Xã hội

Hà Nội: Bến bãi, cảng không phép "uy hiếp" sông Cầu

15/11/2023, 16:32

Bến cảng, bãi vật liệu, trạm trộn bê tông đang ngày đêm "nuốt chửng" dòng sông Cầu, khi báo chí phản ánh hiện tượng này thì UBND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) dường như né tránh, không cung cấp thông tin.

Bến bãi, trạm trộn bê tông "nuốt chửng" dòng sông Cầu

Những ngày qua, ghi nhận của phóng viên Báo Giao thông cho thấy, tại khu vực ven sông Cầu qua địa phận xã Tân Hưng và xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) xuất hiện nhiều bãi tập kết vật liệu, bến cảng xây dựng không phép, trạm trộn bê tông ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.

Bến cảng không phép "uy hiếp" sông Cầu: Huyện Sóc Sơn né cung cấp thông tin cho báo chí? - Ảnh 1.

Nhiều bến cảng, bãi tập kết vật liệu trái phép đang bủa vây ngã ba sông Cầu và sông Công tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Từ trên cao PV nhận thấy, tại nút giao giữa sông Công và sông Cầu, hàng chục nghìn mét vuông đất tại đây đã bị biến thành bến cảng, nhà xưởng, trạm trộn bê tông.

Tàu thuyền và xe tải trọng lớn hoạt động ra vào những bến cảng, nơi tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông này tấp nập.

Bến cảng không phép "uy hiếp" sông Cầu: Huyện Sóc Sơn né cung cấp thông tin cho báo chí? - Ảnh 2.

Không ít những trạm trộn bê tông đang bủa vây đất ven sông Cầu (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Cách đó không xa, khu đất dài hơn 1km ven sông Cầu (chân cầu Vát) cũng bị "xẻ thịt" để thành nơi tập kết than, vật liệu xây dựng và bến cảng không phép.

Tại đây, có một bến cảng với chiều dài khoảng 300m được xây dựng kiên cố bằng bê tông, phía trên được phủ bê tông vững chắc. Cùng với đó là một con đường bê tông chạy vòng quanh khu đất này rồi dẫn lên đường đường tỉnh 296.

Bến cảng không phép "uy hiếp" sông Cầu: Huyện Sóc Sơn né cung cấp thông tin cho báo chí? - Ảnh 3.

Một bến cảng vừa được xây dựng "nuốt chửng" dòng sông Cầu.

Từ trên cầu Vát phóng tầm mắt xuống, dễ nhận thấy bến cảng này dường như "nuốt chửng" dòng sông cầu.

"Không hiểu sao họ lại xây dựng được bến cảng kiên cố và rộng lớn thò ra giữa dòng sông Cầu thế này", một người dân hay đi qua cầu Vát cho hay.

Ngay cạnh bến cảng này là bãi tập kết xây dựng (cát, sỏi), đất đá rộng ước tính khoảng hơn 1 héc ta. Đặc biệt một bãi tập kết than rộng khoảng hơn 2 héc ta ngang nhiên hoạt động tại đây.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, dù đang là mùa mưa bão, nhưng nhiều đống than lớn được tập kết lộ thiên chỉ một vài đống được che đậy sơ sài bởi bạt. Cùng với đó là hoạt động bốc xếp than từ tàu lên bờ, và từ bờ lên các xe tải.

Bến cảng không phép "uy hiếp" sông Cầu: Huyện Sóc Sơn né cung cấp thông tin cho báo chí? - Ảnh 4.

Một điểm tập kết than trái phép.

Còn tại xã Tân Hưng, một khu đất nông nghiệp rộng gần hơn 2 héc ta ven sông Cầu cũng bị biến thành khu tập vật liệu xây dựng (cát, sỏi, đá).

"Bãi tập kết này hoạt động nhiều năm ở đây rồi, kể cả mùa mưa lũ thì bến bãi này vẫn hoạt động. Dường như mỗi năm lại càng được mở rộng hơn", một người dân ở xã Tân Hưng cho hay.

Clip: Bãi tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông, bến cảng bủa vây sông Cầu (chảy qua xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Tất cả đều hoạt động không phép

Trao đổi với phóng viên, ông Khổng Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) thừa nhận, tất cả bãi tập kết vật liệu xây dựng, cảng than hoạt động ven sông Cầu đều không có phép.

"Họ đã lập hồ sơ để xin cấp phép nhiều năm nay nhưng không hiểu sao vẫn chưa được chấp thuận, vì vậy hiện nay tất cả đều hoạt động không phép", ông Hoàn nói.

Nói về bến cảng được xây dựng thò ra giữa dòng sông Cầu, Chủ tịch UBND xã Trung Giã cho biết, bến cảng này đã được xây dựng từ mấy năm trước, đầu năm 2023 tiếp tục được xây dựng mở rộng.

Bến cảng không phép "uy hiếp" sông Cầu: Huyện Sóc Sơn né cung cấp thông tin cho báo chí? - Ảnh 5.

Nhiều bến cảng hoạt động không phép tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

"Chủ của bến cảng này là ông Trịnh Quang Dung. Đầu năm 2023 chúng tôi phát hiện hiện tượng xây dựng nên đã lập biên bản và yêu cầu dừng lại. Họ định dựng cần cẩu để làm bến cảng nhưng chúng tôi nhất quyết không đồng ý và yêu cầu bao giờ được cho phép thì mới được xây dựng", ông Hoàn nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giã cũng cho biết, vi phạm này vượt quá thẩm quyền xử phạt của UBND xã nên thẩm quyền xử phạt vi phạm này là của UBND huyện Sóc Sơn.

Còn bãi tập kết than, ông Hoàn cho biết, bãi này là của Công ty Vũ Bình, hoạt động không phép nhiều năm trở lại đây.

"Bãi này cũng hoạt động không phép từ nhiều năm nay, đất họ sử dụng làm bãi tập kết than là đất nông nghiệp. Mỗi khi đến mùa mưa bão là chúng tôi yêu cầu chủ bãi vật liệu xây dựng, bến cảng dừng hoạt động, nhưng do nhu cầu mua bán vật liệu xây dựng nên họ vẫn cố tình hoạt động", ông Hoàn nói.

Còn bãi tập kết vật liệu xây dựng tại xã Tân Hưng, ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch UBND xã này cho hay, chủ của bãi này là ông Nguyễn Đình Ban.

"Hoạt động không phép nhiều năm nay, chúng tôi đã xử phạt. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân nên họ vẫn hoạt động để phục vụ việc mua vật liệu của nhân dân", ông Nghi nói.

Bến cảng không phép "uy hiếp" sông Cầu: Huyện Sóc Sơn né cung cấp thông tin cho báo chí? - Ảnh 6.

UBND huyện Sóc Sơn dường như đang né trả lời báo chí về những bãi cảng, trạm trộn bê tông, bãi vật liệu hoạt động không phép tại đê sông Cầu.

Liên quan đến sự việc này, Báo Giao thông đã đặt lịch làm việc kèm theo nội dung câu hỏi đến UBND huyện Sóc Sơn từ giữa tháng 9, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đơn vị này.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, đã phân công ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời nội dung này. Tuy nhiên đã nhiều tháng nay, Báo Giao thông vẫn chưa nhận được phản hồi của ông Ngọc cũng như là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.