Thế giới giao thông

Góc khuất những ga tàu ở Ấn Độ

19/11/2023, 08:15

Tại các nhà ga đường sắt ở Ấn Độ, rất nhiều trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa lấy nơi đây làm nhà và phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng, rơi vào con đường sa ngã.

Bao nhiêu trẻ cơ nhỡ, bấy nhiêu hoàn cảnh

Trong một bài viết vừa đăng tải, tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) đã chia sẻ câu chuyện về Arjun - một em nhỏ trong số hàng nghìn trẻ đang sinh sống tại các nhà ga ở Ấn Độ.

Lý do khiến Arjun lạc mất gia đình vô cùng bất ngờ. Khi em xuống tàu đi lấy nước uống bên trong nhà ga thì chuyến tàu có cha mẹ em đột ngột khởi hành. "Em không chạy đuổi kịp tàu và thế là mất bố mẹ", Arjun chia sẻ.

Kể từ đó, Arjun không gặp lại gia đình. Bỗng nhiên rơi vào cảnh vô gia cư, Arjun phải đối mặt với rất nhiều thành phần ở ga tàu, người thì nghiện ngập, người thường xuyên tụ tập đánh nhau. Để an toàn, Arjun phải sống thành nhóm cùng nhiều trẻ khác.

Không chỉ vậy, khi sống ở ga tàu, Arjun thường xuyên nhận những ánh mắt coi thường từ hành khách qua lại. "Mọi người đánh đồng chúng cháu với những kẻ móc túi hoặc ăn trộm. Lâu dần, nhiều người không giữ được mình mà biến chất thành chính những người như vậy", Arjun chia sẻ.

Góc khuất những ga tàu ở Ấn Độ  - Ảnh 1.

Arjun bị lạc gia đình và phải lang thang, sống tạm tại các nhà ga Ấn Độ. Nguồn: SCMP

Trong một bài viết về cảnh ngộ của những đứa trẻ lang thang ở nhà ga Ấn Độ khác, tờ DW (Đức) chia sẻ câu chuyện về cậu bé Debrath.

Khác với Arjun bị lạc mất gia đình, cậu bé Debrath, 11 tuổi, tự bỏ nhà ra đi. Là đứa trẻ nhút nhát, đang tuổi đi học nhưng Debrath thường xuyên bị cha ép đi làm kiếm tiền dù mới 10 tuổi. Có lúc Debrath phải làm việc khoảng 12 giờ/ngày, lau chùi đồ dùng tại một khách sạn ở Assam.

Để thoát khỏi cảnh đó, Debrath quyết định bỏ nhà đi và lang bạt đến thủ đô Ấn Độ mà không biết điều gì sẽ chờ đợi mình.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Debrath rời quê hương ở bang phía đông Assam, lên tàu và dừng chân ở một ga xe lửa ở New Delhi. Hiện cậu ở cùng với nhiều người bạn mới ở Delhi, chung cảnh ngộ bị bắt đi làm, bị lạm dụng hoặc bỏ trốn.

Khi đến Delhi, Debrath trở thành bạn thân của Shekhar, 12 tuổi. Cậu bé Shekhar cũng bỏ trốn khỏi nhà ở bang Uttar Pradesh nhiều năm trước để thoát khỏi đòn roi của người cha nghiện rượu.

Sau khi trốn khỏi nhà, cậu bé Shekhar bắt đầu sống ở tại các nhà ga xe lửa. Cuối cùng, cậu bé đến nhà ga New Delhi ba tháng trước và sau đó được chuyển tới một cơ sở chăm sóc gần đó.

Những con số đáng báo động

Theo trang DW, hai cậu bé Debrath và Shekhar không phải là những trường hợp cá biệt. Cục hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ cho biết, có hàng nghìn trẻ em mất tích tại nước này mỗi năm.

Riêng năm 2020, có tới 59.262 trẻ em mất tích ở Ấn Độ. Một số bất ngờ bị chia cắt với cha mẹ, số khác bị bỏ rơi hoặc tự các em bỏ trốn do hoàn cảnh bị bóc lột tại quê nhà. Năm 2020, chưa tới một nửa trong số này được đoàn tụ với gia đình.

Cũng theo dữ liệu từ Rail Children, một tổ chức quốc tế hoạt động vì trẻ em lang thang tại nhà ga, cứ 8 phút lại có một đứa trẻ được đưa vào diện mất tích ở Ấn Độ.

