Đường bộ

Gỡ khó cấp phép xe quá khổ chở ô tô thành phẩm

19/04/2023, 17:55

Cục Đường bộ VN sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy phép vận chuyển đối với loại xe quá khổ chở ô tô thành phẩm.

Khoảng 30 nghìn xe ô tô chưa được vận chuyển

Gần hai tháng nay, hàng chục xe kéo sơ-mi-rơ-mooc vận chuyển xe ô tô con thành phẩm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Phú Sơn phải nằm bãi vì không xin được giấy phép vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng. Hậu quả, công ty không có nguồn thu, người lao động phải nghỉ việc.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc điều hành Công ty cho hay, do mặt hàng vận chuyển là ô tô nguyên chiếc nên các sơ-mi-rơ-mooc chuyên dụng để vận chuyển loại hàng hóa này có chiều rộng thùng xe 2,78m. Kích thước này vượt quá khổ giới hạn cho phép quy định tại Thông tư 46 là 2,5m. Vì vậy các sở GTVT, Khu quản lý đường bộ đã dừng cấp phép lưu hành cho xe kéo sơ-mi-rơ-mooc quá khổ chở xe ô tô tờ đầu tháng 3/2023.

img

Cục Đường bộ VN sẽ chỉ đạo cấp phép cho xe quá khổ chở xe ô tô ngay trong ngày hôm nay

"Cùng với hàng nghìn phương tiện phải dừng hoạt động là hàng nghìn người lao động sẽ mất việc làm. Nhiều công ty vận chuyển đối mặt với thua lỗ và nguy cơ phá sản. Hệ thống phân phối sản phẩm của ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và phân phối ô tô trên lãnh thổ Việt Nam bị tê liệt”, ông Toản cho hay.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Hảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh cho hay, Thông tư 46 yêu cầu có phương án vận chuyển khác thay thế được việc vận chuyển ô tô bằng các sơ- mi-rơ-mooc chuyên dùng như vận chuyển bằng đường sắt hay đường biển.

Tuy vậy, năng lực vận tải đường sắt không đáp ứng, mỗi năm chỉ chở được không quá 1.000 xe so với hàng trăm nghìn xe cần vận chuyển. Cũng như vậy, vận tải biển với những hạn chế về cảng và luồng tuyến cũng chỉ có thể đáp ứng được 10-15% nhu cầu. Hơn nữa, khi sử dụng cả hai loại hình này, vẫn cần phải sử dụng kết hợp với vận chuyển đường bộ để vận chuyển từ các nhà máy đến ga, cảng và từ các ga, cảng đến đại lý, nhà phân phối xe.

Về mặt phương tiện, ông Hảo cho hay, Thông tư cũng yêu cầu lựa chọn phương tiện phù hợp hơn so với việc dùng các sơ- mi-rơ-mooc chuyên dùng quá khổ. Thực tế có thể sử dụng phương tiện chỉ chở 1 hoặc 2 xe ô tô thành phẩm trên 1 xe tải tuy nhiên điều này dẫn số lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng lên gấp nhiều lần mới đáp ứng được yêu cầu.

“Trung bình thị trường ô tô cần vận chuyển 30.000 xe/tháng, đây cũng là số xe ùn tắc tại các cảng, nhà máy hiện nay. Thay vì 5.000 chuyến thì giờ cần đến 30.000 chuyến xe ra đường, gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Quan trọng hơn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của ô tô sản xuất trong nước so với xe nhập khẩu, chi phí vận chuyển sẽ rất lớn, các chủ hàng và các công ty vận tải không thể trang trải nổi”, ông Hảo nói.

Đề xuất sớm tháo gỡ

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, việc cấp giấy phép lưu hành xe được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.

Trước đây, các doanh nghiệp sử dụng loại xe có kích thước chiều ngang 2,5m nên không thuộc loại xe quá khổ giới hạn. Do nhu cầu sản xuất và tiêu thụ tăng, gần đây các doanh nghiệp vận tải nhập xe lớn hơn với chiều rộng 2,78m, theo quy định tại Thông tư 46, loại xe này là xe quá khổ giới hạn.

Theo ông Thắng, văn bản pháp luật đã quy định, phương tiện quá khổ giới hạn chỉ được dùng để chở hàng quá khổ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sử dụng xe quá khổ nhưng lại chở xe ô tô con không phải hàng quá khổ.

Hiện nay việc cấp giấy phép lưu hành xe đối với xe quá khổ giới hạn lưu thông chở hàng hóa là ô tô, chưa được quy định trong Thông tư 46 do bản thân hàng hóa ô tô không phải hàng siêu trường, siêu trọng và có thể thực hiện vận chuyển ô tô bằng các phương tiện khác có kích thước nhỏ hơn (không phải là phương tiện quá khổ giới hạn) và phương thức vận chuyển khác (đường thủy, hàng hải, đường sắt…).

Khẳng định việc cấp phép đối với chở hàng siêu trường, siêu trọng vẫn đang được các sở GTVT, Khu quản lý đường bộ cấp phép bình thường, không xảy ra ách tắc, ông Thắng cho hay, chỉ còn vướng đối với xe quá khổ vận chuyển xe ô tô thành phẩm.

Trước mắt, để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy phép lưu hành đối với loại xe này, Cục Đường bộ VN đã báo cáo Bộ GTVT xem xét tháo gỡ một số điều kiện cụ thể về kết cấu hạ tầng đường bộ, điều kiện lưu thông.

Cục cũng sẽ có văn bản chỉ đạo các sở GTVT, Khu Quản lý đường bộ khu vực xem xét cấp phép vận chuyển cho một số trường hợp như tuyến đường vận chuyển đủ điều kiện như có làn đường rộng 3,5m. Các tuyến đường nhỏ hơn, doanh nghiệp phải dùng xe trung chuyển. Bên cạnh đó, khi cấp phép sẽ hạn chế cấp vào giờ cao điểm và kiến nghị tháo gỡ một số nội dung khác.

“Các quy định tạm thời này sẽ được áp dụng thí điểm trong 3 tháng từ 19/4 - 19/7. Quá trình thực hiện sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để Cục nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 46/2015”, ông Thắng cho hay.

Theo ông Bradley Christian Anthony Kelly, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA), chiều rộng trung bình của xe ô tô là 2m, khi mở cửa cho tài xế ra vào kích thước của xe tăng thêm khoảng 0,5m nên việc sử dụng xe quá khổ giới hạn để vận chuyển ô tô là yêu cầu khách quan.

“Hiện có khoảng 80% doanh nghiệp vận tải thực hiện dịch vụ chở sản phẩm ô tô cho các thành viên VAMA sử dụng xe chuyên dụng có chiều rộng lớn hơn 2,5m. Việc không được sử dụng loại xe này khiến sản phẩm xe ô tô của VAMA bị ùn ứ tại cảng, nhà máy, không thể đưa đến hệ thống đại lý, nhà phân phối, cũng nhơ] không thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, ông Bradley Christian Anthony Kelly cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.