách hàng cùng chung tay với ngành điện. 

Cơ sở đưa ra kiến nghị này, theo ông Dũng, trong trường hợp khách hàng dịch sang khung giờ giá cao sẽ phải mất thêm chi phí tiền điện, còn dịch sang khung giờ giá thấp ban đêm sẽ liên quan đến chi phí sản xuất khác bao gồm tiền điện, nhân công, ca kíp, chi phí làm thêm giờ... 

"Đây là những khó khăn không dễ thuyết phục khách hàng khi cả hai đều biết cơ chế, chính sách còn không đủ hấp dẫn", ông Dũng trăn trở.

Về góc độ người làm chính sách, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, chính sách này cần làm sớm để thúc đẩy hơn nữa mục tiêu tiết kiệm điện Chính phủ đề ra.  Ông cho rằng, với những trăn trở của ông Dũng hoàn toàn có cơ sở để xây dựng chính sách nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp.

Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 20 về công tác thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05 về đảm bảo cung ứng điện, than, dầu khí để đảm bảo điện cho năm 2024.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.