Cũng theo nhà hoạt động vì quyền lợi trẻ em Anjani Tiwari, mỗi ngày, số lượng người đến và rời đi các nhà ga Ấn Độ là rất lớn, đêm cũng như ngày. Như tại ga New Delhi, mỗi ngày phục vụ khoảng 400 chuyến và ở đó, có khoảng 75 trẻ bị mất tích.

Chia sẻ với báo DW, ông Mohammad Tanveer, một chuyên gia bác sĩ tâm thần tại Salaam Baalak Trust cho biết, phần lớn trẻ em sinh sống ở nhà ga đều trải qua một số hình thức lạm dụng thể chất và tinh thần.
“Khoảng 90% trong số đó có các triệu chứng trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Chúng tôi cố gắng mở những buổi tư vấn và trị

Các em đến từ khắp nơi trên Ấn Độ, không ai biết nơi trẻ bị lạc và lạc như thế nào. Trong số những đứa trẻ mất tích tại ga, chỉ 10% tìm lại được gia đình. Những đứa trẻ lang thang tại nhà ga cứ thế đông dần lên và gây không ít vấn đề về an toàn, vệ sinh cho hạ tầng đường sắt.

Mặt khác, theo trang SCMP, do không có nhiều sự hỗ trợ từ xã hội, những trẻ em này sau đó thường phải ăn xin, bị ngược đãi và bóc lột.

Nhà hoạt động Anjani Tiwari cũng cho hay: "Trẻ em bị mắc kẹt tại các nhà ga. Cuộc sống của các em rất dễ bị hủy hoại nếu không nhận được hỗ trợ. Ước tính một đứa trẻ sống lủi thủi tại nhà ga trong 72 giờ rất dễ bị lạm dụng, bao gồm cả lạm dụng tình dục, ma túy. Và nếu đứa trẻ sống ở nhà ga nhiều tháng hay nhiều năm, thì tình trạng của các em ra sao là điều mọi người có thể đoán được".

Một số trẻ em may mắn hơn, như Debrath và Shekhar, được các tổ chức phi lợi nhuận như Salaam Baalak Trust giải cứu.

Đơn vị này thường tổ chức các đội đi đến các nhà ga để giúp đỡ những đứa trẻ bị lạc hoặc bỏ nhà.

"Sau khi tìm thấy những đứa trẻ này ở sân ga, điều đầu tiên chúng tôi làm là đưa đến đơn vị chăm sóc, cung cấp thức ăn và quần áo. Sau đó, sẽ có nhân viên tư vấn thăm hỏi các em về gia đình và địa chỉ ", bà Meena Kumari, một nhân viên phúc lợi tại tổ chức này chia sẻ với DW.

Theo bà, những trẻ em này thường không dễ dàng cởi mở, phải mất vài ngày hoặc vài tuần các em mới bắt đầu chia sẻ thông tin. Một số trẻ không nhớ địa chỉ nhà hoặc số điện thoại nhà nên việc truy tìm gia đình rất khó khăn.

Sau khi một đứa trẻ được đưa về cơ sở chăm sóc, vẫn còn nhiều việc phải làm. Các tổ chức như Salaam sẽ phải thực hiện một loạt thủ tục giấy tờ, tư vấn và cung cấp thông tin của đứa trẻ cho cảnh sát và ủy ban phúc lợi trẻ em.

Quay trở lại câu chuyện của Debrath, dù nhân viên tư vấn đã tìm thấy gia đình của em nhưng mẹ Debrath không muốn đưa con về nhà.

Được chuyển điện thoại để nói chuyện trực tiếp với con, người mẹ cho biết, bà không có tiền để đến Delhi đưa con về và khuyên con tiếp tục ở lại cơ sở chăm sóc tại thủ đô, cùng với hàng nghìn trẻ em vô gia cư và bỏ nhà khác.

Còn với Arjun, cho tới nay, em vẫn không thể liên lạc với gia đình và không còn nhớ hình dáng cha mẹ. Mỗi chuyến tàu tới, Arjun lại mong từ hàng trăm hành khách bước xuống, có cha mẹ mình.

"Em nhớ nhà!" - Arjun chia sẻ và hy vọng một ngày được quay về, đi học và trở thành ca sĩ dẫu biết hy vọng đó quá đỗi xa vời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.