Giới trẻ ít đọc, cần trách người… viết sách

21/04/2014, 06:14

Đây là ý kiến khá sốc của nhà văn Chu Lai tại "Tọa đàm giao lưu tác giả tác phẩm" tổ chức hôm qua tại Thư viện Quốc gia - một hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam.

Những cuốn sách hay giúp hình thành một tâm hồn đẹp cho lớp trẻ
Những cuốn sách hay giúp hình thành một tâm hồn đẹp cho lớp trẻ


Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động rất mạnh mẽ tới giới trẻ. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề văn hóa đọc sách. Vậy, giới trí thức thế hệ trước như giáo sư sử học, nhà văn, nhà phê bình… nghĩ gì? Nhân ý kiến rất góc cạnh và có phần nào gây sốc của nhà văn Chu Lai, PV Báo Giao thông đã tìm hiểu về vấn đề này qua ý kiến của GS - nhà phê bình văn học Phong Lê, GS sử học Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc.

Muốn thành người, phải đọc sách  


Giáo sư sử học Lê Văn Lan đặt ra thách thức trong văn hóa đọc hiện nay. Ông cho rằng chúng ta đã có một thời văn minh “đọc và nghĩ” nhưng bây giờ người ta chỉ cần “nghe và nhìn” như: Chat Yahoo Messenger, Skype hay mạng xã hội Facebook, Twitter. Vậy nên, văn hóa đọc đặt trong bối cảnh ở một lát cắt thời gian là câu chuyện của thời… đã qua.


“Thấy cái gì lạ, thấy cái gì không giống như mình rất chăm chú và bị cái đó cuốn hút. Đó là thách thức lớn buộc chúng ta phải gồng mình lên, phát huy những giá trị văn hóa đọc và văn minh đọc - nghĩ một thời rực rỡ của dân tộc để ứng xử, đối phó, tự cứu mình trong lúc rối bời như thế này.
 

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định về việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng tôn vinh vai trò của sách trong đời sống xã hội, qua đó, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với việc trang bị kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Giáo sư Lê Văn Lan hy vọng rằng, xã hội hãy cố gắng thế nào lôi cuốn, phát huy tác dụng của cuốn sách, văn hóa đọc chân chính, tác động vào những người đang bị cuốn hút vào mặt trái của nền văn minh nghe - nhìn.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học - Giáo sư Phong Lê cho rằng: “Nói đến sách là nói đến nền văn hóa, văn hiến của dân tộc. Thời nào thì văn minh, văn hóa dân tộc cũng được ghi trong sách. Với sách, dân tộc ta trưởng thành. Với sách, dân tộc ta ghi nhận những quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. 


Việc mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam để chúng ta lưu giữ và hồi nhớ lại những giá trị của sách; Giáo sư Phong Lê cho rằng, đọc mạng, đọc báo đều được, đều tốt nhưng đừng quên đọc sách. Con người có nhu cầu thông tin từ nhiều nguồn, nhưng để làm người chân chính, trưởng thành làm chủ đất nước thì phải đọc sách. Bởi trong sách chứa kho tàng tri thức của nhân loại. Các tri thức về khoa học như: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn bồi dưỡng tâm hồn tình cảm và trí tuệ con người. 


“Đọc tin tức là để cập nhật những cái xung quanh và không bị lạc hậu với những cái xung quanh còn thành người thì phải đọc sách”, Giáo sư Phong Lê đúc rút.


Về phần mình, nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng: “Có những hạn chế của văn hóa đọc là do những thay đổi quá nhanh của công nghệ và chính sự điều chỉnh của bản thân mọi người. Trong bối cảnh này, có quá nhiều cái hấp dẫn ập đến trong khi tuổi trẻ lại luôn có xu hướng tìm đến những cái mới lạ. Trong việc tìm cái mới cũng có mặt trái của nó, nếu bạn trẻ nào mất tỉnh táo thì phải nhận hậu quả”.


Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “câu hỏi đặt ra bạn trẻ đọc cái gì? Cái gì ở đây phải từ hai phía. Thứ nhất là nhu cầu nội tại của các bạn trẻ, ví dụ tôi là người định hướng về tin học, tôi sẽ đọc sách về tin học nhiều hơn. Thứ hai là định hướng về xã hội, nếu những gì bày ra trước mặt các bạn trẻ đều là những cái vô bổ, đó là trách nhiệm của gia đình, của xã hội”.

Đừng chê trách các bạn trẻ  


Theo nhà văn Chu Lai, “gần đây văn hóa mạng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sức mạnh công phá kinh hoàng của Facebook đã đe dọa văn hóa đọc sách. Tuy nhiên, đó chỉ để thỏa mãn cái tức thì, tò mò của con người còn nếu cầm cuốn sách chúng ta sẽ ngấm mùi vị cuộc sống vào người, thấy cuộc đời này tốt hơn. Không thứ cộng hưởng nào đem lại cảm xúc sâu thẳm và mãnh liệt như sách. Đọc sách sẽ giàu có về tâm hồn, không bị khô héo, làm con người rạng rỡ”. 
 

"Đọc tin tức là để cập nhật những cái xung quanh và không bị lạc hậu với những cái xung quanh còn muốn thành người hoàn thiện thì phải đọc sách”.

GS. Phong Lê

Nhà văn Chu Lai bày tỏ quan điểm thẳng thắn về câu hỏi tại sao hiện nay giới trẻ ít đọc sách: “Theo tôi, bây giờ mọi người - đặc biệt là các bạn trẻ - quay lưng lại với sách thì chúng ta cũng không thể đổ lỗi cho cái gì hết. Cần nhìn nhận là: Nếu có chê trách thì đó là lỗi của người viết sách”. 

Cũng theo nhà văn Chu Lai, điều cần thiết để duy trì văn hóa đọc là các tác giả cần phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm của mình, làm chúng trở nên hấp dẫn hơn mà vẫn lắng đọng trong lòng bạn đọc. Có như thế văn hóa đọc mới không bị hờ hững, bị lu mờ trong thời đại số với quá nhiều loại hình giải trí hấp dẫn không ngừng ra đời.

Phạm Lý

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.